Xã hội

Lùm xùm quanh việc chi trả tiền chính sách ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương)

Tiến Hùng 30/11/2024 09:24

Những năm qua, tại xã Thanh Sơn (Thanh Chương), có hơn 500 trường hợp được chi trả chính sách cho người tham gia dân công hỏa tuyến. Tuy nhiên, quá trình xét duyệt hồ sơ có nhiều bất thường, có những trường hợp thậm chí không có tên trên địa bàn xã nhưng vẫn được xét duyệt để hưởng chính sách.

Muốn hưởng chính sách cũng phải đóng phí

Ngày cuối tháng 11/2024, chúng tôi tìm đến xã Thanh Sơn (Thanh Chương), sau khi nhận được lá đơn tố cáo về những hành vi mờ ám trong việc xét duyệt hồ sơ chế độ, chính sách cho dân công hỏa tuyến. Đây là xã tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, người dân được di dời từ huyện Tương Dương xuống hơn 15 năm trước.

“Chúng tôi cũng đã nắm được thông tin có đơn tố cáo từ người dân. Qua xác minh ban đầu thì một số nội dung trong đơn là có cơ sở. Nhưng để làm rõ các thông tin, có lẽ phải cần cơ quan công an vào cuộc”.

Ông Lô Huy Hùng – Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn

Trụ sở UBND xã Thanh Sơn.
Trụ sở UBND xã Thanh Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Theo như đơn tố cáo, ông Lữ Thanh Phượng - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Thanh Sơn là người đứng ra nhận hồ sơ để làm chế độ, chính sách cho dân công hỏa tuyến trên địa bàn xã suốt nhiều năm nay. Sau khi người dân được hưởng, phải chia tiền cho ông Phượng. Ngày 19/7/2024, nhiều người dân ở xã Thanh Sơn xuống Ban Chỉ huy Quân sự huyện để nhận tiền chính sách cho dân công hỏa tuyến thì được đơn vị này thông báo trên loa, đề nghị người dân sau khi nhận tiền xong không trả công cho người ngoài, vì đây là tiền cấp cho người có công…

Đây chính là chế độ chính sách cho dân công hỏa tuyến theo Quyết định số 49/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, người tham gia dân công hỏa tuyến dưới 1 năm, được trợ cấp 2 triệu đồng; người tham gia đủ 1 năm đến dưới 2 năm được trợ cấp 2,7 triệu đồng; người từ đủ 2 năm trở lên, được trợ cấp 3,5 triệu đồng. Người đã từ trần, một trong những thân nhân sau đây của người từ trần được hưởng là vợ hoặc chồng; bố mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Theo quy định, hồ sơ gồm 1 bản khai của đối tượng hoặc thân nhân đối tượng (đối với trường hợp đã từ trần); bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ tham gia dân công hỏa tuyến (nếu có). Những người này hoặc thân nhân (đối với đối tượng đã từ trần) có trách nhiệm lập bản khai và trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; cấp xã tổ chức xét duyệt theo từng đợt, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện. Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện rà soát, đối chiếu, tổng hợp, báo cáo; Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh thẩm định đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp 1 lần. Sau đó, Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện tổ chức chi trả trực tiếp chế độ trợ cấp 1 lần cho các đối tượng.

Sau khi Quyết định 49 có hiệu lực từ năm 2015 đến nay, xã Thanh Sơn đã xét duyệt 605 hồ sơ để báo cáo lên Ban Chỉ huy Quân sự huyện. Trong số này, có 8 hồ sơ bị trả về vì không đủ điều kiện, 536 hồ sơ đã được nhận tiền, số còn lại vẫn đang chờ chi trả.

Ông Lô Văn Cả - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thanh Sơn cho biết, để triển khai, xã đã thành lập Tổ tư vấn do ông Lữ Thanh Phượng - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong làm tổ trưởng. Ông Phượng là người hướng dẫn cho người dân rồi xác minh, thu hồ sơ trình lên Hội đồng Chính sách xã để xét duyệt.

“Tôi không biết ông Phượng thu của người dân bao nhiêu tiền, nhưng từ khi tôi làm vị trí này từ năm 2021 đến nay, mỗi hồ sơ như thế, ông Phượng có đưa cho tôi 20.000 đồng”.

Ông Lô Văn Cả - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thanh Sơn

Trong khi đó, theo như tố cáo từ người dân, mỗi lần hướng dẫn làm hồ sơ để được hưởng chính sách, nhận tiền xong, người được hưởng phải chia cho ông Phượng số tiền lớn. “Có vị cán bộ xã kể, bố vợ của ông ấy nhờ ông Phượng làm hồ sơ, nhận tiền xong phải đưa cho Phượng 800.000 đồng”, một lãnh đạo xã Thanh Sơn xin được giấu tên nói. Để làm rõ thông tin này, phóng viên cũng đã tìm đến một vài trường hợp vừa nhận tiền chính sách về, tuy nhiên, những người này đều từ chối trả lời.

Còn ông Lữ Thanh Phượng thì cho biết, trong quá trình làm hồ sơ, ông chỉ nhận của mỗi trường hợp 20.000 đồng, tất cả đều nộp về cho Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã. “Tôi không nhận khoản tiền nào thêm. Chỉ có một số người họ đến cảm ơn bằng vật chất gì đó như sữa… thì tôi có nhận. Còn tiền thì không”, ông Phượng nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Lô Huy Hùng, liên quan vấn đề này, lãnh đạo xã cũng đã làm việc với ông Phượng. “Người dân thì tố cáo phải đóng cho ông Phượng số tiền lớn, mấy trăm nghìn 1 bộ hồ sơ. Nhưng ông Phượng thì cho biết, chỉ nhận 20.000 đồng. Về vấn đề này thì cần phải xác minh lại. Tuy nhiên, dù chỉ nhận 20.000 đồng cũng sai, vì hồ sơ thì cũng chỉ có 1 bản khai, việc xét duyệt là trách nhiệm của xã. Không thể thu của người dân dù chỉ là 1 đồng”, ông Hùng nói.

Một ngôi nhà của người dân ở xã Thanh Sơn.
Một ngôi nhà của người dân ở xã Thanh Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Nhiều hồ sơ không có tên ở địa phương

Không chỉ lùm xùm vì chuyện thu phí, trong danh sách những người đã được chi trả trợ cấp mà phóng viên có được, có nhiều trường hợp không có tên ở xã Thanh Sơn. Trong số đó, có ít nhất 3 trường hợp do bà Phan Thị Thiềm là người đứng ra nhận tiền. Bà Thiềm chính là con dâu của ông Lữ Thanh Phượng, và là vợ của ông Lữ Văn Đương - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn từ năm 2017 đến năm 2023. Ông Đương hiện là Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, là con trai ruột của ông Lữ Thanh Phượng.

Trong giai đoạn làm Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, ông Lữ Văn Đương là Chủ tịch Hội đồng Chính sách, người chịu trách nhiệm xét duyệt hồ sơ trước khi trình lên Ban Chỉ huy Quân sự xã. Trong khi đó, bố ông lại là Tổ trưởng Tổ tư vấn, chịu trách nhiệm xác minh và hướng dẫn người dân khai trong hồ sơ.

Trong danh sách được hưởng trợ cấp, có trường hợp tên Lô Văn Quang (SN 1933, đã chết), nơi cư trú là bản Chà Coong 1, xã Thanh Sơn được trợ cấp 3,5 triệu đồng; Ngân Thị Tím (SN 1951, đã chết), trú ở bản Chà Coong 1, xã Thanh Sơn, được trợ cấp 2,7 triệu đồng; bà Kha Thị Thảo (SN 1943, đã chết), trú ở bản Chà Coong, được hưởng 2,7 triệu đồng. Tất cả 3 trường hợp này, người nhận tiền đều là bà Phan Thị Thiềm, vợ của ông Đương, người thời điểm đó đang là Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, ở những bản này, không có trường hợp nào có tên như trong hồ sơ.

Về vấn đề này, ông Lữ Thanh Phượng cho biết, ông Lô Văn Quang và bà Ngân Thị Tím là bố mẹ nuôi của con dâu ông, trú ở xã Tam Thái (Tương Dương), không có con đẻ nên ông làm hồ sơ cho con nuôi hưởng. Còn Kha Thị Thảo thì trú ở bản Sơn Hà, xã Tam Quang (Tương Dương)…. Tuy nhiên, theo xác minh của phóng viên, ở bản Sơn Hà, không có trường hợp nào có tên Kha Thị Thảo (SN 1943, đã chết).

Bà Tím không phải là mẹ nuôi, mà chỉ có trường hợp Lô Văn Quang là bố nuôi. Bố nuôi của tôi cũng có con đẻ nhiều, nhưng tôi hỏi trên đó không ai làm nên tôi mới làm hồ sơ rồi hưởng số tiền đó. Còn 2 trường hợp là Ngân Thị Tím và Kha Thị Thảo thì tôi chỉ nhận giùm cho người ta, nhận xong đã trả cho họ rồi”.

Bà Phan Thị Thiềm, vợ của ông Đương

Ông Phượng chỉ thừa nhận thu của mỗi hồ sợ 20.000 đồng rồi nộp cho ông Cả.
Ông Phượng (phải) chỉ thừa nhận thu của mỗi hồ sơ 20.000 đồng rồi nộp cho ông Cả (trái). Ảnh: Tiến Hùng

Ông Lữ Văn Đương cho biết, sau khi nhận được đơn tố cáo, ông mới biết vợ mình đứng ra nhận tiền cho 3 hồ sơ. Trong đó, có hưởng tiền của trường hợp Lô Văn Quang, là bố nuôi. Tuy nhiên, ông Đương cũng thừa nhận, bố nuôi chỉ là nhận theo phong tục, cúng vía chứ không phải con nuôi hợp pháp. 2 trường hợp còn lại, đúng là chưa từng sinh sống ở xã Thanh Sơn nhưng có con gái đang sinh sống tại đây, nên làm hồ sơ rồi nhờ vợ ông đi nhận tiền thay.

“Khi làm Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, tôi là người cuối cùng xét duyệt hồ sơ. Nhưng công việc rất khó kiểm soát, phải phụ thuộc vào Tổ tư vấn. Hồ sơ thì hầu hết là người đã chết rồi, do thân nhân khai. Không thể đọc được từng hồ sơ, không đủ thời gian nghiên cứu. Vì thế, có thể có thiếu sót. Còn về phía gia đình, sau khi có đơn tố cáo, tôi cũng rất buồn, đã nói chuyện với vợ và bố”, ông Đương nói.

Trong Quyết định số 49/2015 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, những tổ chức và cá nhân có hành vi làm sai lệch hoặc giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải hoàn trả lại số tiền đã nhận; nếu gây thiệt hại, phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mới nhất
x
Lùm xùm quanh việc chi trả tiền chính sách ở xã Thanh Sơn (Thanh Chương)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO