Hàng chục ha tôm bị chết chưa rõ nguyên nhân
Hàng chục ha tôm tại Nghi Lộc và tại Quỳnh Lưu bị chết nhưng nhiều người dân không báo cho cơ quan chức năng và không lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Trước mắt, một nguyên nhân đang được đưa ra có thể là tôm đã thả thẳng xuống ao sau quá trình vận chuyển từ xa về.
(Baonghean) - Hàng chục ha tôm tại Nghi Lộc và tại Quỳnh Lưu bị chết nhưng nhiều người dân không báo cho cơ quan chức năng và không lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Trước mắt, một nguyên nhân đang được đưa ra có thể là tôm đã thả thẳng xuống ao sau quá trình vận chuyển từ xa về.
Sau khi thả tôm được 40 ngày, hơn 2.500m2 nuôi tôm của gia đình anh Phạm Văn Thảo, xóm Thái Cát, xã Nghi Thái (Nghi Lộc) có hiện tượng chết. Gia đình anh đã không báo cho cơ quan chức năng biết mà tự mua thuốc và vôi về xử lý ao đầm. Anh Thảo cho biết: “Thấy đầm của nhiều hộ xung quanh tôm cũng bị chết nhưng họ xét nghiệm mà đợi mãi chưa thấy kết quả... Rồi không biết có được hỗ trợ gì không. Hơn nữa, năm nay, cơ quan thú y họ bắt mình đóng tiền rồi mới tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm. Đối với bệnh đốm trắng và taura là 150 ngàn/mẫu. Đối với hội chứng hoại tử gan tụy là 1 triệu đồng/ mẫu. Gia đình thấy nhiều tiền quá nên không xét nghiệm”.
Gia đình anh Lê Anh Chiến, xóm Thái Cát, xã Nghi Thái có 1 đầm tôm 2.500m2 cũng bị chết. “Đàn tôm trong đầm đã được 45 ngày nhưng tự nhiên bỏ ăn, tấp bờ rồi rớt đáy chết mà không biết nguyên nhân. Từ tiền giống, tiền cải tạo ao đầm, tiền thuê nhân công… gia đình mất hơn 50 triệu đồng rồi” - Anh Chiến cho biết. Anh Chiến cũng không lấy mẫu xét nghiệm để biết nguyên nhân vì sao tôm chết vì anh cũng thấy các đầm tôm xung quanh lấy mẫu rồi nên không lấy nữa. Gia đình anh Chiến hiện có 2 đầm tôm, 1 đầm thì lấy giống của Công ty CP, còn 1 đầm thì lấy giống của Công ty Hậu Điện. Tuy nhiên, đối với giống tôm của Công ty Hậu Điện được anh Chiến mua thẳng trực tiếp từ công ty chở trong Bình Thuận ra bán, mà không thông qua ương gièo.
Anh Lê Anh Chiến, xóm Thái Cát, xã Nghi Thái chăm sóc đầm tôm còn lại.
Hiện tượng tôm chết trên địa bàn xã Nghi Thái đã diễn ra từ những ngày cuối tháng 4 cho đến cách đây gần 1 tuần lễ. Toàn xã có khoảng hơn 21 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng với 40 hộ nuôi thì đã có hơn 90% trong số đó đã bị chết. Anh Phạm Văn Trọng, tổ trưởng tổ cộng đồng nuôi tôm xã Nghi Thái cho biết: Tôm bị chết thường ở vào giai đoạn từ 30-45 ngày tuổi sau khi thả. Sau khi có hiện tượng tôm chết, chúng tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Tuy nhiên, do việc lấy mẫu xét nghiệm phải mất chi phí, nên chỉ có khoảng 30% số hộ có tôm bị chết đóng tiền để xét nghiệm. Số còn lại thì tự mua thuốc về xử lý ao đầm và chờ thời gian nữa sẽ tiến hành thả đợt 2.
Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp từ Chi cục Thú y, thì tổng diện tích tôm bị chết trên địa bàn xã Nghi Thái chỉ có 1,2 ha với 6 hộ nuôi, còn ở Quỳnh Lưu tôm chết với tổng diện tích là hơn 5,5 ha. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân tôm chết là do bệnh đốm trắng. Số tôm bị chết chủ yếu là giống của Công ty CP Việt Úc. Ông Đặng Văn Minh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thú y cho biết: Số liệu này được tổng hợp từ Trạm thú y huyện báo cáo lên. Do người dân khi phát hiện tôm bị chết nhưng không báo cáo nên rất khó nắm được số liệu chính xác.
Về nguyên nhân tôm chết, ông Minh cho biết: Sau khi tiến hành lấy mẫu và đưa đi xét nghiệm, cho thấy tôm bị chết ở xã Nghi Thái có kết quả âm tính với bệnh taura, còn đối với bệnh đốm trắng thì có mẫu dương tính, có mẫu âm tính. Còn đối với hội chứng hoại tử gan tụy thì chưa xác định được rõ. Đối với những hộ ở Quỳnh Lưu thì có kết quả dương tính với bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, những người nuôi tôm ở xã Nghi Thái đang nghi ngờ nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tôm chết trong thời gian qua là do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Hiện nay, nguồn nước lấy vào để nuôi tôm tại xã Nghi Thái chảy chung dòng với nguồn nước được thải ra từ nhà máy xử lý nước thải cho khu vực TP. Vinh. “Chúng tôi đã nhiều lần có kiến nghị thông qua các buổi họp, tiếp xúc cử tri về tình trạng ô nhiễm của nguồn nước, nhưng đến nay vẫn chưa thấy một cơ quan chức năng nào về tìm hiểu, đánh giá và có kết luận chính thức cả. Trong khi đó, tôm của chúng tôi cứ chết dần dần, thua lỗ hàng trăm triệu đồng”, anh Trọng chia sẻ.
Lý giải thắc mắc của người dân về việc phải đóng tiền để được xét nghiệm mẫu bệnh, ông Minh cho biết: Căn cứ theo các Thông tư 52 và 36 của Bộ NN&PTNT, Quyết định 09 của UBND tỉnh, thì khi thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ dịch bệnh nguy hiểm, người nuôi tôm phải báo cáo cho tổ cộng đồng, UBND xã và Trạm Thú y huyện để kiểm tra, xác minh tìm tác nhân gây bệnh. Đồng thời, phải chấp hành việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh khi có dấu hiệu bất thường ở động vật thủy sản theo yêu cầu của cơ quan thú y và chi trả tiền xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm đó. Những người không thực hiện thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều đặc biệt là đa phần số tôm chết trong thời gian vừa qua rơi vào những lô giống không qua ương gièo. Số tôm giống này được người dân mua thẳng trực tiếp với các công ty giống tại các tỉnh Nam Trung bộ, hoặc qua các trại ương gièo ở các tỉnh lân cận. Hành vi này đã vi phạm Chỉ thị 01/2012/CT-UBND của tỉnh ta “Về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống và vùng nuôi tôm mặn, lợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Hướng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: Trước khi vào đầu vụ nuôi, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến với người dân, các đại lý kinh doanh tôm giống cũng như chính quyền các cấp về những quy định của Nhà nước về việc phải ương gièo từ 2 ngày trở lên mới được bán giống cho người dân. Vừa qua, Chi cục NTTS đã phối hợp với Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra và bắt được 2 chuyến xe chở tôm giống không qua ương gièo tại Quỳnh Lưu. Và mới đây nhất, là bắt được 1 chuyến xe chở khoảng 1 triệu con tôm giống của Công ty T&T tại Bình Thuận, đang định thả giống tại xã Nghi Hợp, Nghi Lộc không qua ương gièo và giấy tờ kiểm định chất lượng.
Ông Hướng còn cho biết thêm rằng, mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng bán giống tôm không qua ương gièo nhưng để quản lý được là rất khó. Vì một số người dân chạy theo cái lợi trước mắt mà bỏ qua các quy định của Nhà nước. Trong khi đó, hoạt động mua bán thường diễn ra về đêm, chỉ khi nào có tin báo từ cơ sở về thì chi cục mới đi tiến hành kiểm tra và xử lý được. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở còn đang buông lỏng nên rất khó khăn trong việc kiểm tra nguồn gốc, chất lượng tôm giống.
Bài, ảnh: Phạm Bằng