Hành trình chinh phục danh hiệu thủ khoa của cô và trò huyện Yên Thành
Phan Châu Oanh - Trường THCS Xuân Thành (Yên Thành) là nữ sinh lớp 9 duy nhất đạt danh hiệu thủ khoa tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử - Địa lý 2. Đằng sau thành tích này có sự nỗ lực của cô và trò, sự quyết tâm vì “màu cờ sắc áo”.
Bước ngoặt của học trò trường xã
Phan Châu Oanh không phải là học sinh trường chuyên ở huyện Yên Thành. Địa lý cũng chỉ là lựa chọn thứ hai của Oanh sau 2 lần em thất bại ở môn thi Ngữ văn tại Kỳ thi học sinh giỏi huyện.
Khi chọn Địa lý, Châu Oanh nhận được sự ủng hộ của mẹ, vốn là giáo viên dạy Địa lý cấp THPT. Tuy nhiên, người vui hơn cả là cô giáo Nguyễn Thị Thúy – giáo viên dạy Địa lý ở Trường THCS Xuân Thành.
Chia sẻ về điều này, cô Thúy kể thêm: Địa lý vẫn được xem là môn phụ nên rất khó khăn cho các giáo viên khi chọn đội tuyển, có những năm không có học sinh nào đăng ký dự thi. Vì thế, việc một học sinh có năng lực quyết định chọn và theo đuổi môn Địa lý nghĩa là “trò đã tạo nên động lực cho cô, cho thầy”.
Trường THCS Xuân Thành nằm giáp với thị trấn Yên Thành. Vậy nên, việc dạy và học, nhất là việc tạo nguồn học sinh giỏi rất khó khăn, bởi phần lớn những học sinh có năng lực của vùng đều chọn thi và học tại Trường THCS Bạch Liêu (trường trọng điểm của huyện ).
Ngoài trở ngại trên, trong quá trình thành lập và bồi dưỡng đội tuyển, cô giáo Nguyễn Thị Thúy cũng thừa nhận chính giáo viên cũng vất vả bởi tổ xã hội của trường chỉ có một mình cô là giáo viên Địa lý. Để có thể làm tốt nhiệm vụ, ngoài tự bồi dưỡng năng lực chuyên môn, cô Thuý phải đi học hỏi trao đổi về chuyên đề, chủ đề với các giáo viên khác trong huyện...
Áp lực chỉ vơi bớt phần nào khi năm học trước, sau nhiều cố gắng, học sinh Phan Châu Oanh đã đạt giải Nhì tại Kỳ thi học sinh giỏi của huyện và trở thành học sinh duy nhất của trường được chọn vào đội tuyển Địa lý của huyện Yên Thành tham gia Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh.
Đồng hành với Châu Oanh trong suốt năm lớp 8 và học kỳ I năm lớp 9, cô giáo Nguyễn Thị Thúy đánh giá cao Châu Oanh, bởi đây là một học sinh chăm chỉ, có tư duy tốt, chắc chắn về kiến thức, là một học sinh ưa phản biện, thích tìm tòi.
Ngoài ra, thế mạnh của Châu Oanh là nhận định đề và giải quyết vấn đề nhanh. Đây cũng là lợi thế khi em tham gia Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh bởi ở Kỳ thi này, ngoài Địa lý, học sinh còn phải thi môn Lịch sử.
Trước đây, em đam mê môn Ngữ văn nên kiến thức nền của môn Địa lý bị hổng khá nhiều. Chuyển sang môn Địa lý, càng học em càng thích bởi có rất nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống.
Để "làm dày" kiến thức, ngoài học trong sách giáo khoa, theo đúng giáo trình của giáo viên bồi dưỡng, em còn “tự học” qua sách vở, báo chí và tập thói quen xem, nghe các vấn đề thời sự và tự phân tích trên góc nhìn của môn Địa lý.
Học sinh Phan Châu Oanh
Cô giáo 9X và kỷ lục ở Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh
Cùng với cô giáo Nguyễn Thị Thúy, quá trình tiến bộ và trở thành thủ khoa của Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử - Địa lý với số điểm rất cao 18,75 của học sinh Phan Châu Oanh còn có công của cô giáo Đinh Thị Thành – giáo viên Trường THCS Bạch Liêu. Đây cũng là nữ giáo viên bồi dưỡng chính đội tuyển Địa lý của huyện Yên Thành với thành tích 1 giải Nhất, 6 giải Nhì, 2 giải Khuyến khích, đứng thứ ba toàn tỉnh môn Địa lý.
Sau 5 năm trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển Địa lý, Phan Châu Oanh là học sinh thứ 2 của cô giáo Đinh Thị Thành đạt thủ khoa ở bộ môn này. Điều ấn tượng khác của cô giáo Đinh Thị Thành đó là 5 năm trở lại đây, đội tuyển Địa lý của huyện Yên Thành liên tục nằm trong tốp 4 của tỉnh và có 3 năm có học sinh đạt giải Nhất, nhiều năm tỷ lệ trúng tuyển đạt 100%. Khác với các đội tuyển khác, nòng cốt chính chủ yếu là học sinh đến từ Trường THCS Bạch Liêu. Ngược lại, đội tuyển Địa lý, học sinh chủ yếu đến từ các trường khác trên địa bàn huyện.
Năm nay, ngoài thủ khoa Châu Oanh đến từ Trường THCS Xuân Thành, 6 học sinh đạt giải Nhì đến từ các trường THCS Đô Thành, Lăng Thành, Công Thành, Liên - Lý, Mã Thành và 1 học sinh đến từ Trường THCS Bạch Liêu.
Kể về các học trò của mình, cô giáo Đinh Thị Thành chia sẻ: Rất nhiều học sinh phải cạnh tranh mới được vào đội tuyển của huyện. Nhưng với môn Địa lý, giáo viên phải đi tìm học trò. Bản thân tôi, sau Kỳ thi học sinh giỏi huyện, căn cứ vào kết quả tôi sẽ tìm những học sinh có tiềm năng. Kế đó, là phải liên hệ trực tiếp với các trường, gặp gỡ phụ huynh, học sinh để động viên các em vào đội tuyển.
Do có nhiều khó khăn nên một trong những tiêu chí đầu tiên khi chọn đội tuyển của cô giáo Đinh Thị Thành đó là phải chọn những học sinh thực sự đam mê. Phần hổng kiến thức nếu có, cô sẽ bù đắp trong quá trình phụ đạo, bồi dưỡng. Nói về công việc của mình, cô giáo Đinh Thị Thành cũng thú nhận dù đây là công việc rất áp lực, nhưng bản thân có sự say mê khi đảm nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi và luôn nỗ lực để đem về kết quả cao nhất cho học trò.
Tôi nghĩ rằng, để việc bồi dưỡng đạt kết quả cao thì giáo viên phải tâm huyết, lăn xả với học trò. Ngoài ra, giáo viên cũng phải tự nâng cao năng lực, liên tục học hỏi.
Cô giáo Đinh Thị Thành
Đến với Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay, cô giáo Đinh Thị Thành cũng chia sẻ có nhiều khó khăn khi đây là lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông mới và môn Địa lý trở thành một tích hợp Lịch sử - Địa lý. Tuy nhiên, chính khó khăn này lại giúp cô phát huy được lợi thế của một giáo viên trẻ (sinh năm 1992) và đã qua nhiều môi trường công tác (cô từng dạy ở Trường THCS Phúc Thành, Trường Vinschool – Hà Nội), có khá nhiều kinh nghiệm dạy học theo chương trình mới.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc, cô giáo Đinh Thị Thành là một trong ít giáo viên được tuyển dụng “đặc cách” theo diện thu hút. Sau này, được nhận vào công tác tại Trường THCS Bạch Liêu, càng giúp nữ giáo viên này có cơ hội được phát huy năng lực của bản thân.
Tôi đã đổi mới cách dạy và học để tạo được sự hứng thú cho học trò, làm sao để không nặng về kiến thức nhưng vẫn phát huy được năng lực của học sinh, đạt được các mục tiêu cần đạt mà bài học yêu cầu. Trong quá trình ôn luyện đội tuyển, tôi đã tự biên soạn tài liệu, xây dựng ngân hàng đề thi minh họa, bộ câu hỏi trắc nghiệm dựa trên 3 cuốn sách giáo khoa mới. Ngoài Địa lý, tôi cũng phải đọc thêm sách Lịch sử để bổ trợ cho học sinh làm tốt các câu hỏi trong phần thi trắc nghiệm kiến thức chung.
Cô giáo Đinh Thị Thành - Trường THCS Bạch Liêu
Kể về quá trình ôn thi, cô giáo Đinh Thị Thành còn chia sẻ câu chuyện về những ngày đón học sinh về nhà “cùng ăn, cùng ở” với cô giáo, thời điểm dài nhất là những ngày trước thi, kéo dài đến 2 tuần. "Học sinh của tôi đến từ nhiều xã khác nhau, nhiều em hoàn cảnh khó khăn nên gia đình không có điều kiện để đi học thêm. Trong quá trình ôn thi, vì nhà xa nên tôi đã đề nghị gia đình cho các em ở lại nhà cô giáo, có cơm ăn cơm, có rau ăn rau, có thịt ăn thịt. Nhiều phụ huynh còn mang theo gạo gửi cô giáo. Dù điều kiện không thuận lợi, nhưng chính những ngày khó khăn lại tiếp thêm động lực cho cô trò" - cô Thành tâm sự.
Thành tích của đội tuyển Địa lý cũng đã góp phần đưa đội tuyển Yên Thành vững vàng với vị trí thứ 4 toàn tỉnh trong mùa thi năm nay với 80/ 106 em dự thi đạt giải, trong đó có 4 giải Nhất, 34 giải Nhì, 18 giải Ba, 24 giải Khuyến khích.
Dù đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng huyện Yên Thành đã có sự chuẩn bị khá sớm, từ công tác bồi dưỡng, đổi mới cách kiểm tra đánh giá, xây dựng ngân hàng đề thi.
Đặc biệt, trong quá trình thành lập đội tuyển, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của huyện nhà với nhiều chính sách đặc thù như hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng, khen thưởng giáo viên và học sinh đạt giải... Đây là những tiền đề thuận lợi để các giáo viên và học sinh cùng nỗ lực, cố gắng!
Bà Ngô Thị Hiền – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành