Háo hức Hội Hang Bua

(Baonghean) Sáng 2/3, Lễ hội Hang Bua ở bản Hồng Tiến 2 (Châu Tiến – Quỳ Châu) đã chính thức khai hội năm 2013. Đây là lần thứ 17 Lễ Hội hang Bua được chính quyền và nhân dân Quỳ Châu tổ chức vào các ngày 21, 22 và 23 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Sáng Xuân vùng cao, cái lạnh se se đưa bước đoàn người nườm nượp vượt con dốc Bù Bài về hang Bua đi hội. Không vội vã, huyên náo. Ven lối vào bản, những tốp sơn nữ trong trang phục truyền thống người Thái thong dong đến hội. Dẫu không còn xa lạ với hội Hang Bua, nhưng mỗi năm chỉ có một dịp nên ai nấy đều háo hức, nghiêm trang với ngày hội lớn bậc nhất của vùng núi miền Tây Bắc Nghệ An.

        Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu Lang Văn Chiến đánh trống khai hội hang Bua.

…Trước đó, vào chiều 1/3, trại dự thi của các đơn vị đã được dựng lên chuẩn bị cho lễ hội. Mỗi trại mỗi vẻ nhưng tất cả đều hướng đến một tôn chỉ “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền tây xứ Nghệ”. Nhiều trại thi trang trí có rượu cần, cồng chiêng, cây hoa trong hộ xăng khan. Đêm trước khai hội là những tiết mục văn nghệ mừng Đảng, ngợi ca công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh do đội văn nghệ Huyện ủy Quỳ Châu và các đơn vị tham gia lễ hội biểu diễn, trong đó có bài hát nhuôn (dân ca Thái) khá đặc sắc của đơn vị xã Châu Thuận. Bài ca có tiếng đệm của nhạc cụ dân tộc miền núi (pí) nói về bản làng đổi mới, những công trình giao thông mới xây dựng trên quê hương Quỳ Châu. Nhờ ơn Đảng mà quê hương có được những đổi thay này.

Từ sáng sớm, không khí lễ hội đã rộn rã khắp các bản lân cận hang Bua. Tiếng hát khắp vọng đến từ các trại dự thi. Những mế già vận váy áo Thái đa dạng các hình thêu mặt trời, mặt trăng, hươu nai, hoa lá...  7h30 sáng là lễ tế tại đền thờ bên cửa hang. Sản vật và hương trầm được chủ lễ dâng lên các vị thành hoàng đã làm nên lịch sử của vùng Chiềng Ngam (mường đẹp), tên gọi xưa của khu vực Hang Bua.

…Lễ hội Hang Bua là điểm sinh hoạt tâm linh của người miền núi vùng Phủ Quỳ xưa gắn với chuyện tình của chàng Khủn Tinh và chuyện về cuộc giao tranh của những vị khai bản lập mường với Thần Núi (Phí Pu), Thần Nước (Phí Nặm). Lễ hội Hang Bua vốn có từ xa xưa và từng vắng bóng một thời gian dài, được chính quyền và nhân dân Quỳ Châu khôi phục vào năm 1996 và tổ chức liên tục vào mỗi dịp đầu năm. Quỳ Châu là vùng đất giàu truyền thống còn lưu giữ được những nét văn hóa bản địa như rượu cần, múa sạp, khắc luống... Đây cũng là miền đất gắn với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV, trong đó có “trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật” đã đi vào lịch sử dân tộc.

Sôi động là phần hội với màn múa mới rượu cần kể lại quy trình làm nên thứ sản vật này, từ khâu giã gạo, múc nước cho đến khi ché rượu cần đem ra mời làng bản. Đáng chú ý có màn thi thuyết minh cách chế biến men rượu cần bằng tiếng Thái của 3 đơn vị xã Châu Tiến, Châu Nga và Diên Lãm, được xem sẽ khơi dậy được nghề nấu rượu cần đang có nguy cơ mai một tại địa phương.

                                                       Điệu múa sạp.

Hội múa sạp thu hút được nhiều người xem hơn cả. Những phụ nữ Thái trong điệu múa sạp, lúc khoan thai, khi dồn dập, khéo léo nhịp nhàng. Tại đây, bất cứ ai cũng có thể tham gia và được những “người bản” hướng dẫn điệu múa một cách tận tình.

Phần thi người đẹp Hang Bua thu hút được hầu khắp các đơn vị tham gia lễ hội cùng dự thi. Đêm se lạnh, lất phất mưa xuân nhưng đông đảo bà con đã đến dự khán, cổ vũ cho các thí sinh. Đây là một phần hấp dẫn bậc nhất trong ngày hội. Nữ sinh Vi Thị Bích (bản Tat Sỏi – Châu Hạnh – Quỳ Châu) nhận xét: “Em thấy các thí sinh đều rất thông minh trong ứng xử, trang phục phù hợp”. Giải người đẹp Hang Bua năm 2013 thuộc về chị Cù Thị Yên, đơn vị UBND huyện Quỳ Châu.

Ngày cuối cùng của Lễ hội Hang Bua (3/3) tiếp tục diễn ra phần thi cuốn hương trầm, một đặc sản khác của vùng rừng núi Quỳ Châu. Tại hội thi, những thí sinh tái hiện lại quy trình các công đoạn sản xuất hương trầm, qua đó góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Đã là ngày cuối của mùa hội nhưng dường như chưa ai muốn rời bỏ cuộc vui. Trai bản, gái mường vẫn tụ lại ném còn. Người ta vẫn muốn ngồi lại bên nhau trong trại thi, dùng dằng chưa muốn về bản.

Dù đã 68 tuổi nhưng cụ bà Lê Thị Di ở xã Mường Nọc (Quế Phong) đã không bỏ sót mùa lễ Hang Bua nào. Bà Di cho biết, đã gặp được cụ ông trong lần đi hội Hang Bua cách đây hơn 40 năm và sống với nhau đến răng long, đầu bạc. Bây giờ  mỗi kỳ lễ hội, bà đều đến để ôn lại kỷ niệm xưa. Bà Lê Thị Di nói bằng tiếng Thái: “Mẹ nhờ cháu nội chở xuống đây từ chiều hôm qua. Năm nào mẹ cũng đi trước hội chính 1 ngày”.

Chị Hoàng Thị Diệu Thúy (Tây Trà – Quảng Ngãi) tỏ ra rất thích thú không gian của lễ hội. Chị cho biết, đây là lần đầu tiên đến Quỳ Châu và thưởng thức múa sạp, khắc luống. Bản thân chị rất thán phục trước vẻ đẹp và sự uyển chuyển nhịp nhàng trong những điệu múa sạp của phụ nữ Thái ở Quỳ Châu và hy vọng sẽ còn nhiều dịp đến với những mùa lễ hội Hang Bua sau này.

Nhận xét về Lễ hội Hang Bua, du khách Vi Thị Phiên nói thêm: “Nếu ban tổ chức bố trí các hàng quán, khu vui chơi giải trí, hội chợ tách biệt với khu vực lễ hội thì lễ hội sẽ tôn nghiêm hơn…”.

Hữu vi

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.