Hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán: Còn trông nhiều bề!

07/01/2014 17:06

(Baonghean) - Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc dự trữ hàng hóa để chuẩn bị cho mùa kinh doanh Tết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh và các ngành chức năng cũng đã triển khai kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng; đồng thời tiến hành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sẵn sàng cung ứng hàng hóa Tết

Theo bà Trần Thị Mỹ Hà- Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương, kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của người dân. Để đảm bảo quyền lợi, cũng như đồng hành cùng người dân, Sở Công thương và nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất kế hoạch bình ổn giá từ rất sớm nhằm phục vụ nhu cầu người dân. Tổng giá trị hàng hóa mà các doanh nghiệp sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường là khoảng hơn 100 tỷ đồng, sẽ tập trung ổn định giá vào hai tháng Tết cho đến ngày 28/2/2014. Do đó, các mặt hàng sẽ không tăng giá. Hiện các doanh nghiệp tuy còn lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm tết nhưng vẫn chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ và cam kết đảm bảo nguồn cung với giá cả mặt hàng thiết yếu như đường, gạo, nếp, dầu ăn ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Thực hiện chương trình bình ổn giá của UBND tỉnh, Tổng Công ty xuất khẩu nông sản Nghệ An với số tiền được vay 4,25 tỷ đồng để chuẩn bị 100.000 lít dầu ăn, 100 tấn gạo tẻ, do đến tết nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh nên đơn vị đã đầu tư 20 tỷ đồng chuẩn bị hàng trăm tấn gạo, nếp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ 4,775 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư hợp tác kinh tế Việt - Lào còn đầu tư thêm 15 tỷ đồng để ký kết hợp đồng mua dự trữ hàng Tết, tăng lên gấp 4 lần so với những tháng kinh doanh bình thường; trong đó 70% lượng hàng hóa được đưa đến người tiêu dùng ở các huyện thị trong tỉnh.

Ngay từ đầu tháng 10/2013, Công ty CP Hữu Nghị đã chủ động rà soát nhu cầu của thị trường, thống kê các mặt hàng chủ lực trong dịp Tết để lập kế hoạch nhập hàng sớm, hiện lượng hàng dự trữ của đơn vị khoảng 30 tỷ đồng với các mặt hàng chính là dầu ăn, thuốc lá, diêm, bánh kẹo, giò chả, bia, nước ngọt các loại… Không chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng hàng hóa phục vụ Tết, các doanh nghiệp còn chủ động tăng cường kênh phân phối, đảm bảo đưa hàng với giá cả bình ổn đến tận tay người tiêu dùng thông qua các chương trình bán hàng lưu động. Điều này không chỉ giúp cho việc lưu thông, phân phối hàng trên toàn tỉnh thêm thuận lợi, mà còn góp phần bình ổn giá thị trường, không để xảy ra tình trạng "khan" hàng, sốt giá.

Khách hàng chọn mua bánh kẹo tại Siêu thị Intimex.
Khách hàng chọn mua bánh kẹo tại Siêu thị Intimex.

Không phải bây giờ mà cách đây cả tháng, các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị đảm bảo cung ứng đủ số hàng hóa và cố gắng bình ổn giá các mặt hàng trong thời gian bán hàng Tết. Ở siêu thị BigC Vinh, riêng mặt hàng thịt nguội và các mặt hàng truyền thống phục vụ Tết như giò, chả, bánh chưng được đặt hàng sản xuất theo hương vị đặc trưng của các vùng miền đã được chuẩn bị chu đáo, tăng 20% so với năm trước. Mặt hàng quà tết cũng đã hoàn tất, trong đó có khoảng 20 loại giỏ, hộp quà tết khác nhau được thiết kế với nhiều mức giá từ 65.000 - 2.000.000 đồng, sản phẩm của các thương hiệu uy tín và chất lượng. Ngoài việc trực tiếp tăng dự trữ hàng hóa Tết, nhiều siêu thị còn liên kết, ký hợp đồng với các nhà sản xuất, nhà cung cấp sẵn sàng cung ứng thêm lượng hàng hóa khá lớn khi có nhu cầu... Tại các chợ, đặc biệt là chợ đầu mối Vinh, hàng hóa phục vụ Tết cũng đã được tư thương dự trữ, bày bán rất đa dạng. Từ mặt hàng khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, bóng... cho đến bánh, kẹo, các loại mứt, hạt cũng đã ngồn ngộn với hàng trăm chủng loại, mẫu mã khác nhau.

"Còn trông nhiều bề"...

Nguyên vật liệu, nhân công, kế hoạch phân phối... các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị cho mùa kinh doanh Tết. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế chưa mấy khởi sắc, sức mua còn trì trệ thì mong đợi về mùa kinh doanh lớn nhất cả năm chỉ là tăng trưởng "chút ít" chứ không dám mơ nhiều. Đó là nhận định chung của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh về sức mua hiện nay. Theo ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm Thương mại - Công ty CP Hữu Nghị: "Sức mua hiện đang ở mức duy trì hơn là tăng trưởng, người tiêu dùng đang dè sẻn chi tiêu nên dự kiến sức mua sẽ tập trung vào các ngày cận Tết. Trong điều kiện kinh doanh như vậy, chúng tôi chủ trương không phát triển sản phẩm mới mà tập trung vào các mặt hàng thế mạnh và kiềm giữ giá".

Tháng Chạp được xem là tháng ăn nên làm ra nhất của năm đối với những tiểu thương buôn bán hàng thiết yếu, nhưng nay họ rơi vào tình cảnh kinh doanh "èo uột". Một lý do khác cũng khiến các tiểu thương lo lắng là tình trạng giá cả dao động thất thường. Nguyên nhân không phải từ người bán mà từ nhà cung cấp, các đại lý phân phối. Theo chị Nguyễn Thị Lễ - chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo trên đường Hồ Tùng Mậu (TP Vinh): "Năm ngoái, cửa hàng vừa nhập kho 800 thùng bia Larue để chuẩn bị bán tết thì nhà sản xuất tung ra chương trình khuyến mãi mua 20 thùng tặng 1. Lo ngại sức mua kém và gặp phải tình huống như năm trước nên năm nay tôi không dám lấy bia nhiều, nhưng cũng tiếc nếu những ngày cận tết sức mua tăng mạnh sẽ bị "đứt" hàng vì không có nguồn dự trữ, như từ cuối tháng 12 đến nay giá bia đã tăng trung bình 10.000 đồng/thùng. Với kiểu phân phối và kinh doanh hàng như hiện nay thì giá hàng hóa bị "đẩy" lên cao trong dịp tết cũng có phần do nhà sản xuất, nhà cung ứng hàng chứ không riêng gì người buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi".

Những năm trước vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch là cán bộ công nhân viên, người có thu nhập ổn định và người dân sống ở khu vực thành thị đã bắt đầu rục rịch mua sắm. Ở nông thôn, dù muộn hơn nhưng cũng bắt đầu mua sắm tết vào đầu tháng Chạp. Thế nhưng năm nay, dù tết đã về trước cửa nhưng cả người mua lẫn người bán đều "buồn hiu", trông đợi vào những ngày cận kề Tết để xem tình hình có khả quan hơn hay không. Chị Nguyễn Thị Kim Anh (nhân viên Ngân hàng Sacombank ) cho biết: "Mọi năm, quần áo, giày, dép cho cả nhà đã được mình lựa chọn, mua sắm từ đầu tháng 12 DL. Bởi lúc ấy hàng thường về nhiều, mẫu mã đẹp, người đi mua hàng còn ít nên không mất công chen lấn, có thời gian lựa chọn. Năm nay, kinh tế khó khăn, lương thưởng bị cắt giảm nhiều nên mình phải cân nhắc, chỉ tiêu vào các khoản cần chi trong dịp Tết ". Đối với người dân ở khu vực nông thôn, có con cái đi làm ăn xa cũng không trông đợi vào những khoản tiền mà các lao động đem về để sắm sanh mua bán. Bà Nguyễn Thị Phước (ở xóm 4 - xã Nam Cường- Nam Đàn) cho hay: "Tui có hai đứa con đi làm công nhân trong TP.Hồ Chí Minh. Mọi năm, thời điểm này nó đã gửi tiền về cho mẹ sắm sanh trước, nhưng năm nay nghe các con thông báo sẽ không về quê ăn Tết vì lương thưởng không ăn thua".

Theo nhận định của các ngành chức năng, một trong những nguyên nhân chính khiến cho sức mua năm nay không cao là do kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là các doanh nghiệp có số lượng cán bộ, công nhân lớn như ngành xây dựng, ngân hàng... Từ việc hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó đã kéo theo tiền lương, thưởng của công nhân bị giảm, người dân phải thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua trong năm khá thấp. Đáng chú ý là những tháng cuối năm, tại các chợ đầu mối cho thấy, giá cả một số mặt hàng thiết yếu như thịt bò, thịt lợn, thịt gà đang có sự tăng nhẹ từ 5- 8%. Điều này đã khuyến khích người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, tăng số lượng nuôi do bắt đầu có lãi, góp phần tăng nguồn cung cấp khá lớn cho thị trường Tết.

Như vậy, nếu từ nay đến sát Tết Nguyên đán, các địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh thì với sản lượng lợn, gà, bò dồi dào, dự báo giá thực phẩm Tết năm nay sẽ ít có biến động. Riêng đối với các đơn vị phân phối, tổ chức bán hàng lớn trên địa bàn Thành phố Vinh thì cho đến thời điểm này cũng đều hoàn tất kế hoạch chuẩn bị và nhập hàng Tết. Tại các hệ thống siêu thị và các cửa hàng, đại lý lớn đều đã có kế hoạch chuẩn bị nhiều loại hàng hoá tiêu dùng thiết yếu, tăng gấp 2- 3 lần so với những tháng thông thường. Hơn nữa, do sức mua thời gian qua khá thấp, để kích cầu tiêu dùng và nâng cao sức cạnh tranh nên các đơn vị bán hàng đều thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá và cam kết không tăng giá đột biến sản phẩm nhằm thu hút và giữ chân khách hàng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, thói quen tiêu dùng của nhiều người dân cũng đã có sự thay đổi. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần trong dịp Tết như trước đây, thì nay người dân chỉ mua sắm đủ dùng trong 3 ngày Tết. Từ mùng 2 đến mùng 3 Tết, phần lớn các chợ dân sinh và siêu thị đã hoạt động trở lại bình thường, vì vậy, áp lực nguồn cung dồn vào mấy ngày Tết sẽ không còn, hiện tượng "cháy hàng", tăng giá thực phẩm như những năm trước cũng ít xảy ra.

Ngọc Anh

Mới nhất
x
Hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán: Còn trông nhiều bề!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO