Hàng nghìn hộ nông dân Nghệ An trắng tay vì dịch tả lợn châu Phi
(Baonghean.vn) - Lợn nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy, hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn Nghệ An trong chốc lát lâm vào cảnh trắng tay. Đó là hậu quả của bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại nhiều địa phương của Nghệ An.
Chăn nuôi lợn là nguồn thu nhập cho một bộ phận không nhỏ của hộ nông dân trên địa bàn Nghệ An hiện nay, đặc biệt là lợn nái đang được nhiều gia đình đầu tư nuôi, bởi giá lợn hơi và lợn giống vẫn đang neo ở mức cao. Tuy nhiên, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trở lại, đã khiến nhiều hộ nông dân lâm cảnh trắng tay.
Bà Nguyễn Thị Hạnh ở xóm 8, xã Diễn Thái xót xa khi con lợn nái bị chết do nhiễm dịch. Ảnh: Xuân Hoàng |
Gia đình bà Phạm Thị Xuân ở thôn Sơn Hạ, xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương) mới rồi bị thiệt hại hàng chục triệu đồng, bởi 8 con lợn thịt gần đến ngày xuất chuồng, không may bị nhiễm dịch, buộc phải tiêu hủy.
Bà Xuân cho hay, khi trong xã có dịch tái phát, gia đình đã chủ động mua vôi bột khử trùng xung quanh chuồng trại, nhưng dịch vẫn lây lan vào đàn lợn của gia đình. Giờ đây cả hệ thống chuồng trại bỏ không, chưa biết đến khi nào mới hết dịch để tái đàn.
Cùng chung tình cảnh, sáng 7/4, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhàn ở xóm 8, xã Diễn Thái (Diễn Châu) không khỏi xót xa bởi con lợn nái gia đình chăm nuôi gần 2 năm, hiện đang mang chửa, nhưng đã bị chết do nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Chị Nhàn buồn bã cho biết: Vợ chồng làm nông nghiệp, nên chăn nuôi là nguồn thu nhập chính. Con lợn nái này mỗi năm đẻ 2 lứa, ít cũng có lãi 30 triệu đồng, chưa kể nuôi thêm lợn thịt nhưng cách đây 5 ngày đã bỏ ăn, có triệu chứng bị bệnh. Con lợn nặng khoảng 2 tạ hơi, trị giá 15 triệu đồng buộc phải tiêu hủy.
"Hiện trong chuồng còn 2 con lợn thịt trọng lượng gần 40 kg/con được nhốt riêng trong ô chuồng khác, nếu bị lây nhiễm dịch thì đợt này gia đình mất hàng chục triệu đồng nữa", chị Nhàn lo lắng.
Cán bộ xã Diễn Thái hướng dẫn gia đình bà Nguyễn Thị Nhàn pha hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ngay trong buổi sáng, chính quyền xã Diễn Thái mang hóa chất khử trùng đến, cùng với vôi bột của gia đình, vợ chồng chị Hạnh thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng từ ngoài ngõ vào vườn nhà và cả hệ thống chuồng trại. Cùng đó, chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy ngay con lợn nái đã bị chết.
Bà Đinh Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thái cho biết: Đợt này, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 5 xóm trên địa bàn xã, số lượng lợn tiêu hủy mặc dù mới 12 con, nhưng dịch cứ dai dẳng trên địa bàn xã từ tháng 3 lại nay, khiến địa phương vất vả, người chăn nuôi không khỏi lo lắng. Để hạn chế dịch lây lan, xã luôn tuyên truyền đến bà con cách phòng, chống bệnh dịch, đồng thời sớm khai báo cho chính quyền địa phương biết khi có lợn ốm chết, để kịp thời xử lý.
Các địa phương có dịch cần thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan thú y. Ảnh: Xuân Hoàng |
Đối với cả tỉnh, chỉ tính từ 30/3/2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.762 hộ, 386 xóm, 145 xã, 19 huyện, với tổng số lợn đã tiêu hủy là 4.794 con, tổng trọng lượng 295.688 kg.
Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay đã có hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn Nghệ An trắng tay vì đại dịch nguy hiểm đối với lợn. Hiện nay, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, do vậy, sẽ còn nhiều gia đình nông dân rơi vào tình cảnh tương tự, nếu như người dân và chính quyền các địa phương không thực sự vào cuộc phòng, chống dịch một cách quyết liệt./.