Nghệ An: Thợ cấy khan hiếm, giá cao cũng khó thuê người

Thanh Phúc 27/05/2021 07:03

(Baonghean.vn) - Hiện nhiều vùng đã hoàn tất thu hoạch lúa xuân và khẩn trương làm đất, bước vào vụ cấy. Để kịp thời vụ, hầu hết các gia đình đều phải thuê thợ cấy, trả tiền công cao nhưng không dễ thuê ra người…

VẤT VẢ NGHỀ CẤY THUÊ

Một tổ thợ cấy ở cánh đồng Chùa, Khánh Thành (Yên Thành). Ảnh: Thanh Phúc
Ở Yên Thành có rất nhiều tổ thợ cấy từ 3-5 người, đi cấy thuê các nơi trong huyện và các huyện phụ cận. Ảnh: Thanh Phúc

6h sáng, chúng tôi có mặt trên cánh đồng Chùa, xã Khánh Thành (Yên Thành) từng tốp thợ cấy 3-6 người đang khom lưng cấy lúa hè thu. “Phải tranh thủ thời tiết im mát mà cấy, nắng lên là khổ. Trên nắng, dưới nước không trụ nổi mô”, chị Đặng Thị Phúc, một thợ cấy ở Khánh Thành cho biết.

Tổ của chị có 5 người, từ đầu vụ đến nay đã nhận cấy hàng chục mẫu ruộng ở các vùng đồng từ Khánh Thành, Long Thành, Hoa Thành, Xuân Thành… Nghề “đi cấy lấy công” rất vất vả khi chân dầm bùn và đầu đội nắng, có những hôm nóng đến 39, 40 độ C. Khom lưng dưới nắng nóng cả ngày, làm việc liên tục từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về nên nghề cấy đòi hỏi người làm phải có sức khỏe dẻo dai.

Để tránh nắng nóng, các thợ cấy phải dậy từ lúc 2-3h sáng, khi chưa nhìn rõ mặt người; cấy đồng gần thì về ăn cơm, nghỉ ngơi lấy sức; cấy đồng xa thì mang theo cơm, nghỉ tay nơi bóng cây, bờ ruộng. May mắn thì được chủ nhà đãi cơm trưa.

Mỗi thợ cấy được trả công 350.000 đồng - 400.000 đồng/ngày hoặc khoán theo sào, mỗi sào 450 -500.000 đồng. Ảnh: Thanh Phúc
Mỗi thợ cấy được trả công 350.000 đồng - 400.000 đồng/ngày hoặc khoán theo sào, mỗi sào 450.000 - 5500.000 đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Cái nghề “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vất vả là thế nhưng đổi lại, thợ cấy kiếm được số tiền kha khá khi được trả công khá cao, từ 350.000 - 400.000 đồng/người/ngày; kết thúc vụ cấy có những người kiếm được 5-7 triệu đồng.

Có “thâm niên” đi cấy thuê cả chục năm nay, chị Thái Thị Dung (Hoa Thành, Yên Thành) cho biết, cấy thuê không lo ế việc, bỏ công sức ra chứ không phải vốn liếng gì, xong công nhật là lấy ngay “tiền tươi”.

Như chị thì các chủ ruộng trong huyện đã quen mặt, quen việc nên từ đầu vụ họ đã điện thoại, ắt giá ngày công và đặt lịch cấy. Người này giới thiệu người kia nên vào vụ cấy, chị không ngơi việc ngày nào. “Mỗi ngày cấy thuê, thợ cấy được chủ trả công 350.000 - 400.000 đồng/ngày hoặc nhà chủ có thể khoán cho một diện tích ruộng, chị em cùng làm rồi chia đầu người ra. Mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn, nếu có sức khỏe, cấy thêm ban đêm thì cũng được dăm trăm, ở quê vậy là cao”, chị Dung cho biết.

THIẾU HỤT LAO ĐỘNG NÔNG NGHIỆP THỜI VỤ

Ngoài thuê thợ cấy, các chủ ruộng phải tự nhổ mạ, xúc mạ hoặc thuê thêm người làm. Ảnh: Thanh Phúc
Ngoài thuê thợ cấy, các chủ ruộng phải tự nhổ mạ, xúc mạ hoặc thuê thêm người làm. Ảnh: Thanh Phúc

Thời gian dành cho việc gieo hè thu diễn ra trong khoảng thời gian khá eo hẹp, gần như cùng lúc với thu hoạch lúa xuân khiến không ít hộ nông dân phải vất vả đi thuê nhân công cấy. Việc thuê người cấy không dễ dù giá thuê cấy cao hơn nhiều so với năm trước.

Anh Nguyễn Đăng Phước (xóm 6, xã Sơn Thành) cùng vợ đi làm ăn ở tận Bình Dương, nhà chỉ còn bố mẹ già nên đến vụ cấy này anh phải lên mạng xã hội nhờ tìm người cấy thuê. Anh Phước cho biết: “5 năm trở lại nay, gia đình đều phải thuê người cấy. Nhà có gần 6 sào ruộng, thuê máy làm đất xong xuôi mấy hôm nay rồi, mạ cũng đã lên tốt nhưng vẫn chưa thuê ra người cấy. Năm nay, tiền công cấy cao nhưng vẫn khan hiếm người. 6 sào họ đòi 2,6 triệu tiền công (mọi năm chỉ 1,8 triệu) nhưng vẫn phải chờ 2-3 ngày nữa mới có người cấy”.

Không riêng gì anh Phước mà hầu hết các gia đình làm nông nếu không gieo sạ thì đều phải thuê người cấy. Bà Nguyễn Thị Châu (xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu) cho biết, nhà chỉ còn hai vợ chồng già trên 70 tuổi, các con đều đi làm công ty, buôn bán nên không có người làm ruộng. Để cấy 4 sào ruộng, bà phải nhờ người sang các xã, huyện khác tìm thuê, thậm chí nhờ cả con ở trong TP. Hồ Chí Minh lên các trang mạng xã hội đăng bài thuê người cấy, chuyển khoản, đặt cọc trước tiền thuê cấy.

Diệc tích nhỏ, manh mún khiến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc
Diện tích nhỏ, manh mún khiến việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất gặp không ít khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc

“Đặc điểm của vụ hè thu là thời vụ diễn ra gấp gáp, thu hoạch lúa xuân đến đâu, làm mùa ngay tới đó, nên nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp trở nên khan hiếm, trong khi lao động dôi dư tại các vùng nông thôn không nhiều. Tình trạng thiếu nhân công trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến hệ quả là nhiều địa phương bị lỡ khung thời vụ tốt nhất, lúa dễ bị sâu bệnh, năng suất thấp... Để hạn chế tình trạng này, cần có giải pháp chiến lược. Trong đó, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở tất cả các khâu sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực trong lúc thời vụ”.

Ông Phan Duy Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh

Trình diễn cấy máy vụ Xuân ở Thịnh Sơn (Đô Lương). Ảnh: Thanh Phúc
Trình diễn cấy máy vụ xuân ở xã Thịnh Sơn (Đô Lương). Ảnh: Thanh Phúc

Trên thực tế, tặc dù có nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm lượng thóc giống, giảm chi phí, giảm thời gian gieo cấy và đặc biệt là giảm ngày công lao động, giảm chi phí cấy…tuy nhiên, việc áp dụng cấy bằng máy ở các địa phương gặp không ít khó khăn do thiếu máy cấy. Hơn thế, dù đã thực hiện dồn điền đổi thửa song nhiều vùng đồng còn manh mún khó đưa máy vào cấy; thủy lợi nội đồng chưa đảm bảo cho việc chủ động tưới tiêu; khâu làm mạ đòi hỏi kỹ thuật cao, theo đúng quy trình hướng dẫn và chi phí sản xuất mạ khay khá cao...

Mặt khác, nhiều nơi các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm tới những tiến bộ kỹ thuật mới. Một số địa phương nhận thức của người dân về lúa cấy máy còn hạn chế do đó chưa thay đổi được thói quen cấy tay truyền thống, mặc dù chi phí thuê cấy tay theo truyền thống cao hơn rất nhiều./.

Mới nhất
x
Nghệ An: Thợ cấy khan hiếm, giá cao cũng khó thuê người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO