Bước vào vụ cấy hè thu, do nhu cầu về người cấy thuê lớn, nên các thợ cấy khá đắt khách. Tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), dù nhiều nhóm thợ cấy hoạt động tích cực, nhưng nhiều hộ vẫn nháo nhác tìm người đi cấy.
Những ngày này, nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào vụ cấy. Trên các cánh đồng, bà con nông dân đang tất bật làm ruộng, nhổ mạ, cấy lúa... Những nơi có diện tích cấy nhiều đang cần người cấy. Trong ảnh: Mùa cấy rộn ràng ở xã Đồng Văn (Thanh Chương). Ảnh: Huy ThưDịp này, những hộ đã gieo, cấy xong, nhiều phụ nữ tranh thủ đi cấy thuê, kiếm thêm thu nhập. Để đón được thợ cấy, chủ ruộng phải đến các ngã ba, ngã tư, các tuyến đường ra đồng hay cổng chợ... Anh Nguyễn Công Phương ở xã Đồng Văn cho biết: "Ruộng ở xã nhà em chủ yếu cấy chứ không gieo. Cùng lúc, nhiều hộ dân trong xã tìm người cấy thuê nên việc này khá khó khăn. Em đã chuẩn bị ruộng, mạ đầy đủ, đăng tin tìm người cấy lên cả nhóm đồng hương trên mạng xã hội Facebook trước một ngày mà vẫn chưa tìm ra thợ cấy". Ảnh: Huy ThưSau khi đón được thợ cấy, mọi người sẽ ra ruộng cấy lúa. Một số hộ không có người nhổ mạ, chưa chuẩn bị được mạ, thợ cấy phải đi nhổ mạ, vận chuyển ra ruộng rồi mới cấy. Phần lớn những người đi cấy thuê đều chỉ muốn chuyên việc cấy, chứ không muốn kiêm cả nhổ mạ, vận chuyển mạ... vì quá vất vả. Ảnh: Huy ThưMột phụ nữ xã Thanh Hương (Thanh Chương) đang đi cấy thuê ở xã Đồng Văn cho biết: Xóm chị có khoảng 10 người chuyên đi cấy thuê, nếu tính sơ bộ cả xã cũng trên dưới 100 người. Họ thường đi theo nhóm, mỗi nhóm từ 3 -5 người, cấy khắp các địa phương trong huyện. 5h sáng đã dậy đi cấy. Nơi cấy càng xa càng phải đi sớm. Do đi cấy "chuyên nghiệp", suốt ngày đội nắng nên các thợ cấy quê chị sắm áo chống nóng đầy đủ. Ảnh: Huy ThưBà Nguyễn Thị Bình (63 tuổi) ở xã Thanh Đồng (Thanh Chương) chia sẻ: Gia đình bà mùa này làm 5 sào ruộng đã gieo hoàn chỉnh nên bà cùng một số người trong xã xuống xã Đồng Văn đi cấy thuê để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Huy ThưKhi cấy trên ruộng, các thợ cấy sẽ làm theo yêu cầu của chủ nhà, như cấy dày hay thưa, cấy buông hay cấy theo băng... "Dù cấy cho ai thì chúng tôi vẫn vui vẻ nhiệt tình, cấy đảm bảo, hết vụ này còn hẹn gặp vụ sau" - một thợ cấy xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) đang cấy ở xã Đồng Văn nói. Ảnh: Huy ThưBà Văn Thị Khương (60 tuổi) ở xã Thanh Khai (Thanh Chương) cho biết, những năm qua, mùa cấy nào cũng thế, sau khi gieo xong 6 sào ruộng nhà, bà lại đi cấy cho các hộ dân trong và ngoài xã, thậm chí cấy đến tận các xã Nam Thái, Nam Thanh (Nam Đàn). Vụ cấy này, bà đã đi được 3 hôm. Theo bà Khương, bây giờ mùa cấy thường thiếu người cấy vì thanh niên các xóm phần lớn đi làm ăn xa cả. Ảnh: Huy ThưTheo các thợ cấy ở xã Thanh Khai, hiện nay, những người đi cấy thuê trong vùng thường cấy xong buổi rồi về ăn cơm nhà, chứ không ăn cơm của chủ ruộng ở ngoài đồng như trước đây. Nhiều hôm lỡ mạ, lỡ ruộng, dù đã quá trưa, quá tối, thì mọi người vẫn cố cấy thêm cho xong ruộng. Ảnh: Huy ThưMột thợ cấy ở xã Thanh Hương chia sẻ: Khi đi cấy thuê, các chị em thường mang theo nước uống phòng khi chủ nhà không chuẩn bị được. Tuy nhiên, đi cấy thuê bây giờ thường được chủ ruộng cung cấp nước uống, trái cây, sữa... khá chu đáo. Ảnh: Huy ThưNỗi vất vả của người đi cấy không chỉ phải đội nắng, mưa, lội ruộng sâu, còng lưng, mỏi gối, dính hết bùn đất, mà nhiều khi còn bị dẫm phải vỏ ốc, mảnh chai, bị thương... Ảnh: Huy ThưNhiều người thợ cấy còn kiêm luôn việc nhặt ốc bươu vàng hay phun thuốc diệt ốc bươu vàng cho chủ ruộng. Sau một ngày cấy thuê vất vả các thợ cấy ra về trong hy vọng thời tiết ngày mai sẽ râm mát thuận lợi hơn. Mỗi ngày ra ruộng cấy lúa, mỗi thợ cấy kiếm được từ 300.000 - 350.000 đồng. Thu nhập của người thợ cấy không dễ như nhiều công việc lao động chân tay khác. Ảnh: Huy ThưCấy lúa thuê. Video: Huy Thư
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.