Hàng chục hộ dân vùng nguy cơ lũ quét ở xã biên giới Nghệ An thấp thỏm trong mùa mưa bão

Xuân Hoàng - Quang An 11/09/2023 14:25

(Baonghean.vn) - Đã từng bị sập nhà, trôi hết tài sản trong cơn lũ năm 2018, nên 33 hộ dân sinh sống bên dòng suối Nậm Piệt của xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong đang nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão về.

Nỗi lo sợ bên dòng Nậm Piệt

Dòng suối Nậm Piệt chạy dọc Quốc lộ 48, lên cửa khẩu Thông Thụ dẫn nguồn nước từ nước bạn Lào về. Vì vậy, vào những ngày mưa to, nước suối Nậm Piệt dâng cao rất nhanh, chảy xiết. Cách đây 4 – 5 năm, dọc con suối đoạn qua bản Mường Piệt và Mường Phú của xã Thông Thụ đã từng xảy ra cơn lũ quét kinh khủng, gây thiệt hại nặng nề đối với nhiều hộ dân.

Clip: Quang An - Xuân Hoàng

Trước nguy cơ hàng chục hộ dân sinh sống trong khu vực nguy cơ sạt lở và lũ quét, xã Thông Thụ và UBND huyện Quế Phong đã lập phương án di dời 33 hộ dân của 2 bản nói trên, sinh sống trong vùng nguy hiểm cần phải di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn. Tuy nhiên, đến nay cả 33 hộ dân này vẫn chưa được di dời, khiến cuộc sống của bà con luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ đến.

bna_thong thu 1.jpg
Ông Lương Hoà ở bản Mường Phú, xã Thông Thụ trước ngôi nhà của mình bị nước lũ cuốn trôi vào mùa mưa năm 2018. Ảnh: Xuân Hoàng

Đang sống tạm trong túp lều bên sườn núi, ông Lương Hoà ở bản Mường Phú lo lắng cho biết: Trận lũ năm 2018, dòng nước suối Nậm Piệt đã cuốn trôi gần như toàn bộ ngôi nhà và tài sản của gia đình. Sau trận lũ đó, gia đình phải làm lán ở tạm phía trên triền núi, 4 thành viên sống trong cảnh chật chội, thiếu thốn đủ bề suốt nhiều năm nay.

“Nghe nói Nhà nước bố trí khu tái định cư cho gia đình và các hộ khác, nhưng chờ mãi vẫn chưa có. Giờ đây, gia đình mong muốn các cấp, ngành sớm bố trí khu tái định cư để gia đình an cư lạc nghiệp, chứ ở tạm đây cũng sợ sạt lở núi”, ông Lương Hoà giãi bày.

bna_thong thu 2.jpg
Gia đình bà Vi Thị Thân không khỏi lo lắng khi mùa mưa lũ cận kề, bởi trước đó ngôi nhà của bà đã bị nước lũ làm sập và cuốn trôi một gian nhà. Ảnh: Xuân Hoàng

Đứng trước ngôi nhà xây đã bị sập mất một gian ngay sát mép suối Nậm Piệt, bà Vi Thị Thân không khỏi lo lắng khi mùa mưa lũ đang đến gần. Bà Thân mong rằng, Nhà nước sớm hoàn thành khu tái định cư để người dân ổn định cuộc sống, chứ ở đây ngày nào là lo ngày đó, bởi vào mùa mưa, nước suối dâng bất ngờ, lúc đó thì không kịp trở tay, tính mạng và tài sản của người dân không thể lường trước được.

Trao đổi với PV, ông Lương Văn Huân – Chủ tịch UBND xã Thông Thụ cho rằng: Điểm tái định cho 33 hộ dân thuộc diện nguy cơ sạt lở và lũ cuốn tại 2 bản Mường Piệt và Mường Phú đã được UBND huyện triển khai thực hiện tại khu vực của bản Mường Piệt từ năm 2022. Đến nay, điểm tái định cư đã cơ bản hoàn thành, nhưng huyện chưa phân lô, tổ chức cho các hộ dân bốc thăm phần đất ở.

“Là địa bàn thường xuyên bị mưa lũ, đặc biệt là dọc suối Nậm Piệt, do đó 33 hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy cơ cao sạt lở và lũ quét này, địa phương rất lo lắng. Quan điểm của địa phương là cấp trên sớm hoàn thành điểm tái định cư để di chuyển bà con lên ở, nếu không, vào những ngày mưa lũ, cả cán bộ huyện, xã và lực lượng bộ đội của Đồn Biên phòng Thông Thụ luôn phải thức đêm để canh gác, sẵn sàng hỗ trợ những hộ dân này đến nơi ở an toàn khi sự cố xảy ra”- ông Lương Văn Huân chia sẻ.

bna_thong thu 3.jpg
Những ngôi nhà cạnh bờ suối Nậm Piệt bị nước lũ gây sạt lở từ mùa mưa năm 2018. Ảnh: Quang An

Điều chỉnh quy hoạch để sớm đưa vào sử dụng

Có mặt tại điểm tái định cư cho 33 hộ dân nói trên, có thể thấy, nơi đây được chia làm 2 cụm gần nhau, trên khu vực đất đã được san ủi bằng phẳng, gần với điểm Trường Tiểu học. Các công trình xây dựng cơ bản như: đường giao thông, mương thoát nước, điện lưới, điện chiếu sáng hai bên đường… đã được hoàn thành, nhưng chưa được phân lô thành từng thửa đất ở.

Được biết, dự án khu tái định cư cho 33 hộ dân xã Thông Thụ được Nhà nước phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Theo đó, các hạng mục xây dựng chính, gồm: San lấp mặt bằng, giao thông, điện, nhà văn hoá... Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, nhưng chưa tổ chức đưa người dân vào ở. Nguyên nhân là do chưa xây dựng được nhà văn hoá, bởi thiếu vốn. Trước thực trạng đó, UBND huyện Quế Phong xin điều chỉnh dự án là cắt hạng mục nhà văn hoá để sớm di dời các hộ dân đến ở.

bna_thong thu 4.jpg
Điểm TĐC Mường Piệt dành cho 33 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở và lũ quét xã Thông Thụ đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng. Ảnh: Quang An

Đại diện Ban Quản lý dự án huyện Quế Phong cho biết, lý do xin điều chỉnh dự án là do điểm Trường Tiểu học cạnh bên đã được đầu tư xây dựng kiên cố, nhưng do sáp nhập trường học, nên điểm trường lâu nay bỏ không. Do vậy, huyện xin chuyển mục đích sử dụng của điểm trường này làm nhà văn hoá cho điểm tái định cư. Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chấp nhận ý kiến của huyện. Do đó, huyện cố gắng trong tháng 10 tới sẽ tiến hành phân lô, tổ chức cho bà con bốc thăm nhận phần đất để sớm di dời đến ở an toàn.

Hàng năm, vào mùa mưa lũ, khu vực miền núi, đặc biệt là các điểm có nguy cơ cao về sạt lở và lũ quét đã được các cấp, ngành nhận định, thì cần được quan tâm sớm triển khai những giải pháp có thể. Nếu không, khi sự cố về lũ ống, lũ quét xảy ra thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người dân là điều có thể thấy trước.

Mới nhất
x
Hàng chục hộ dân vùng nguy cơ lũ quét ở xã biên giới Nghệ An thấp thỏm trong mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO