Hàng bình ổn giá: Chưa "phủ sóng" vùng nông thôn
(Baonghean) - Chương trình bình ổn giá thị trường cộng với việc triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp đã giúp kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng, hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi. Đây là năm thứ 5 Nghệ an triển khai chường trình bình ổn giá, tuy nhiên, chương trình này vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, hiện mới chỉ tiếp cận được một nhóm nhỏ người tiêu dùng.
Để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ, Tết, ngăn chặn ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhiều địa phương đã triển khai chương trình bình ổn giá đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Mục tiêu của chương trình là tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, tránh thiếu hàng gây sốt giá. Tham gia chương trình, doanh nghiệp được Nhà nước ứng vốn ngân sách tạm thời nhàn rỗi hoặc sử dụng ngân sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp tham gia có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ lượng hàng hoá (thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của chương trình), bảo đảm số lượng, chất lượng, giá cả và các điều kiện khác; Đăng ký giá và cam kết bán hàng bình ổn giá với giá thấp hơn giá thị trường từ 5-15%.
Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, Nghệ An vẫn tăng nguồn tiền cho doanh nghiệp ứng mua hàng với lãi suất 0% trong 3 tháng, từ 16,4 tỷ đồng năm 2012 lên 20,3 tỷ đồng năm 2013. Theo đó, 6 doanh nghiệp được vay hỗ trợ lãi suất để chủ động nguồn hàng bình ổn là: Công ty CP Đầu tư Hợp tác kinh tế Việt Lào, Công ty CP Hữu Nghị, Công ty CP Nông sản XNK tổng hợp, Công ty TNHH Sơn Hải, Công ty CP XNK Lương thực Thành Sang, Công ty TNHH TM&DV Đức Thành. Có 3 nhóm hàng hóa bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay là gạo tẻ 700 tấn (,350 tỷ đồng), gạo nếp 100 tấn (1,8 tỷ đồng) dầu ăn 350.000 lít, (11,2 tỷ đồng).
Cần phải khẳng định rằng, chương trình bình ổn giá là chủ trương lớn, là một trong những biện pháp góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện (từ năm 2008- 2013), chương trình bình ổn giá chưa để lại ấn tượng trong ý thức tiêu dùng. Điểm bán hàng bình ổn giá còn quá ít so với nhu cầu của người dân, và hiện mới chỉ triển khai chủ yếu trong các siêu thị, các cửa hàng trưng bày tại thành phố của doanh nghiệp tham gia chương trình, trong khi đối tượng cần tiếp cận là dân nghèo, người thu nhập thấp tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại chưa được hưởng lợi. Tìm hiểu tại Trung tâm Thương Mại - Công ty CP Hữu Nghị Nghệ An được biết, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán đã được tập kết đầy đủ tại các kho của công ty, nhưng cũng như mọi năm, năm nay công ty mở 2 điểm bán hàng bình ổn giá tại TP Vinh chứ không đưa hàng về vùng ngoại thành, vùng nông thôn.
Quầy bán hàng bình ổn giá của Công ty CP Hữu Nghị Nghệ An trên đường Phan Đình Phùng (TP. Vinh). |
Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Thương mại cho biết: "Ngay từ đầu tháng 10, công ty đã chủ động rà soát nhu cầu của thị trường, thống kê các mặt hàng chủ lực trong dịp Tết và đề ra kế hoạch nhập hàng sớm. Năm nay chúng tôi được vay 4 tỷ 775 triệu đồng từ quỹ bình ổn giá, hiện lượng hàng dự trữ của đơn vị khoảng 30 tỷ đồng với các mặt hàng chính là dầu ăn, thuốc lá, diêm, bánh kẹo, giò chả, bia, nước ngọt các loại…; riêng tháng 12, hàng dự trữ bia, nước ngọt là 42.000 thùng, diêm 1.000 thùng, dầu ăn 100.000 lít. Để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá tùy tiện ở một số loại hình phân phối khác như chợ, cửa hàng tạp phẩm thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, công ty đã mở 2 điểm bán hàng bình ổn giá tại đường Phan Đình Phùng và đường Lê Lợi (TP Vinh)"...
Chị Nguyễn Thị Tuyết (ở xóm Mậu 4, xã Kim Liên - Nam Đàn) cho biết: "Nghe nói nhiều năm nay tỉnh có hỗ trợ người dân bằng cách mở các điểm bán hàng bình ổn giá, nhưng thực tế người dân chúng tôi có được hưởng đâu. Nếu muốn mua được hàng bình ổn phải xuống TP Vinh, tính ra chi phí đi lại đã quá mức tiền được ưu đãi". Ngay cả đối với người dân ở nội thành Vinh cũng không ít người còn băn khoăn: "Các điểm bán hàng bình ổn giá chủ yếu nằm trong hệ thống siêu thị, mà đa phần người dân có thói quen mua hàng tại các chợ, cửa hàng tạp hóa nên chương trình chỉ tiếp cận được một nhóm nhỏ người tiêu dùng có thu nhập cao.
Còn đối với người lao động có mức thu nhập trung bình và thấp ít có cơ hội được hưởng lợi" Chị Lê Thị Thúy (ở xóm 16, xã Hưng Lộc - TP Vinh) chia sẻ. Mặc dù tỉnh, Sở Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật, có biện pháp bảo đảm đủ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, nhất thiết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, gom hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhưng thực tế đã xuất hiện tình trạng một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá được bày bán trong các cửa hàng, đại lý lại có giá bằng, thậm chí cao hơn so với giá các mặt hàng cùng loại; việc bán hàng bình ổn tại siêu thị khó kiểm soát được hiện tượng một số người lợi dụng mua hàng bình ổn giá để bán ra ngoài.
Được cho vay hỗ trợ lãi suất là một lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Từ nguồn vốn này, các doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng nhằm điều tiết ra thị trường với giá ổn định ngay cả vào lúc cao điểm mua sắm. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Bà Trần Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Quản lý Thương mại - Sở Công Thương cho biết: “Theo quy định, mỗi doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn tối thiểu phải mở 2 điểm bán hàng cố định có treo đầy đủ băng rôn, hàng hóa được bày bán phải sắp xếp gọn gàng, thuận tiện cho việc mua sắm.
Vào dịp sát Tết, so với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân toàn tỉnh là khoảng 18.000- 20.000 tỷ đồng thì sự hỗ trợ của ngân sách là không "thấm" vào đâu. Nhưng cái được nhất của chương trình bình ổn là tuyên truyền, tạo hiệu ứng tâm lý, làm cho một số tiểu thương, doanh nghiệp không dám đầu cơ phá giá, nâng giá kiếm lời trước chủ trương bình ổn giá của Nhà nước. Khi cần thiết nơi nào có sự biến động lớn về giá, sốt giá, khan hàng, tỉnh sẽ điều tiết các đơn vị tham gia hàng bình ổn. Thực hiện công tác giữ giá bình ổn thị trường, các doanh nghiệp cũng đã mở rộng mạng lưới bán lẻ, tổ chức bán hàng lưu động về nông thôn; phối hợp tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn giúp nhân dân tiếp cận được với hàng hóa bình ổn, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, giá hợp lý”.
Để đảm bảo tính thiết thực của chương trình, cùng với việc tăng cường thông tin rộng rãi đến mọi người dân, nhất là đối tượng cần được hưởng lợi ích của chương trình này, các ngành chức năng nên dựa trên quy luật cung - cầu, rà soát lại những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá thiết thực đối với cuộc sống của người nghèo, người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, phải tổ chức được mạng lưới phân phối hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn. Có biện pháp xử lý đối với những siêu thị, đại lý đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, nhưng lại không bán hoặc bán với giá cao hơn giá các mặt hàng cùng loại. Có như vậy, chương trình bình ổn giá mới thực sự có hiệu quả, phát huy tác dụng.
Ngọc Anh