Hành trình yêu thương

03/09/2015 16:57

(Baonghean) - Vậy là năm học mới này, Phương Dung và Phương Ngân vẫn tiếp tục được đến trường. Sách vở, áo quần và xe đạp đã sẵn sàng, chỉ chờ tiếng trống khai trường các em sẽ bắt đầu một hành trình mới với bao thử thách nhưng ngập tràn tin yêu và hy vọng.

Rộng mở tấm lòng

Đầu năm 2015, Báo Nghệ An đăng bài “Tình nhân ái trong ngôi nhà nhỏ”, viết về tấm lòng bao dung của bà Vương Thị Quế (SN 1964) ở xóm Kim Thanh, xã Võ Liệt (Thanh Chương). Dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con khôn lớn, đang phải sinh sống trong căn nhà tranh, vách gỗ tuềnh toàng nhưng vẫn mở rộng tấm lòng để cưu mang 3 đứa trẻ gặp phải nghịch cảnh trớ trêu: Bố vào tù, mẹ mắc bệnh tâm thần, Hoàng Phương Dung (SN 2004), Hoàng Phương Ngân (SN 2006) và Hoàng Trọng Đức (SN 2013) lâm vào cảnh côi cút, bơ vơ, không người chăm sóc và đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng. Bà Quế đưa 3 chị em về nuôi, dù bà cũng đang phải “chạy ăn từng bữa”. Việc làm ấy được bà con lối xóm, các đoàn thể và chính quyền địa phương ghi nhận và ủng hộ, đánh giá cao.

Bà Vương Thị Quế và cháu Hoàng Trọng Đức.
Bà Vương Thị Quế và cháu Hoàng Trọng Đức.

Khi ngày khai giảng đã cận kề, chúng tôi ngược lên Võ Liệt xem năm học này Dung và Ngân có tiếp tục được đến trường, và nếu được thì công việc chuẩn bị đã đến đâu. Tìm đến xóm Kim Thanh, một sự bất ngờ pha lẫn niềm vui chợt đến, bởi trước mắt là ngôi nhà nhỏ vừa mới được xây dựng xong, đang thơm mùi sơn, vữa. Đón khách bằng nụ cười đôn hậu và vẻ mặt phấn khởi, bà Vương Thị Quế chia sẻ: “Sau khi báo đăng về hoàn cảnh gia đình và việc cưu mang 3 đứa nhỏ, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ khoản tiền 60 triệu đồng để xây căn nhà này, sắp tới sẽ làm lễ bàn giao. Từ nay sẽ không còn lo cảnh mưa gió, bão bùng như hồi phải ở trong ngôi nhà tranh cũ”. Ngôi nhà xây được lợp bằng tôn chống nóng, lát gạch, có diện tích 40m2, có thể không lớn nhưng ấm áp tình người, và ở đó luôn có tiếng cười của con trẻ và tấm lòng yêu thương của người lớn. Cậu bé Hoàng Trọng Đức hết lăn giữa nền gạch bóng lại ôm chặt lấy bà, nũng nịu. Với cậu bé 2 tuổi này, và cả 2 chị gái nữa, bà Quế là người mẹ thứ 2, không dứt ruột đẻ ra nhưng đã chăm bẵm, dang rộng vòng tay cưu mang trong những ngày gặp phải cảnh khốn đốn, tưởng chừng như không còn lối thoát.

Bà Vương Thị Quế vẫn còn nhớ như in một ngày của tháng 10 năm trước, vừa trở về sau một thời gian đi làm xa, qua nhà chị Đậu Thị Vân (SN 1980) thấy 3 đứa trẻ ôm nhau khóc sụt sùi. Nguồn cơn dẫn đến hoàn cảnh này có thể nói là do tội lỗi của người chồng, người bố. Chồng chị Vân là Hoàng Trọng Bình (SN 1973), 2 vợ chồng có tới 3 mặt con nhưng Bình vẫn không chịu tu chí làm ăn, suốt ngày tụ tập và đi theo kẻ xấu, việc đồng ruộng và chăm sóc con cái dồn lên vai người vợ ốm yếu, bệnh tật. Rồi một ngày, chị Vân điếng người khi nhận được tin chồng bị công an bắt vì buôn bán, vận chuyển chất ma túy. Kết quả, Bình nhận mức án 18 năm tù, quãng thời gian không thể nói là ngắn đối với cuộc đời một con người. Thể trạng yếu, chị Vân không thể chịu đựng nổi cú sốc lớn về mặt tinh thần nên bệnh càng nặng và xuất hiện những triệu chứng của căn bệnh tâm thần. Chị đi lang thang, vô định, bỏ bê công việc ruộng vườn, nhà cửa, quên luôn cả thiên chức làm mẹ, bỏ mặc các con no đói thất thường. Có khi, người phụ nữ bất hạnh ấy đi 2-3 ngày không về, anh em, họ hàng phải tỏa đi các hướng để tìm kiếm. Có lần, thấy chị ở Thị trấn Dùng (Thanh Chương); lần khác chị lạc vào tận Thị trấn Phố Châu (Hương Sơn - Hà Tĩnh). Hôm ấy, chị lại đi lang thang và mấy ngày chưa về, nghe nói chị đón xe xuống Thành phố Vinh. Ở nhà, 3 con nhỏ của chị đứa thì đói cơm, đứa thì khát sữa, nằm lăn lóc và khóc vang cả xóm làng. Hay tin, bà Quế vội sang nhà và đã không cầm được lòng mình, những giọt nước mắt cứ tuôn dài trên khuôn mặt người phụ nữ tuổi 60. Dường như, ông trời cũng động lòng trước hoàn cảnh của 3 đứa trẻ, hôm ấy trút xuống những trận mưa xối xả trắng đồng. Không muốn chứng kiến cảnh tượng ấy thêm một phút giây nào nữa, người phụ nữ có trái tim nhân hậu ấy quyết định đưa chị em Dung về nhà chăm sóc, cưu mang. Lúc ấy, Đức vừa chập chững tập đi nhưng cậu bé không thể nào gượng dậy nổi để đón lấy vòng tay của bà Quế, cậu đang lả dần vì đói...

Gắng vì cái chữ

Gần 20 ngày được bà Quế tập trung chăm sóc, 3 đứa trẻ bất hạnh mới dần lấy lại sức lực và nỗi buồn tủi cũng vơi đi được phần nào. Lúc này, bà Quế lên UBND xã, gặp gỡ các ban, ngành để thông báo tình hình và đề đạt nguyện vọng nhận nuôi 3 đứa con nhỏ của chị Đậu Thị Vân. Nguyện vọng ấy được tất cả mọi người ủng hộ, các đoàn thể cũng trích nguồn quỹ để giúp đỡ các cháu nhỏ. Từ ngày mẹ bỏ đi, hai chị em Phương Dung và Phương Ngân đã nghỉ học khoảng 1 tháng. Bà Vương Thị Quế lại tất tả đội mưa lên gặp các thầy cô giáo xin tạo điều kiện để các cháu trở lại lớp, tiếp tục việc học hành để kiếm thêm cái chữ, để các cháu có được một hướng đi tốt đẹp trong tương lai. Nhà trường đồng ý tạo điều kiện để chị em Dung trở lại lớp học, các thầy cô giúp đỡ bằng cách dành thêm thời gian để bù lấp khoảng trống kiến thức và kỹ năng bị thiếu hụt cho các em. Khi hay tin sẽ được tiếp tục tới trường, Dung và Ngân mừng rỡ. Nhưng rồi, 2 đứa trẻ chợt bần thần, khi được hỏi, đứa lớn trả lời: “Nhà bà nghèo quá, chúng cháu đi học sợ bà phải đi làm vất vả hơn!”. Những giọt nước mắt lại chảy trên khuôn mặt người phụ nữ giàu lòng nhân hậu. Bà Quế khóc vì Dung và Ngân còn bé nhưng đã sớm hiểu được những việc quanh mình, hiểu được hoàn cảnh và tấm lòng của người đang cưu mang, nuôi dưỡng. Khóc, vì bà tin rằng những đứa trẻ ấy sẽ sớm khôn, công sức và tấm lòng của mình sẽ không uổng phí, là những giọt nước mắt chứa đựng niềm vui và cả niềm tin. Càng vui hơn, kể từ khi trở lại lớp để tiếp tục việc học hành, đêm nào hai chị em Dung cũng ngồi học tới tận khuya, hết làm bài tập Toán đến Ngữ văn, không đêm nào ngủ trước 23 giờ. Và vui hơn nữa, kết thúc năm học, cả Dung và Ngân đều đạt danh hiệu “Học sinh tiên tiến”. Hôm đưa các cháu đến dự lễ Tổng kết năm học, các thầy cô cứ nắm lấy tay và không ngớt lời chúc mừng: “Đó chính là thành tích của bác- người có công nuôi dưỡng và chăm nom các cháu!”.

Niềm vui của cháu Hoàng Phương Dung và Hoàng Phương Ngân khi có sách vở mới.
Niềm vui của cháu Hoàng Phương Dung và Hoàng Phương Ngân khi có sách vở mới.

Cả chủ và khách đang mải mê chuyện trò, bỗng có tiếng chào: “Chào bà! Cháu đi học về! Chào chú ạ!”. Đã gần trưa, chị em Dung - Ngân vừa ở trường về, hai chiếc cặp học sinh căng phồng những sách vở và đồ dùng học tập. Hôm ấy, các cháu đưa sách vở đến lớp để nhà trường kiểm tra. Khi được hỏi: “Sách vở và đồ dùng của các cháu đã đủ chưa?”, Dung nhanh nhẹn trả lời: “Sách dì Duyên đã mua đủ cho chúng cháu, vở bà mới mua hôm qua!”. Duyên là con gái bà Quế, lấy chồng về xã bên, mỗi khi rảnh rỗi thường sang thăm và đỡ đần giúp mẹ việc nuôi dạy 3 đứa trẻ con nhà hàng xóm. Để có tiền mua 2 bộ sách giáo khoa cho các cháu Dung - Ngân, Duyên đã phải bán đi mấy yến đậu xanh vừa thu hoạch, vì chị biết mẹ mình đang vô cùng vất vả, khó khăn. Còn bà Quế cũng phải bán đi 4 con gà để mua đủ vở viết cho 2 cháu, bà không muốn chúng phải tủi thân vì không đủ sách vở lúc đến trường.

Năm học mới này, Hoàng Phương Ngân bước vào lớp 4, và Hoàng Phương Dung đã lên lớp 6. Ngắm nét mặt và ánh mắt các cháu khi ngồi sắp lại chồng sách vở mới, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và phấn khởi đang rạo rực trong tâm hồn con trẻ. Những cuốn sách phẳng phiu còn thơm mùi mực, những quyển vở còn nguyên vẹn chứa đựng và hứa hẹn những điều lý thú và bổ ích, sẽ giúp các cháu vững bước trên con đường đời. Đó cũng là tấm lòng thơm thảo, phúc hậu và vị tha của mẹ con bà Vương Thị Quế. Giờ này, bố của 3 đứa trẻ đang cải tạo ở trại giam, nếu không có gì thay đổi phải hơn 10 năm nữa mới được trở lại với cuộc sống đời thường. Còn người mẹ đang chữa trị căn bệnh tâm thần tại một cơ sở từ thiện, không biết đến lúc nào hồi tỉnh, trở lại con người bình thường để trở về bên các con. Trước mắt, việc làm bố, làm mẹ của những đứa trẻ bất hạnh vẫn phải cậy nhờ người hàng xóm phúc hậu. “Càng học lên, chi phí học tập càng nhiều nên tôi phải cố gắng chăm bón mấy sào ruộng tốt hơn, nuôi thêm mấy chục con gà để lo cho các cháu. Ít năm nữa, cháu Đức đến tuổi đi trường, lại phải lo một khoản nữa, chỉ mong có đủ sức khỏe, không bị đau ốm để chăm những đứa trẻ đáng thương này. Vừa rồi, nhà trường hướng dẫn làm thủ tục để miễn giảm các khoản đóng góp cho các cháu nhưng mấy ngày nay bận quá thành ra chưa làm được”- bà Quế chia sẻ. Theo lời bà, Võ Liệt là vùng quê hiếu học, hầu hết các gia đình dù nghèo khổ đến mấy cũng cố gắng chăm lo việc học hành cho con cháu. Dù hoàn cảnh đang khó khăn, túng thiếu, dù những đứa trẻ kia không phải máu mủ, ruột rà nhưng bà Quế vẫn quyết tâm nuôi chúng ăn học. Vì hơn ai hết, bao năm sống trong cảnh nghèo, bà hiểu được giá trị của cái chữ, của sự học. Có lần, bà dẫn 3 đứa trẻ ra đình Võ Liệt, nơi được xem là “Văn miếu” của đất Thanh Chương. Bà chỉ cho chúng những tấm bia khắc ghi tên tuổi những người đỗ đạt, được lưu danh sử sách, làm rạng rỡ truyền thống quê hương. Rồi bà khuyên bảo chúng phải cố gắng học hành để có thêm niềm hy vọng trong cuộc đời...

Tiếng trống trường đã điểm, bao em thơ tung tăng, vui sướng với quần áo, sách vở mới khi được bố mẹ dẫn bước tới trường. Vì hoàn cảnh, không được bố mẹ dắt tay đến lớp nhưng những đứa trẻ bất hạnh ở xóm Kim Thanh được đón nhận tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu của bà Vương Thị Quế, sự quan tâm của nhà trường và cộng đồng, đoàn thể. Chính điều ấy sẽ nâng bước các cháu trên con đường đi tới tương lai.

Công Kiên

Mới nhất
x
Hành trình yêu thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO