Hàng không VN: Gia tăng đột biến sự cố uy hiếp an toàn, an ninh

21/10/2014 14:50

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), số vụ vi phạm an toàn, an ninh hàng không trong chín tháng đầu năm tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013, tuy nhiên không có vụ việc nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng soi chiếu hành lý hành khách trước khi lên máy bay. Ảnh: TTXVN
Lực lượng chức năng soi chiếu hành lý hành khách trước khi lên máy bay. Ảnh: TTXVN

Một bộ phận hành khách, người dân vẫn cố tình xâm phạm bất hợp pháp khu vực hạn chế trong sân bay, tung tin có bom, vật liệu nổ; hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định, thậm chí gây rối, đe dọa, không tuân thủ hướng dẫn của nhân viên hàng không đã “gióng” lên hồi chuông báo động về mức độ an toàn của loại phương tiện vận chuyển được coi là khá an toàn và văn minh này.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, chín tháng đầu năm 2014 đã có tổng số 210 sự cố an toàn bay (tăng gần 60 vụ so với năm 2013, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2013 và 19% so với cùng kỳ năm 2012).

Tuy nhiên, báo cáo của Cục Hàng không cũng nhìn nhận, mức tăng cao chủ yếu nằm ở mức E và D (sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn); số lượng sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao và nghiêm trọng (mức C và B) không tăng (7 sự cố). Một sự cố nghiêm trọng (sự cố mức B) xảy ra tại Melbourne (Australia) khi tàu bay đang thực hiện cất cánh phát hiện hỏng động cơ. Cơ quan điều tra sự cố Australia (ATSB) đang tiến hành công tác điều tra.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, Cục Hàng không cũng đi sâu vào phân tích nguyên nhân sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay vẫn cao (103 sự cố, chiếm 49% tổng số sự cố). Số lượng sự cố liên quan đến thành viên tổ bay và nhân viên phục vụ mặt đất đã giảm 22% so với cùng kỳ năm 2013 (21/27 vụ), điều này thể hiện sự tiến bộ trong việc tuân thủ quy trình khai thác và quy trình bảo dưỡng tàu bay so với cùng kỳ năm 2013.

“Đặc biệt, sự cố do chim và đập, vật nuôi và vật ngoại lai trên đường cất hạ cánh gây ra trong chín tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013 cho thấy công tác kiểm tra an toàn sân đỗ, khai thác khu bay và kiểm soát chim và động vật hoang dã vẫn còn chưa hiệu quả,” đại diện Cục Hàng không nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng chỉ ra nguyên nhân do hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh (20 sự cố so 4 sự cố cùng kỳ năm 2013) cũng dẫn tới vi phạm an toàn bay.

Đáng chú ý, các sự cố do lỗi hệ thống gây ra 2/4 sự cố có tính nghiêm trọng (vụ vận chuyển nhầm hành khách đi Cam Ranh ngày 19/6 và vụ cấp nhầm huấn lệnh bay tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ngày 27/6/2014) cho thấy công tác kiểm soát chất lượng đối với các quy trình cung cấp dịch vụ vẫn còn bất cập.

Thừa nhận công tác giám sát trực tiếp của Cảng vụ còn yếu, thiếu nhân lực chuyên môn sâu, Cục Hàng không Việt Nam cũng nhận trách nhiệm khi chưa quyết liệt trong việc đôn đốc các đơn vị thực hiện các khuyến cáo, yêu cầu; việc áp dụng chế tài trong trường hợp phát hiện sai lỗi còn hạn chế; vẫn để xảy sự cố hàng không do lỗi của tổ bay, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu, nhân viên điều độ, nhân viên thủ tục bay, lỗi hệ thống; đặc biệt công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cho hành khách còn kém hiệu quả dẫn đến các vụ hành khách không tuân thủ các quy định về an toàn hàng không tăng mạnh.

Liên quan công tác đảm bảo an ninh hàng không, theo số liệu thống kê của Cục Hàng không, trong chín tháng qua, cả nước đã xảy ra 226 vụ việc vi phạm về an ninh hàng không (tăng 104 vụ so với cùng kỳ năm 2013), đa số nguyên nhân các vụ việc này là do ý thức của hành khách, công dân.

“Các vụ việc vi phạm về an ninh hàng không đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Công tác phối hợp giữa an ninh hàng không và các cơ quan chức năng trong việc phòng chống các tội phạm quốc gia qua đường hàng không đã được cải thiện, đặc biệt là an ninh hàng không phát hiện, phối hợp phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy qua các Cảng hàng không, sân bay Việt Nam,” đại diện Cục Hàng không cho biết.

Tuy nhiên, Cục Hàng không cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các hãng hàng không Việt Nam chưa thực hiện tốt việc triển khai các quy định của pháp luật Việt Nam tại sân bay nước ngoài; chưa thiết lập hệ thống bảo đảm an ninh độc lập của hãng. Một số chính quyền cấp phường, xã vi phạm nghiêm trọng quy định về chứng nhận nhân thân.

“Ngoài ra, việc duy trì kỷ luật trật tự tại các cảng hàng không sân bay chưa tốt, chưa đủ tính răn đe. Công tác chỉ đạo, phối hợp của Cục Hàng không, Cảng vụ hàng không về bảo đảm an ninh hàng không còn một số hạn chế,” đại diện Cục Hàng không cho hay.

Để hạn chế tối đa sự cố liên quan đến an toàn, an ninh hàng không, Cục Hàng không Việt Nam sẽ triển khai thực hiện Đề án đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Hàng không dân dụng của Cục Hàng không và các Cảng vụ hàng không đến năm 2020 sau khi được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đồng thời tăng cường tuyên truyền cho hành khách về chế tài đối với các hành vi vi phạm để giảm thiểu và quản lý được hành khách gây rối; mở rộng, cải tiến kết cấu hạ tầng Cảng hàng không, sân bay; nâng cao chất lượng, bổ sung lĩnh vực huấn luyện đào tạo nhân viên hàng không, đặc biệt là kiểm soát viên không lưu; duy trì nghiêm kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không…

Trong chín tháng đầu năm 2014, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hơn 115.000 chuyến bay với tỷ lệ chậm hủy chuyến là 21,1% (tỷ lệ chậm là 18,7%; tỷ lệ hủy là 2,4%).

Chỉ tính riêng tháng Chín này, tỷ lệ chậm của các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn 9,9%; tỷ lệ hủy là 0,4%.

Cũng trong chín tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện 91 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (19 cuộc thanh tra, 72 cuộc kiểm tra); ra 236 quyết định xử phạt xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng (trong đó Chánh Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam trực tiếp ra 36 quyết định, các Cảng vụ hàng không ra 200 quyết định) với số tiền xử phạt là 1,72 tỷ đồng.

Theo Vietnam+

Mới nhất

x
Hàng không VN: Gia tăng đột biến sự cố uy hiếp an toàn, an ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO