Hành trình về “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”
(Baonghean.vn) - Mùa Xuân- mùa khai hội, theo câu ca xưa “Tháng giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích”, hòa vào dòng người trẩy hội, chúng tôi đã có cuộc hành hương tìm về chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh núi Hồng Lĩnh. Quần thể di tích linh thiêng, ẩn hiện trong sương mù giữa trập trùng 99 ngọn núi quanh năm rì rào tiếng thông reo.
Chùa Hương Tích nằm ở dãy núi Hồng Lĩnh thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được hình thành vào đời Trần, sử sách mô tả là một động cao và khuất, thường có mây mù bao phủ, là một trong những ngôi chùa cổ kính, nổi tiếng vào bậc nhất ở Việt Nam. Từ xa xưa, dãy núi 99 ngọn vút cao này đã được xếp vào 1 trong 21 danh thắng của nước Nam. Ðặc biệt, toàn bộ khuôn viên của chùa Hương Tích liên kết với nhiều kỳ quan thắng cảnh đã tạo thành một quần thể xứng danh là "Hoan Châu đệ nhất danh thắng".
Dòng người đổ về trẩy hội theo con đường độc đạo chạy ngoằn nghèo dưới chân những ngọn núi.
Trải qua bao biến thiên lịch sử, ba lần chùa Hương bị tàn phá bởi giặc Minh, thực dân Pháp và cháy rừng. Vì thế có nhiều khoảng thời gian chùa không, rừng quạnh bởi không có sư về trụ trì. Chùa Hương vắng bóng du khách. Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, cứ vào dịp 18/02 âm lịch hằng năm, ngày Diệu Thiện hóa Phật, hàng ngàn tăng ni, phật tử, thiện nam, tín nữ và du khách thập phương từ khắp mọi miền đất nước tìm về trẩy hội... Họ rẽ đường, vượt dốc núi, bước qua 999 bậc đá trên chặng đường gần 4 km để tới cầu an, dâng lên Đức Phật một lời nguyện cầu, thắp một nén tâm hương hay chỉ là để được thả hồn mình vào chốn bồng lai tiên cảnh, nơi còn in dấu Phật.
Hành trình lên với chùa Hương, du khách có thể chọn một trong hai cách, người khỏe mạnh thường chọn cách bách bộ theo con đường uốn lượn ngoằn nghèo dưới chân núi đã ghi lại bao dấu chân tiền nhân. Hoặc, du khách chọn đi thuyền máy ngược hồ nhà Đường, vừa thưởng lãm núi non hữu tình, vừa cảm nhận làn nước hồ xanh biêng biếc. Chúng tôi chọn cách bách bộ theo đường xưa lối cũ mà tiền nhân đã đi. Dọc đường, người đi trẩy hội chật như nêm. Dưới hồ nhà Đường, tiếng thuyền máy xuôi ngược chở du khách cũng rộn ràng không kém. Cả núi non vùng sơn lâm u tịch thường ngày bỗng sống dậy không khí khai hội mùa Xuân. Bước chân qua từng bậc đá rêu phong chợt thấy một thời xa vắng lại vọng về.
Anh Nguyễn Quốc Việt – một du khách đến từ Tp Đồng Hới, Quảng Bình chia sẻ: “Năm nào, tôi cũng dành thời gian để đi hội chùa Hương. Tuy đường sá xa xôi nhưng được đến đây thắp một nén tâm hương, cầu mong một năm an lành làm cho tâm hồn nhẹ nhõm, thoải mái trước khi bước vào một năm làm việc mới”.
Đến điểm giao nhau giữa dòng suối Cam Tuyền và hồ nhà Đường thì du khách dù bách bộ hay đi thuyền lại nhập làm một. Dòng người nhích từng bước ngược theo con đường mòn chạy song song với dòng suối Cam Tuyền ngày một đông đúc hơn. Cả đoàn người đi chừng 1km thì tới nhà ga cáp treo. Từ đây, du khách có thể mua vé để đi cáp treo lên thẳng tới chùa hoặc tiếp tục leo núi hơn cây số nữa sẽ đến chùa.
Từ đầu mùa lễ hội năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Hồng Lĩnh đưa vào vận hành tuyến cáp treo chùa Hương Tích dài gần 900m chạy từ Miếu Cô lên đến chùa Hương Tích. Hệ thống cáp treo gồm 25 cabin và mỗi cabin có 8 chỗ ngồi. Thời gian một lượt đi và ngược lại là 8 phút. Việc đưa tuyến cáp treo vào hoạt động giúp du khách trẩy hội được dịp thưởng ngoạn khung cảnh sơn thủy hữu tình, quanh năm bồng bềnh trong sương mù của “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”. Thời điểm chúng tôi đi, nhà chờ tuyến cáp treo chật kín người chen chúc nhau để có một chỗ trên cabin. Người trẩy hội tụ về ngày một đông đúc, nên không tránh khỏi tình trạng chen lấn, xô đẩy. Thậm chí, có người còn bị ngất do bị chèn ép. Nhiều du khách bị kẻ gian móc túi, móc điện thoại…
Lượng khách về trẩy hổi quá đông khiến khu vực nhà chờ tuyến cáp treo bị quá tải.
Đường lên tiên cảnh ở vùng đất “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”
Gần một giờ chen lấn, xếp hàng để lên được cabin cáp treo nhưng chỉ sau 4 phút cabin di chuyển, chùa Hương Tích hiện ra trong sương sớm. Quần thể di tích chùa Hương gồm: 2 toà chùa ngoài và trong, am Thánh Mẫu, đền Thiên Vương (đền thờ Hồng Sơn Đại Vương), và lên cao hơn nữa có nền Trang Vương. Người đi trẩy hội đông đúc, chen chúc nhau viết sớ, làm lễ trong khuôn viên chùa. Anh Nguyễn Ngọc Trãi, ở xã Thụ Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh cho biết: “Nhà ở gần nên cả gia đình tôi đi từ sáng sớm. Lên đến chùa còn có thời gian làm lễ, dâng hương, thưởng ngoạn cảnh chùa. Chứ lên muộn thì khó tìm được chỗ làm lễ lắm!”.
Trời về chiều, sương mù bao phủ đỉnh Hồng Lĩnh, chúng tôi lại ngược lối xưa để xuống núi. Đến với chùa Hương – nơi mảnh đất còn in dấu Phật, được nghe câu chuyện hóa Phật bà Quan Âm của nàng công chúa nước Sở tên Diệu Thiện, chiêm ngưỡng nhiều cảnh sắc kỳ thú của một vùng sơn thủy hữu tình với động Tiên Nữ 36 cửa ra vào, động Cửa Phủ, am Phun Mây, khe Tiên Tắm, bàn cờ Tiên, thông cổ thụ, suối ướp hương…cũng từ đó thêm một lần chiêm nghiệm vì sao nơi này tiền nhân hào phóng xướng danh “Hoan Châu đệ nhất danh thắng”./.
Thành Duy