Hàng ngàn dân công hỏa tuyến gặp nhau, nô nức như ngày tòng quân

Thanh Nga 20/07/2019 19:17

(Baonghean) - Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh công tác chi trả chế độ cho đối tượng là dân công hỏa tuyến qua các thời kỳ cơ bản đã hoàn tất. Hầu như tất cả các hồ sơ ở các tuyến cơ sở đề xuất đều được xét duyệt.

Nô nức như ngày tòng quân

Ngày chi trả chế độ cho cựu thanh niên xung phong, mới từ sáng sớm nhưng hội trường UBND huyện Nghi Lộc đã đông kín các cụ ông, cụ bà mặc đồng phục, đội mũ tai bèo, rạng rỡ như thủa đôi mươi.

Ban CHQS huyện Nghi Lộc thực hiện chi trả chế độ theo Quyết định 49 cho công dân tham gia dân công hỏa tuyến.  Ảnh: Trọng Kiên
Ban CHQS huyện Nghi Lộc thực hiện chi trả chế độ theo Quyết định 49 cho công dân tham gia dân công hỏa tuyến. Ảnh tư liệu

“Từ khi được xã phát thông báo Nhà nước sẽ chi trả chế độ cho anh em dân công hỏa tuyến, chúng tôi vô cùng mừng rỡ. Tuy chế độ không nhiều nhưng dù sao cũng là nguồn động viên, ghi nhận đối với chúng tôi. Cũng qua dịp này, chúng tôi được gặp gỡ nhau, được ôn lại cái thời “nghe kẻng mà đi, nghe trống mà hăm hở lên đường”.

Ông Thái Doãn Chu - xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc

Ông Chu năm nay đã 76 tuổi và nhiều người ở xã Nghi Vạn may mắn còn sống đến ngày hôm nay từng là những nhân công tiếp tế chi viện cho chiến trường miền Nam trên các cung đường 7, đường 1A.

“Khỏi phải nói hết những hiểm nguy khi máy bay địch bay rè rè trên đầu, khi hố bom vừa san xong đã thành vực, anh em, đồng chí ngã xuống ngay cạnh mình, ngay khi đang ăn dở gói cơm nắm”, ông Chu hồi tưởng. Sau khi được phục viên về quê hương, những người dân công như ông Chu lại chăm chỉ lao động, tăng gia sản xuất, luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực vào chiến trường. Ảnh tư liệu
Lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực vào chiến trường. Ảnh tư liệu

Trong số những đối tượng được chi trả chế độ dân công hỏa tuyến lần này còn có cả những gia đình có cả cha và con là dân công hỏa tuyến thời kỳ chống Pháp nay đã mất. Có mặt tại hội trường, con gái cụ Phan Đình Thìn không giấu được những giọt nước mắt vừa mừng vui, vừa nuối tiếc, cho biết: “Nếu cha tôi còn sống hẳn ông mừng lắm. Khi còn sống lúc nào ông cũng nhắc về thời kỳ cả xã lên đường tòng quân vì miền Nam ruột thịt. Dù chỉ được điều động có 5 tháng nhưng với ông đó là quãng thời gian gian khổ mà ý nghĩa vô cùng”.

“Các bác từng tham gia dân công hỏa tuyến đa số được điều động khoảng thời gian từ năm 1952 đến trước năm 1975 nên rất khó lưu giữ giấy tờ. Xã đã căn cứ vào Sổ vàng về đối tượng chính sách, các thời điểm điều động dân công hỏa tuyến và tờ khai của đối tượng để thực hiện việc đệ trình danh sách lên các cấp. Nhiều người rất vui mừng vì không chỉ họ được hưởng từ 2 - 3, 5 triệu đồng mà còn được cấp thẻ BHYT, món quà rất ý nghĩa đối với những người tuổi cao, sức yếu”.

Ông Thái Viết Trí - Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nghi Vạn (Nghi Lộc)

Ông Nguyễn Đình Thắng - Cán bộ chính sách Ban CHQS huyện Nghi Lộc cho biết: “Để chi trả kịp thời đủ và đúng cho 11.629 đối tượng, ban chính sách các cấp của huyện đã tập trung nhân lực để rà soát và xét duyệt kỹ hồ sơ, sao cho không để sót đối tượng. Một bộ hồ sơ khai xét chế độ dân công hỏa tuyến chỉ cần xác định thời điểm đi dân công, nơi đi, và thời gian được điều động. Thế nên, để chính xác, cán bộ chính sách các cấp cần nắm được danh sách qua các thời kỳ cũng như thời điểm đối tượng khai báo có đúng với thời điểm xã điều động trước đây hay không”.

Đại đội Dân công xe đạp thồ huyện Diễn Châu.  Ảnh tư liệu
Đại đội Dân công xe đạp thồ huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu
Rà soát chính xác đối tượng
Chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Dân công hỏa tuyến đa số chỉ được điều động theo đợt từ 3 - 5 tháng từ năm 1952 đến 30/4/1974. Ảnh tư liệu
Dân công hỏa tuyến đa số chỉ được điều động theo đợt từ 3 - 5 tháng từ năm 1952 đến 30/4/1974. Ảnh tư liệu

Theo báo cáo của Bộ CHQS tỉnh, năm 2015, triển khai Quyết định 49, tổng số đối tượng khảo sát ban đầu là 152.647 đối tượng. Nhưng sau 2 năm, Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận 206.615 hồ sơ. Trong đó có 6.884 hồ sơ trả về cho các đối tượng bổ sung, 1.120 hồ sơ không đủ điều kiện.

Theo ông Nguyễn Tú Hạ - Cán bộ Ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh, nguyên nhân hồ sơ tiếp nhận vượt nhiều so với số khảo sát ban đầu đến 53.968 trường hợp là do công tác tuyên truyền ở một số địa phương chưa kịp thời, chưa hiệu quả, nhân dân và các đối tượng chính sách chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công nên việc cung cấp thông tin chưa đúng, chưa đủ, dẫn đến khảo sát nắm số liệu không chặt chẽ...

BCH Quân sự huyện Tân Kỳ chi trả chế độ cho các đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến trên địa bàn. Ảnh tư liệu
BCH Quân sự huyện Tân Kỳ chi trả chế độ cho các đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến trên địa bàn. Ảnh tư liệu

Còn ông Nguyễn Đình Thắng - Ban CHQS huyện Nghi Lộc cho biết: “Việc phối hợp trong xét duyệt hồ sơ một số xã vẫn còn thiếu chặt chẽ, xét duyệt chưa theo đúng quy trình, cá biệt có hội đồng chính sách xã trong 1 tháng tổ chức xét duyệt nhiều lần, mỗi lần chỉ xét duyệt 5 - 7 hồ sơ, chưa nắm chắc hướng dẫn của trên nên số hồ sơ phải trả đi, trả lại nhiều lần gây phiền hà cho đối tượng và khó khăn cho hội đồng xét duyệt của huyện”.

Việc có 1.120 hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ theo Quyết định 49 cũng khiến cho nhiều địa phương phải tổ chức giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách và quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về phạm vi đối tượng.Và theo Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh thì đó cũng là điều khó tránh khỏi.

“Quan trọng nhất là với khối lượng lớn, phạm vi đối tượng rộng, chúng ta đã thực hiện chi trả trong thời gian sớm, được sự ghi nhận, phấn khởi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người đã từng tham gia dân công hỏa tuyến và gia đình họ”,

Ông Nguyễn Tú Hạ - Cán bộ Ban Chính sách BCHQS tỉnh

Theo quy định, đối tượng được hưởng chính sách theo Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg là dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, trong thời gian và địa bàn như sau:

- Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9/1945 đến ngày 20/7/1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia.
- Dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 7/1/1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 12/1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988, ở Campuchia từ tháng 1/1979 đến ngày 31/8/1989. Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.
- Đối với một số địa bàn đặc biệt, thời gian tham gia của dân công hỏa tuyến có thể được tính sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian nêu trên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Mới nhất

x
Hàng ngàn dân công hỏa tuyến gặp nhau, nô nức như ngày tòng quân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO