“Hàng xáo” ở Đông Kỷ

29/07/2013 21:11

Đông Kỷ, xã Diễn Kỷ - Diễn Châu trước đây vốn nổi danh với một thứ nghề “cha truyền con nối” là nghề “hàng xáo”. Trước đây, người làng Đông Kỷ rong ruổi xe đạp trên khắp những nẻo đường để thu gom lúa, gạo đem về bán cho các đại lý. Nay họ đều là những ông chủ xây dựng nên một thương hiệu làng nghề xay xát Đông Kỷ nổi tiếng gần xa.

(Baonghean) - Đông Kỷ, xã Diễn Kỷ - Diễn Châu trước đây vốn nổi danh với một thứ nghề “cha truyền con nối” là nghề “hàng xáo”. Trước đây, người làng Đông Kỷ rong ruổi xe đạp trên khắp những nẻo đường để thu gom lúa, gạo đem về bán cho các đại lý. Nay họ đều là những ông chủ xây dựng nên một thương hiệu làng nghề xay xát Đông Kỷ nổi tiếng gần xa.

Ông Trần Ngọc ở Diễn Kỷ tâm sự: “Hàng xáo” là nghề mà đầy đủ các tầng lớp đều có thể tham gia. Từ người nông dân chân lấm tay bùn đến bộ đội phục viên, giáo viên tranh thủ dịp nghỉ hè để chạy hàng …Hồi ấy, người ta chủ yếu đi thu gom lúa gạo bằng xe đạp. Hiện nay, nghề “hàng xáo” ở Diễn Kỷ lực lượng ngày càng đông, càng mạnh, họ âm thầm xây dựng nên một làng nghề xay xát Đông Kỷ - thu mua lúa, gạo không những ở địa bàn nội tỉnh mà còn gom hàng “xuyên quốc gia”.

Thời điểm này làng nghề “hàng xáo” ở Đông Kỷ thật nhộn nhịp, xe ô tô vào ra liên tục bốc hàng. Chị Hồng Hải đang bận rộn kiểm đếm gạo chuẩn bị xuất kho dừng tay cho biết: Gia đình theo nghề này hơn 15 năm rồi. Ban đầu cũng là một tay “hàng xáo” thực thụ chuyên đi thu gom nhỏ lẻ bằng xe đạp, xe máy qua thời gian tích lũy nay đã mở được đại lý. Đại lý của chị Hải giờ đây khá lớn ở Đông Kỷ, chúng tôi quan sát có đến trên 50 lao động đang làm việc, bao gồm người bốc vác, đứng máy xay, máy đánh bóng gạo. Chưa kể còn tạo việc làm cho hơn 15 đầu xe ô tô vận tải hoạt động thường xuyên.



Công nhân đang đóng bao bì gạo tại làng nghề chế biến lương thực Đông Kỷ.

Chị Hải tâm sự: Đại lý của gia đình tôi gom hàng từ khắp nơi. Ngoài gom hàng nội tỉnh, gia đình tôi còn gom hàng gạo tận đồng bằng sông Cửu Long, sau khi thoả thuận xong thì chuyển hàng bằng đường thuỷ rồi nhận hàng tại Cảng Cửa Lò. Gạo đưa về được chế biến tại xưởng của gia đình, qua máy đánh bóng rồi mới đóng bao. Theo như chị Hải thì nghề này có việc làm quanh năm, bình quân mỗi tháng xuất bán trên 1.200 tấn gạo, chủ yếu xuất bán ra thị trường Hà Nội, Yên Bái, Hải Phòng. Nghề này đòi hỏi phải có vốn lớn, có những thời điểm gia đình chị Hải gom hàng trị giá trên 6 tỷ đồng. Do làm ăn ổn định nên hơn 50 lao động tại gia đình chị Hải cũng có việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó là đại lý xay xát lúa gạo của chị Nguyễn Tạo cũng đang nhộn nhịp đóng hàng. Chị Tạo cho hay: Nguồn hàng thu gom trong tỉnh nhiều nhất là Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương. Thời điểm này còn phải vào Cần Thơ, Hậu Giang để gom. Mỗi tháng xuất bán được từ 700-800 tấn gạo. Theo như chị Tạo, làng nghề Đông Kỷ ngày càng lớn mạnh là do làm ăn với các đối tác có uy tín, từ khâu thu mua đến xuất bán, vì vậy có khi thu mua lúa gạo ở các tỉnh phía Nam chỉ cần điện thoại số lượng hàng rồi đón lấy ở Cảng Cửa Lò. Nhờ từ nghề chế biến lương thực lúa gạo mà gia đình chị đã có cuộc sống sung túc, xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi 3 đứa con học đại học.

Ông Phạm Đình Tấn – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Kỷ cho biết thêm: Làng nghề chế biến lương thực Đông Kỷ được công nhận làng nghề từ năm 2008. Từ hình thành nghề tự phát đến thời điểm này làng có 240 hộ/500 hộ dân theo nghề chế biến lương thực, trong đó có trên 20 hộ thành lập doanh nghiệp thu mua, xuất bán lúa gạo khá lớn, bình quân xuất bán khoảng trên 4000 tấn gạo/tháng. Làng nghề Đông Kỷ từng bước hiện đại hoá quy trình gia công chế biến lương thực bằng các loại máy đánh bóng gạo hiện đại thay dần các thao tác thủ công. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại nên sản phẩm gạo đạt chất lượng, tiêu thụ ổn định.


Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
“Hàng xáo” ở Đông Kỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO