Ngôi trường huyện lúa có 3 em đạt giải Nhất học sinh giỏi tỉnh Nghệ An
Với 42 giải, trong đó có 3 giải Nhất, Trường THCS Bạch Liêu (Yên Thành) đã vươn lên tốp 4 những trường có kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 cao nhất tỉnh. Đây cũng là kỳ thi với nhiều thay đổi và việc đạt thành tích cao cho thấy sự bắt kịp, thích ứng nhanh của tập thể giáo viên và học sinh nhà trường.
Khi thầy và trò cùng cố gắng
Phan Tất Tuấn, học sinh lớp 9A - Trường THCS Bạch Liêu là 1 trong 5 học sinh đạt giải Nhất môn Toán năm nay với số điểm rất cao 18 điểm. Trước đó, sau khi hoàn thành bài thi, dù khá tin vào kết quả của mình nhưng Tuấn không nghĩ rằng mình sẽ dành được giải Nhất.
Tuấn cho biết: “Toán là thế mạnh của nhiều trường học và là 1 trong 3 môn có số lượng thí sinh dự thi đông nhất. Vì thế, em nghĩ rằng sẽ có rất nhiều bạn giỏi hơn em và em rất vui với kết quả mà mình đã đạt được" – nam sinh này chia sẻ.
Tuấn không phải là con nhà nòi, mẹ em làm nghề tự do và bố em đi xuất khẩu lao động. Bản thân Tuấn khi mới thi đậu vào Trường THCS Bạch Liêu, em tự biết mình không phải là học sinh xuất sắc nhất. Lợi thế duy nhất của Tuấn là em đặc biệt thích các con số, nên sau này vào môi trường chuyên em có cơ hội được phát triển. Vì thế, liên tục trong các năm lớp 7,8,9, Tuấn đều đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi của trường, của huyện.
Đặc biệt, ngoài giải Nhất môn Toán lớp 8 và lớp 9, Tuấn cũng đã đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì môn Vật lý ở Kỳ thi học sinh giỏi của huyện. Do học đều các môn nên Tuấn là một trong ít học sinh được rất nhiều giáo viên gọi vào đội tuyển, kể cả môn Tiếng Anh. Sau này, Tuấn quyết định chọn môn Toán một phần bởi đây là đam mê, một phần bởi thích cách dạy của thầy giáo Trịnh Bá Huyền (giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp bồi dưỡng).
Qua quá trình dẫn dắt đội tuyển Toán, thầy Huyền cũng đặc biệt ấn tượng với Tuấn bởi cậu học trò này luôn toát lên sự đam mê, phương pháp giải bài rất thông minh và có tính tư duy. Ưu điểm của Tuấn là chữ viết khá đẹp nên em trình bày rõ ràng, chắc chắn, kết quả làm bài thường ổn định. Thực tế, không chỉ đến Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh mà ở các bài kiểm tra vòng loại, các bài thi theo cụm Tuấn đều đạt mức điểm từ 16 – 18 điểm và nằm trong nhóm ít thí sinh có điểm thi cao nhất.
Nói về Kỳ thi năm nay, thầy giáo Trịnh Bá Huyền cũng chia sẻ những khó khăn riêng, bởi đây là Kỳ thi đầu tiên việc ra đề được thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, dù đã có 23 năm kinh nghiệm và nhiều năm làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, có nhiều học sinh đạt giải cao nhưng thầy giáo Trịnh Bá Huyền vẫn gặp những khó khăn.
Năm nay, Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh được tổ chức sớm, nhưng đầu tháng 9 Sở Giáo dục và Đào tạo mới công bố đề thi minh họa với cấu trúc đề thi và các dạng bài tập khác với trước rất nhiều. Trước đây, một bài tập, chỉ cần giải được bài toán và có kết quả, nhưng các bài tập mới đòi hỏi phải biết vận dụng những kiến thức đã học để giải bài toán thực tế.
Thầy giáo Trịnh Bá Huyền
Với cách ra đề mới, theo thầy Huyền, một trong những trở ngại của các đội tuyển đó là nguồn tài liệu, nguồn đề để tham khảo theo chương trình mới không nhiều. Vì thế, để hướng đến Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, không chỉ học sinh nỗ lực mà ngay cả các thầy giáo, cô giáo cũng phải kiên trì, vượt khó.
Ngay khi có cấu trúc đề, tổ Toán của Trường THCS Bạch Liêu đã họp chuyên môn để nghiên cứu đề và trên cơ sở đó phân công mỗi giáo viên phải tự nghiên cứu, tự ra các đề toán có tính ứng dụng. Ngoài ra, kết nối với các giáo viên ở các trường khác để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm. Các giáo viên cũng phải thường xuyên cập nhật thông tin, đọc rất nhiều bài toán thực tế từ các nguồn đề quốc tế, trên các tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Tạp chí Toán Tuổi thơ, Tạp chí Pi để tìm kiếm thêm tư liệu.
Ngoài chuẩn bị nguồn đề, trước khi Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh 9 chính thức được tổ chức, thầy giáo Trịnh Bá Huyền cùng các học trò cũng đã có một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, kéo dài liên tục từ tháng 7 đến nay. Trong thời gian đó, dù có những buổi ôn thi phải kéo dài đến 5 tiếng đồng hồ nhưng thầy và trò chưa bao giờ thấy mệt mỏi. Ngược lại, kỳ thi mới với nhiều thách thức lại trở thành động lực để thầy trò cùng cố gắng.
Với sự nỗ lực này, đội tuyển Toán của huyện Yên Thành năm nay (trong đó chủ lực là Trường THCS Bạch Liêu) đã có 10 học sinh đạt giải, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
Em nghĩ dù kỳ thi khó, tính cạnh tranh cao nhưng khi đến với kỳ thi này, chúng em đã được chuẩn bị tâm thế rất tốt. Hơn thế, thầy cô giáo cũng đã ôn luyện cho chúng em rất kỹ càng, phủ kín hết kiến thức nên dù đề thi năm nay “lạ” và có nhiều nét mới nhưng chúng em không bị bỡ ngỡ khi làm bài.
Học sinh Phan Tất Tuấn
Chinh phục môn thi mới
Mùa thi năm nay cũng là lần đầu tiên ngành Giáo dục triển khai các môn thi mới, gồm môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý. Lần ra quân đầu tiên, vượt lên sự mong đợi, học sinh Trường THCS Bạch Liêu đã “ẵm” được 2 giải Nhất môn Khoa học tự nhiên 1 (Vật lý) và Khoa học tự nhiên 2 (Hóa học). Đây cũng cũng là 2 học sinh Á khoa toàn tỉnh.
Đạt giải Nhất môn Khoa học tự nhiên 1 (Vật lý), em Nguyễn Trọng Phi Hoàng, học sinh lớp 9A nói rằng, đây là kết quả vượt ngoài mong đợi. Kỳ thi cũng là thử thách của bản thân, bởi đề thi mới yêu cầu thí sinh không chỉ làm tốt môn thi chuyên Vật lý (cho phần tự luận 14 điểm), mà còn phải làm tốt phần thi trắc nghiệm kiến thức chung (6 điểm), trong đó có môn Hoá học - Sinh học - vốn không phải là lợi thế của em.
Điều đặc biệt, dù chỉ làm phần trắc nghiệm trong thời gian hơn 30 phút nhưng Hoàng đã giành được trọn 6 điểm. Sang phần tự luận, cách ra đề mới với phần câu hỏi gắn với ứng dụng, liên hệ thực tiễn được Hoàng phát huy hết khả năng, bởi Hoàng vốn thích Vật lý vì có tính ứng dụng cao.
Kể thêm điều này, Hoàng cho biết: So với các kỳ thi trước, để dự thi môn Khoa học tự nhiên, các học sinh phải học hết 3 môn và lượng kiến thức cũng nặng hơn rất nhiều. Để ôn tập hợp lý, em xây dựng thời gian biểu tương ứng với thời khóa biểu bồi dưỡng ở trường. Ngoài học trên lớp, em làm thêm rất nhiều các đề trắc nghiệm tổng hợp để rèn kỹ năng làm bài.
Khi thầy cô ôn kiến thức chung thì về nhà em cũng sẽ luyện đề trắc nghiệm tổng hợp. Còn phần lớn thời gian vẫn dành cho môn Vật lý. Quá trình ôn tập kỹ lưỡng nên khi bước vào kỳ thi em cũng yên tâm và tự tin vào kiến thức của mình”, Phi Hoàng nói về thời gian ôn tập của mình.
Trong khi đó, để đạt giải Nhất môn Khoa học tự nhiên 2 (Hoá học), em Bùi Danh Hoàng (lớp 9A) cũng nói rằng đã rất nỗ lực để vượt qua 150 phút làm bài: “Đề thi khá dài nên sau khi nhận đề em cắm cúi làm bài và gần như không có thời gian để quan sát xung quanh. Theo em, phần trắc nghiệm kiến thức chung không quá khó. Nhưng ở phần tự luận môn Hóa học đề có nhiều câu bài tập, yêu cầu nắm vững kiến thức, tính toán chính xác, làm đến đâu chắc chắn đến đấy, nếu không sẽ không kịp thời gian.
Thành công của hai học sinh Nguyễn Trọng Phi Hoàng và Bùi Danh Hoàng cũng chính là thành công của cô giáo Vũ Thị Nga - giáo viên bồi dưỡng môn Hóa học và cô giáo Phan Thị Duyên - giáo viên bồi dưỡng môn Vật lý.
Nói về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh đối với các môn mới này, giáo viên Tổ Khoa học tự nhiên Trường THCS Bạch Liêu thừa nhận có khá nhiều vất vả. Nhưng nhờ sự chủ động, việc dạy và học vẫn đem lại kết quả tốt.
Cô giáo Vũ Thị Nga chia sẻ: Đây là khóa thi học sinh giỏi tỉnh đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, trong suốt 3 năm học trước, các trường cũng như giáo viên chưa xác định được cách thức tổ chức kỳ thi ra sao, các môn thi theo truyền thống hay tích hợp.
Việc chọn nguồn học sinh giỏi vì vậy cũng khó khăn theo, dù giáo viên đã “nhìn” được hạt giống và sớm bồi dưỡng. Đến đầu năm lớp 9, khi có thông báo chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành mới tổ chức thi học sinh giỏi huyện và chọn đội tuyển thi tỉnh. Để tránh bị động, nhà trường đã đón trước kế hoạch ôn tập theo chương trình mới, thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh.
Với 3 giải Nhất, 17 giải Nhì, 10 giải Ba và 12 giải Khuyến khích, Trường THCS Bạch Liêu đã có một mùa thi thành công.
Chúng tôi luôn xác định kỳ thi học sinh giỏi tỉnh là “thước đo” để đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường. Vì thế, dù năm nay là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhưng nhà trường đã yêu cầu các tổ chuyên môn phải nghiên cứu, bám sát theo hướng dẫn của phòng, của sở, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá. Nhà trường có chính sách khuyến khích, động viên để tạo động lực cho giáo viên, học sinh cùng cố gắng.
Quá trình triển khai, trường luôn nhận được sự quan tâm của phòng Giáo dục và Đào tạo, của huyện nhà và điều đó đã khích lệ để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt mục tiêu đề ra.Thầy giáo Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Liêu