Nỗi niềm của người dân vùng tái định cư ở Thanh Chương

Tiến Hùng 26/05/2024 15:20

(Baonghean.vn) - Gần 20 năm kể từ khi xuống tái định cư ở huyện Thanh Chương để nhường đất xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, cuộc sống của người dân vẫn còn rất khó khăn. Theo lãnh đạo các xã tái định cư này, nguyên nhân một phần vì thiếu sinh kế, thiếu đất rừng để sản xuất.

Mong được cấp đất rừng để sản xuất

Những ngày cuối tháng 5, đi dọc các bản làng ở 2 xã tái định cư Thanh Sơn và Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương), không khó để bắt gặp những ngôi nhà bỏ hoang, cửa đóng then cài. “Họ đi làm thuê hết rồi chú ạ. Đi cả nhà luôn”, ông Lô Văn Mão (49 tuổi, xã Thanh Sơn) giải thích.

Theo ông Mão, gần 20 năm trước, sau khi nhận được tiền đền bù, nhiều hộ dân từ huyện Tương Dương xuống đây dựng những căn nhà gỗ bề thế. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, tiền đền bù hết, họ đành phải tha hương để làm thuê, mưu sinh, để lại những ngôi nhà bỏ không.

bna_nha1 (2).jpg
Những ngôi nhà bỏ hoang ở xã Thanh Sơn. Ảnh: Tiến Hùng

Còn ông Lô Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, xã chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính có hơn 1.000 lao động trên địa bàn phải đi làm ăn xa. Trước đây, khi xuống tái định cư, mỗi khẩu trung bình được cấp khoảng 3.000m2 đất, bao gồm cả đất ở và đất sản xuất.

“Diện tích tự nhiên của xã Thanh Sơn rất rộng, nhưng chủ yếu là đất rừng do Ban quản lý Rừng phòng hộ quản lý. Trong khi đó, diện tích đất rừng này, chủ yếu đã giao cho người ngoài địa phương và cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ sản xuất. Số hộ dân trên địa bàn được giao đất rừng để sản xuất chỉ chiếm rất nhỏ”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, số diện tích đất rừng này vào khoảng 5.000ha. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thường xuyên đề xuất, cơ quan có thẩm quyền thu hồi số diện tích này để giao khoán lại cho người dân. “Nếu giao cho người dân địa phương thì sẽ tốt hơn. Người dân vừa có sinh kế, lại quản lý cũng hiệu quả. Ví dụ như khi xảy ra cháy rừng, chủ trương là thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Nhưng khi huy động người dân tham gia chữa cháy rừng rất khó. Nhiều người dân họ bảo, đất rừng thì giao cho người ngoài xã sản xuất, bây giờ cháy rừng lại kêu họ đi dập lửa”, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn nêu quan điểm.

bna_longho.jpg
Để xây dựng thủy điện Bản Vẽ, hơn 2.000 hộ dân đã phải di dời đến khu tái định cư, cách nơi ở cũ gần 200km. Ảnh: Tiến Hùng

Tương tự xã Thanh Sơn, trên địa bàn xã Ngọc Lâm, số hộ được nhận đất rừng để sản xuất rất ít. “Chỉ có một vài hộ có đất rừng để sản xuất, nhưng hầu hết họ đều phải bỏ tiền mua lại từ cán bộ của Ban quản lý Rừng phòng hộ hoặc người ngoài địa phương. Để có mỗi ha rừng, phải bỏ khoảng 200 triệu đồng”, ông Vi Văn Tuyến - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm cho biết.

Trong khi đó, từ năm 2012, Ban quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương cũng đã có tờ trình trả lại đất. Ngay sau đó, ngày 24/5/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định về việc thu hồi đất tại các xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm. Cụ thể, UBND tỉnh quyết định thu hồi gần 1.800ha đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất), tại 2 xã này do Ban quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương quản lý, sử dụng để giao lại cho địa phương. Trong đó, tại xã Thanh Sơn có 969ha đất, tại xã Ngọc Lâm là 810ha đất.

Tuy nhiên, đến nay sau tròn 12 năm, chính quyền huyện Thanh Chương chỉ mới thu hồi được gần 500ha trong tổng số gần 1.800ha. Trong đó, tại xã Thanh Sơn thu hồi được 314ha, tại xã Ngọc Lâm thu hồi được 183ha để chia cho người dân sử dụng.

bna_dat.jpg
Phần lớn đất rừng ở 2 xã tái định cư do Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý, đã giao cho các hộ dân nơi khác đến sử dụng. Ảnh: Tiến Hùng

Mòn mỏi chờ đền bù đất trên cốt ngập

Ngoài ra, một trong những vấn đề mà người dân ở 2 xã tái định cư này mong chờ, đó là được đền bù đất trên cốt ngập khi di dời để xây dựng Thủy điện Bản Vẽ. “Khi chúng tôi di dời xuống đây, họ chỉ đền bù phần đất bị ngập dưới lòng hồ. Trong khi đó, hầu hết diện tích đất sản xuất của người dân lại nằm trên cốt ngập - phần đất dù không bị ngập, nhưng cũng không thể canh tác được nữa. Chúng tôi di dời xuống đây, không thể “bồng” đất rẫy xuống theo. Mà người dân xuống đây sống rồi, cũng không thể vượt gần 200km để lên đó canh tác được. Đó là chưa kể, phần lớn diện tích đất trên đó, đường sá đã bị ngập, không thể vào để canh tác”, ông Vi Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm nói và cho rằng, việc người dân yêu cầu đền bù cho phần đất trên cốt ngập là hợp lý.

bna-v2-2609.jpg
Một hộ dân quay trở lại lòng hồ dựng lán để canh tác. Ảnh: Tiến Hùng

Theo quy định hiện nay, các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ dự án thủy điện đủ điều kiện để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đặc thù di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.

Cụ thể, tại Khoản 3 quy định, hộ tái định cư có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ, chuyển đến điểm tái định cư xa nơi sản xuất cũ từ 5km trở lên, bị thu hồi đất thì được bồi thường về đất. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

Còn tại Khoản 4 quy định, hộ tái định cư và hộ gia đình bị ảnh hưởng có diện tích đất sản xuất nằm ngoài hành lang bảo vệ hồ chứa theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ, có khoảng cách từ nơi ở đến khu đất sản xuất dưới 5km nhưng không có đường vào khu đất sản xuất đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để quyết định thu hồi đất và bồi thường về đất.

bna_nha2 (2).jpg
Ngôi nhà bỏ không vì gia chủ đi làm thuê ở xa. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 23, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg, thì các dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng theo Quyết định này.

Theo đó, Dự án Thủy điện Bản Vẽ đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt Quy hoạch chi tiết công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình Thủy điện Bản Vẽ tại Quyết định số 1291/QĐ-EVN-QLXD-KTDT ngày 19/5/2005 và được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) thống nhất Quy định tạm thời về bồi thường, di dân tái định tại Văn bản số 1174/CV-NLĐK ngày 16/3/2005, trong đó, chỉ được bồi thường về đất đối với các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của dự án (phạm vi ngập lòng hồ, dưới cao trình 200m). Vì vậy, đối với các hộ dân có phần diện tích đất trên cốt ngập lòng hồ Dự án Thủy điện Bản Vẽ không đủ điều kiện lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất.

Nhưng trên thực tế, khi triển khai theo chủ trương của dự án, những hộ dân có đất ở và đất sản xuất nông nghiệp nằm trên cốt ngập lòng hồ thủy điện đều phải di dời cùng với cộng đồng làng bản, không thể ở lại, cũng như quay trở lại sản xuất trên phần đất này.

Hơn nữa, đến nay, công tác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất đối với Dự án Thủy điện Bản Vẽ chưa hoàn thành, UBND huyện Tương Dương chưa phê duyệt phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ về đất để làm cơ sở bố trí kinh phí chi trả cho nhân dân, do đó, cần thiết phải thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng về đất trên cốt ngập để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi và nơi đến tương tự như các hộ dân thuộc diện tái định cư trong phạm vi ngập lòng hồ.

Mặt khác, phần lớn diện tích đất trên cốt ngập của các hộ dân nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, nhưng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân. Vì vậy, hiện nay một số hộ dân vẫn quay trở lại nơi cũ (khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ) để làm ăn, sản xuất, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và ảnh hưởng cho địa phương trong công tác quản lý đất đai, cũng như vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân tái định cư Dự án Thủy điện Bản Vẽ, cũng như để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, an ninh, trật tự trên địa bàn, từ năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được lập phương án thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất trên cốt ngập Dự án Thủy điện Bản Vẽ theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 5, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg.

Ngoài đền bù đất trên cốt ngập, đến nay, 2.674 hộ chuyển về khu tái định cư ở 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn vẫn chưa được thực hiện công tác bồi thường giá trị chênh lệch về đất nơi đi và nơi đến./.

Mới nhất
x
x
Nỗi niềm của người dân vùng tái định cư ở Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO