Hành lý đặc biệt của lao động Nghệ An trở về từ Đài Loan trên chuyến bay 'giải cứu' vì Covid-19

Huy Thư 24/08/2020 09:34

(Baonghean.vn) - Trên chuyến bay thứ 6 đưa công dân Việt Nam “mắc kẹt” giữa đại dịch Covid -19 tại Đài Loan về nước dịp này có nhiều người Nghệ An. Cùng với niềm vui được trở về quê hương, có gia đình chỉ đón người thân trở về là chiếc ba lô đựng lọ tro cốt.

Những chuyến bay “mong mỏi”

Thông tin từ Hội đồng hương Nghệ An tại Đài Loan, từ ngày 29/5 đến nay, các cơ quan chức năng Việt Nam, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cùng hãng Hàng không quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng Đài Loan đã phối hợp tổ chức thành công 6 chuyến bay “giải cứu” đưa công dân Việt Nam về nước.

Trên chuyến bay giải cứu đưa 300 người Việt Nam từ Đài Loan về nước. Ảnh: Công Bách

Chuyến gần đây nhất là chuyến bay đặc biệt mang tên hiệu VN 571, do hãng Hàng không quốc gia Việt Nam thực hiện, xuất phát từ sân bay Đào Viên (Đài Bắc, Đài Loan) vào lúc 15h và cập cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) vào lúc 17h30', ngày 19/8.

Chuyến bay này đã chở hơn 290 hành khách, là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gồm người cao tuổi, học sinh dưới 18 tuổi, lao động hết hạn hợp đồng, phụ nữ mang thai, người bị bệnh nền, tai nạn lao động, học sinh, sinh viên đã kết thúc chương trình học, người đi du lịch, thăm thân và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

Làm thủ tục xét nghiệm máu cho những người thực hiện cách ly. Ảnh: Công Bách

Anh Nguyễn Công Bách (34 tuổi) quê ở xã Mỹ Thành (Yên Thành, Nghệ An), người có mặt trên chuyến bay chia sẻ: “Em sang Đài Loan làm việc đã 3 năm, hết hạn hợp đồng, chờ ròng rã 5 tháng qua, nay mới được về. Khi nghe tin có tên trong danh sách bay, em rất phấn khởi vì chờ đợi đã lâu, khá nóng ruột, phần vì dịch bệnh phức tạp nên rất lo lắng”.

Theo anh Bách, tình hình dịch Covid - 19 ở Đài Loan đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống mưu sinh của người Việt Nam nói chung và người Nghệ An nói riêng đang lao động, học tập tại đây. Nhiều người mong muốn được về nước và đã chờ đợi từ nhiều tháng qua. Trên chuyến bay này có khoảng 30 người Nghệ An, gồm lao động hết hợp đồng, du học sinh, bà mẹ nuôi con nhỏ…

Kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho hành khách hồi hương từ Đài Loan tại khu cách ly. Ảnh: Công Bách

Người phụ nữ mang theo con nhỏ là chị Nguyễn Thị Minh quê ở xã Khánh Thành (Yên Thành). Chị Minh lấy chồng người Hà Tĩnh, cả hai vợ chồng sang Đài Loan đã 2 năm rưỡi. Những tháng cuối thai kỳ, chị xin về nước từ những chuyến bay trước để về nước sinh, nhưng không được, đành ở lại sinh con, nay mới được về. Con chị đã tròn 1 tháng tuổi.

Với mục tiêu bảo đảm sức khỏe cho công dân và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, hãng hàng không đã thực hiện nghiêm túc các quy định về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt chuyến bay. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cam Ranh, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Chị Nguyễn Thị Minh (quê xã Khánh Thành, huyện Yên Thành) và con nhỏ trong khu cách ly quân đội tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Công Bách.

Anh Bách cho biết thêm, 292 hành khách trên chuyến bay đã được chuyển về khu cách ly thuộc Trung Đoàn 803, Sư đoàn 305, Quân khu 5. Tại đây mọi người được phân phòng ở với điều kiện sinh hoạt đảm bảo. Việc ăn, ngủ cũng như vui chơi, giải trí, tập luyện thể thao diễn ra bình thường. Hàng ngày, có 2 lần kiểm tra sức khỏe. Đợt xét nghiệm đầu tiên, cho kết quả ngày 23/8, mọi người đều âm tính với Covid - 19. “Từ lúc đáp sân bay cho đến nay, anh em Nghệ An sống trong khu cách ly vẫn khỏe mạnh, mong hết thời gian cách ly để được về nhà. Riêng em khi về đây thì quá vui, bởi đây là đơn vị cũ của em – nơi em đã huấn luyện, công tác thời quân ngũ” – anh Bách nói.

Trọn nghĩa với người đã mất

Bên cạnh niềm vui, niềm phấn khởi của những người xa quê hương nay được trở về, thì trên chuyến bay VN 571 xuất phát từ sân bay Đào Viên (Đài Loan) về sân bay quốc tế Cam Ranh có 2 lao động Nghệ An mang theo ba lô đựng tro cốt của những công dân Việt Nam xấu số đã tử nạn tại Đài Loan trước đó mấy tuần.

Hai hành khách đặc biệt này anh Hồ Vĩnh Huệ (25 tuổi) quê ở xóm 1, xã An Hòa (Quỳnh Lưu, Nghệ An) và chị Trần Thị Nhung (27 tuổi) quê ở xóm Bục Bục, xã Công Thành (Yên Thành, Nghệ An). Hình ảnh 2 lao động Nghệ An mang theo những chiếc ba lô màu đen trước ngực, đựng tro cốt, lên xuống máy bay, gây nhiều tò mò cho những người trên chuyến bay.

Hai lao động Nghệ An mang ba lô đựng tro cốt công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước. Ảnh: Công Bách

Từ khu cách ly Quân khu 5, anh Hồ Vĩnh Huệ chia sẻ: Em sang Đài Loan làm việc đã được 3 năm, nay hết hạn về nước. Trong khi chuẩn bị hành lý để rời Đài Loan thì nhận được điện thoại của Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nhờ mang tro cốt người Hải Dương về nước, em nhận lời ngay. Trước khi chuyến bay khởi hành thì có người mang ba lô đựng tro cốt đến.

Theo anh Huệ, tro cốt mà anh mang về nước là di cốt của anh Nguyễn Văn Toản (30 tuổi) quê ở xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Anh Toản qua đời vì tai nạn giao thông trước đó vài tuần tại Đài Loan, được hỏa táng để đưa về nước. Tro cốt anh Toản được đựng trong bình kín và bỏ vào ba lô, tổng trọng lượng hơn 10 kg. “Tính chung cả hành lý của em, tay xách nách mang gần 40 kg” – anh Huệ cho hay.

Anh Hồ Vĩnh Huệ và ba lô đựng tro cốt. Ảnh: Công Bách

Trên chuyến bay, chiếc ba lô đựng tro cốt được gác trong ngăn hành lý xách tay. Khi máy bay hạ cánh an toàn tại sân bay Cam Ranh, lực lượng hải quan đã di chuyển chiếc ba lô này trao cho người nhà anh Toản đang đợi tại sân bay, đưa về quê an táng. Trong khi đó, anh Huệ phải di chuyển theo đoàn hành khách để làm thủ tục, khử trùng chuyển về khu cách ly.

Nói về việc mang tro cốt đồng hương người Việt Nam về nước, anh Huệ cho biết: "Từ trước đến nay đồng hương người Việt xa quê vẫn luôn giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Khi nhận ba lô đựng tro cốt, em cũng hơi lo, nhưng sau khi giao ba lô tại sân bay, em thấy thanh thản vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong quá trình di chuyển lên xuống máy bay, hai lao động Nghệ An mang theo ba lô đựng tro cốt nhận được sự hỗ trợ của anh em đồng hương. Ảnh: Công Bách

Với chị Trần Thị Nhung, tro cốt mà chị mang về nước là di cốt của anh Phạm Xuân Ánh (31 tuổi) - chồng chị. Vợ chồng chị Nhung sang Đài Loan làm việc chưa đầy 1 năm, thì anh Ánh bị đột tử qua đời tại Đài Trung vào ngày 26/7. Thi thể anh được hỏa táng và tro cốt được lưu giữ tại nhà tang lễ, chờ chuyến bay để mang về nước.

Theo chị Nhung, do tình hình dịch Covid-19 ở Đài Loan cũng như trong nước diễn biến phức tạp, nên việc đưa tro cốt chồng về nước gặp nhiều khó khăn. Phải mấy tuần sau khi đăng ký, chờ đợi mỏi mòn, mới có thông tin sẽ được bay vào ngày 19/8.

Cũng như chiếc ba lô đựng tro cốt của anh Toản, ngay sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Cam Ranh, ba lô đựng tro cốt của anh Ánh cũng được lực lượng chức năng chuyển cho người thân đợi sẵn ở sân bay để đưa về quê mai táng, còn chị Nhung phải theo đoàn hành khách về khu cách ly. “Tro cốt chồng em đã được an táng tại quê nhà, còn em phải cách ly ở đây 16 ngày, mới được về Nghệ An” - chị Nhung nói.

Đồng hương Nghệ An và hàng trăm hành khách trên chuyến bay thực hiện cách ly tại Khu cách ly Quân sự tỉnh Khánh Hòa. Video: Công Bách

Từ huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, anh Hoàng Văn Thanh (37 tuổi) – thân nhân của anh Toản, người từng có mặt tại sân bay Cam Ranh đón nhận ba lô đựng tro cốt anh Toản do anh Huệ (quê Nghệ An) mang về chia sẻ: Nghe tin có người Nghệ An nhận mang giúp tro cốt anh tôi về Việt Nam, gia đình chúng tôi vô cùng cảm kích. Chúng tôi đã vào sân bay Cam Ranh trước 7 tiếng đồng hồ để đợi chuyến bay này. Tuy nhiên, lúc nhận ba lô đựng tro cốt anh Toản tại sân bay, chúng tôi không thể gặp mặt trực tiếp anh Huệ được. Thật sự không biết nói gì hơn để cảm ơn tấm lòng, nghĩa cử đáng trân trọng của anh Huệ. Mong anh và những hành khách đi trên chuyến bay hôm đó thực hiện cách ly tốt, để sớm trở về với gia đình.

Mới nhất

x
Hành lý đặc biệt của lao động Nghệ An trở về từ Đài Loan trên chuyến bay 'giải cứu' vì Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO