Hành trình về Côn Đảo: Bài 2: Viếng mộ chị Sáu

20/04/2014 16:06

(Baonghean) - Mỗi năm, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tài) đón trên 90.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Mỗi người đến đây có những trải nghiệm riêng nhưng tất cả đều có hành trình chung là lên đảo, đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương và viếng mộ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu…

Mặc dù không có một quy định nào, nhưng việc làm đầu tiên của mỗi người đến với Côn Đảo là đến viếng các anh hùng, liệt sỹ ở Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước. Trong khuôn viên rộng trên 20 ha với nhiều cây xanh, các loài hoa khoe sắc, du khách dễ dàng nhận ra phần mộ của chị Võ Thị Sáu ở trung tâm khu vực B với bia mộ ghi khắc và cây Lê-ki-ma luôn xanh tươi.

Điều đặc biệt, mỗi người khi lên Côn Đảo đã truyền kể về những câu chuyện linh thiêng và cùng nhau viếng mộ chị Sáu vào giờ Tý hàng đêm (tức từ 23 giờ đêm đến 1 giờ sáng hôm sau). Điều này đã thành thông lệ chỉ có ở Nghĩa trang Hàng Dương. Đêm đến, bên cạnh hệ thống đèn cao áp ở một số tuyến đường vào nghĩa trang, ở 1.921 ngôi mộ liệt sỹ tìm thấy hài cốt, các ngọn đèn điện sử dụng bằng hệ thống năng lượng mặt trời tự động bật sáng lung linh. Trong tổng số hơn 20.000 người đã hy sinh trên Côn Đảo, Ban quản lý nghĩa trang mới tìm thấy được 1.921 hài cốt liệt sỹ, trong đó có 713 phần mộ biết rõ họ tên, quê quán. Ở nghĩa trang, hệ thống loa phóng thanh được bố trí đều khắp, với giọng đọc chậm về nội dung tiểu sử các anh hùng liệt sỹ, các nhà cách mạng, các chiến sỹ cách mạng đã từng đấu tranh và hy sinh trong ngục tù trên Côn Đảo.

Đông đảo du khách đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu vào giờ tý hàng đêm.
Đông đảo du khách đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu vào giờ tý hàng đêm.

Người dân trên đảo thành kính gọi chị Võ Thị Sáu là “Cô Sáu”. Phần mộ của chị nay được xây dựng bằng đá hoa cương, nằm ở phía tay trái của khu trung tâm Nghĩa trang Hàng Dương. Ở phía trước mộ là cây Lê- ki - ma mang từ Thị trấn Đất Đỏ, quê chị (huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ra trồng sau ngày Côn Đảo giải phóng. Chị Nguyễn Ngọc Như Xuân - Thuyết minh viên ở Nghĩa trang Hàng Dương cung cấp thêm: “Sở dĩ, trước mộ chị Sáu trồng cây Lê-ki-ma là xuất phát từ chuyện má chị Sáu tìm cách đến khám Chí Hòa để gặp chị lần cuối. Trong buổi gặp, túi quà mang lên thăm con gái chỉ có mấy trái Lê- ki- ma chín vàng do bà hái từ vườn nhà. Cây Lê-ki-ma này ra hoa, kết trái quanh năm như để dâng lên hương hồn chị Sáu, người con gái quả cảm, bền gan, vững chí với niềm tin vào thắng lợi của cách mạng nước nhà”.

Nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi rồi nhanh chóng trở thành nữ trinh sát nổi tiếng gan dạ của Đội Công an xung phong Đất Đỏ, huyện Long Đất (tỉnh Bà Rịa). Năm 1950, chị Sáu bị địch bắt lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt địch ở chợ quê nhà và bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Chí Hòa - Sài Gòn và bị kết án tử hình. Ngày 21/1/1952, chúng lén lút đưa chị ra Côn Đảo để thi hành án tử hình nhằm tránh sự phản đối của dư luận và phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên Sài Gòn về việc kết án tử hình một thiếu nữ chưa đến tuổi trưởng thành. Dù chỉ ở trong nhà tù Côn Đảo chưa trọn 2 ngày đêm nhưng tên tuổi, ý chí chiến đấu cùng đôi mắt to, sáng rực của chị Sáu trước họng súng kẻ thù đã làm bọn cai ngục, cha cố đạo và lính lê dương khiếp sợ.

Rạng sáng ngày 23/1/1952, bất chấp sự phản đối và đấu tranh quyết liệt của hàng ngàn tù nhân Côn Đảo, thực dân Pháp đã hèn hạ xử bắn Võ Thị Sáu. Trong cuốn sách Võ Thị Sáu - con người và huyền thoại (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), tác giả Nguyễn Đình Thống ghi lại: “Khi tên chánh án quay ra đọc lệnh thi hành án thì Võ Thị Sáu bắt đầu hát, chị cất lời hát bài Tiến quân ca, Quốc ca Việt Nam. Giọng hát của chị thiết tha, trong trẻo, vút lên ngân vang trong gió sớm. Võ Thị Sáu không chú ý đến bọn đao phủ, chị vẫn hát và khi bảy nòng súng đen ngòm ngọ nguậy và tên đội trưởng đội hành quyết hô mục tiêu chuẩn bị thì chị ngừng hát và hô to: Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam độc lập muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm thì bảy tiếng súng chuệch choạc nổ… Lạ thay, Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó. Chị nhìn chúng, ngạo nghễ và giễu cợt. Hai vệt máu từ vai và sườn chị tuôn đỏ vạt áo. Chị hát tiếp khúc Tiến Quân ca: “Đoàn quân Việt Nam đi...”.

Câu chuyện về sự hy sinh oanh liệt của chị Sáu đã được lan truyền khắp Côn Đảo. Anh, chị em tù chính trị lấy đó làm tấm gương để học tập noi theo và đấu tranh với sự hà khắc của nhà tù thực dân, đế quốc. Hình thức đấu tranh của họ là tìm cách dựng lại bia mộ trước mộ của chị Sáu mỗi khi bị kẻ thù đập phá. Tuy vậy, bọn cai ngục càng đập phá bia mộ thì sáng ngày sau lại có một bia mộ khác thay thế, thậm chí bên ngôi mộ còn có những đóa hoa rừng thơm ngát. Theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Viên - cựu tù Côn Đảo, không ai có thể nhớ hết đã có bao nhiêu tấm bia được dựng trước mộ người nữ anh hùng này. Vào thời điểm Mỹ - ngụy mở chiến dịch “tố cộng” mà bọn cải huấn kích động đập bia mộ chị Sáu nhằm đe dọa ý chí những người cộng sản, nhưng ý đồ của chúng vẫn bị thất bại. Những tấm bia mộ được làm bằng bất kỳ vật liệu nào trên đảo từ đá, đất, gỗ… và thậm chí còn có cả một tấm bia được chạm bằng đá quý đặt từ một cơ sở chuyên tạc bia mộ nổi tiếng ở đất liền chuyển ra. Đó là tấm bia bằng cẩm thạch đẹp nhất và tồn tại lâu nhất do vợ chồng Tăng Tư, thiếu tá ngụy quyền Sài Gòn đặt từ Chợ Lớn chuyển ra khấn vái, gieo quẻ xin trùng tu lại mộ cho chị nhân dịp y nhậm chức tỉnh trưởng năm 1964…Tấm bia này hiện vẫn còn lưu giữ trước mộ chị Sáu ở Nghĩa trang Hàng Dương như một chứng tích thể hiện sự linh thiêng của hương hồn người nữ anh hùng Đất Đỏ.

TIN LIÊN QUAN

Bà Nguyễn Thị Lan, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, năm nay đã 64 tuổi, mới có dịp đến Côn Đảo. Lần đầu tiên đứng trước mộ chị Sáu, cầm trên tay những bông hoa cúc trắng, bà Lan cứ run run mãi chưa dám đặt lên mộ, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn trào với tiếng nấc nghẹn ngào: “Chị Sáu ơi, nếu không bị bọn giặc bắn giết, chị sẽ được làm mẹ, làm bà như chúng tôi để hưởng thái bình, nhìn thấy đất nước phát triển. Mong chị yên nghỉ, phù hộ độ trì cho các thế hệ người Việt và gia đình chúng tôi…”. Còn anh Nguyễn Văn Tiến, quê ở Hải Dương cũng lần đầu tiên ra Côn Đảo viếng chị Sáu, đã đứng lặng trước mộ rất lâu mà không biết mình đã khóc từ bao giờ. Với anh và các thế hệ trẻ, tấm gương của chị Sáu mãi mãi là biểu tượng khắc ghi để ra sức học tập, cống hiến cho quê hương, Tổ quốc. Đã thuộc những bài học lịch sử viết về chị Sáu, đứng trước mộ chị, những người trẻ mới cảm nhận sâu sắc về chặng đường đấu tranh, giành độc lập của các thế hệ trước…Trong sự tĩnh mịch của đêm, dòng người lặng lẽ nối tiếp nhau dâng hoa, dâng hương trước mộ chị Sáu. Quãng giữa đêm, sương rơi nhẹ, mùi hương phảng phất cả một vùng nghĩa trang càng làm cho mọi người đến đây cảm thấy sự linh thiêng và kính phục trước tấm gương ý chí gang thép, hiên ngang, bất khuất của chị Sáu.

Đêm, gió biển thổi vào Côn Đảo, những dãy phi lao trong Nghĩa trang Hàng Dương rì rào như cùng hòa nhịp với bản hùng ca được phát trên hệ thống loa phóng thanh: “… Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho đời sau... Kìa hoa Lê-ki-ma nở/ Đẹp thêm quê miền Đất Đỏ/ Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng/ Bình minh đang rực sáng cho hoa kia nở/ Mùa Xuân lan tràn xứ sở/ Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu/ Người nữ anh hùng…”.

Nguyên Nguyên

(còn nữa)

Mới nhất
x
Hành trình về Côn Đảo: Bài 2: Viếng mộ chị Sáu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO