Hậu AFF Cup, giá trị chuyển nhượng nhiều cầu thủ Việt Nam dự đoán tăng chóng mặt
(Baonghean.vn) - Với thành công của các đội tuyển U23, Olympic và ĐTQG Việt Nam trong năm vừa qua, giá trị của các cầu thủ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên rất cao so với những con số từng được ghi nhận trên TTCN từ trước đến nay.
Từ những vụ chuyển nhượng đình đám
Sau thành công tại AFF Cup 2008, Công Vinh đã có giá 7 tỷ đồng ~ 350.000$ ở thời điểm đó. Ảnh: Internet |
Năm 2004, bóng đá VN bắt đầu có cú đột phá đầu tiên trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ khi tiền vệ Trần Trường Giang của Tiền Giang sau khi chơi rất thành công ở Tiger Cup 2002 đã được đội Bình Dương mua về với giá 1 tỷ đồng và được trả mức lương 15 triệu đồng/tháng. Thời đó, số tiền này được xem là cú hích lớn cho những nội binh có tiềm năng nỗ lực phấn đấu, đồng thời nó cũng mở ra thời kỳ mới cho các CLB săn lùng những cầu thủ nội có chất lượng để tăng cường vào đội hình của mình.
Năm 2008, thị trường chuyển nhượng Việt lại lên cơn sốt khi tiền đạo Lê Công Vinh được bầu Hiển mua về Hà Nội T&T với giá 7 tỷ đồng. Con số này sau đó lại bị qua mặt khi hàng loạt cầu thủ được chuyển nhượng trong năm 2009 như Như Thành về Vissai Ninh Bình gần 8 tỷ đồng kèm mức lương 50 triệu đồng/tháng.
Đặc biệt sau mùa bóng 2010, các đại gia mới nổi như Navibank Sài Gòn và Xuân Thành Sài Gòn đã phá giá chuyển nhượng với con số “khủng” 9 tỷ đồng/3 năm cho chân sút Quang Hải (từ Khatoco Khánh Hòa về Navibank Sài Gòn) và 12 tỷ đồng/3 năm cho trung vệ Lê Phước Tứ (từ Lam Sơn Thanh Hóa về Xuân Thành Sài Gòn).
Không chỉ mua Quang Hải và Phước Tứ, 2 đội bóng TP.HCM này còn tung tiền ra mua Phan Văn Tài Em (7 tỷ đồng/3 năm), Nguyễn Anh Tuấn (6 tỷ đồng/3 năm), Lê Sỹ Mạnh (5 tỷ đồng/3 năm), Lương Văn Được Em (5 tỷ đồng/3 năm), Nguyễn Minh Đức (5 tỷ đồng/3 năm) với mức lương đều từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/tháng; Trần Duy Quang, Trần Trường Giang, Nguyễn Hoàng Vương, Trương Văn Hải về chơi một mùa khoảng 1 tỷ đồng và mức lương khoảng 25 triệu đến 30 triệu đồng/tháng. Còn Minh Phương từ ĐTLA ra SHB Đà Nẵng với giá xấp xỉ 5 tỉ đồng.
Như vậy có thể thấy được ở thời điểm đó, những cầu thủ tài năng nhất của BĐVN đã được định giá rất cao thậm chí trên cả con số 500.000$, nên không khó hiểu khi với tài năng của mình cùng với những thành công của các cấp ĐTVN trong năm vừa qua, những con số về giá trị chuyển nhượng được đội lên gấp nhiều lần.
Những người hùng ngày hôm nay
Trong lứa cầu thủ vừa mới vô địch AFF thì Quế Ngọc Hải là cái tên đầu tiên tìm được bến đỗ mới khi anh chuyển từ SLNA sang CLB Thể Công, hợp đồng có thời hạn 3 năm với mức phí lót tay 3 tỷ đồng/1 năm.
Trên các trang quốc tế về định giá cầu thủ hiện tại, cũng đã có mặt một số gương mặt của ĐTVN nhưng số tiền được các nhà chuyên môn đặt ra bên cạnh những cái tên ấy là chưa thực sự xứng đáng.
Nổi bật nhất trong những cái tên được định giá cao nhất là tuyển thủ xứ Nghệ, Trọng Hoàng với mức giá 100.000$ tương đương 2,3 tỷ đồng. Con số này phản ánh không đúng với thực tế về mức giá của Trọng Hoàng trong những cuộc chuyển nhượng gần đây từ SLNA đến B.BD sau đó về FLC.Thanh Hóa. Vậy nên những con số trên chỉ ở mức tham khảo và nhiều cái tên khác của ĐTVN hiện tại không được định giá ở các trang này.
Cầu thủ được yêu thích nhất Việt Nam 2018, tiền đạo Công Phượng, trong 21 lần ra sân trong màu áo tuyển quốc gia, cầu thủ xứ Nghệ ghi 5 bàn (hiệu suất 0,24 bàn/trận). Sau thành công của U23 châu Á, Công Phượng được CLB Buriram United, Thái Lan định giá 70 tỷ, tuy nhiên thương vụ chưa đi đến ký kết và bầu Đức cũng khẳng định “Công Phượng không phải để bán”.
Nhiều người còn hoài nghi về con số chuyển nhượng 70 tỷ. Tuy nhiên, so sánh tương quan với chân sút Stefano Lilipaly của Indonesia, Công Phượng không hề thua kém nếu không muốn nói là nổi bật hơn nhiều trong thời gian gần đây.
Cũng nằm trong thành công của đội U23 Việt Nam, thủ môn Bùi Tiến Dũng được định giá gần bằng Công Phượng (70 tỷ đồng). Tuy nhiên về thành tích cấp CLB anh chỉ giành 1 Á quân V.League.
Thành công lớn nhất của cầu thủ này với những pha cản phá xuất thần góp phần không nhỏ vào chiến tích U23 châu Á của tuyển Việt Nam. Nếu so về sự ổn định thì Bùi Tiến Dũng tạm thời có chút lép vế hơn. Tuy nhiên, Bùi Tiến Dũng còn rất trẻ và anh còn có nhiều cơ hội để tiếp tục hoàn thiện mình. Có thể khẳng định, nếu so sánh tương quan với thế hệ trước, thì lứa cầu thủ hiện tại của tuyển Việt Nam đang thể hiện những tố chất, thành tích cũng như chuyên môn nổi bật.
QBV Việt Nam 2018 năm nay mới chỉ bước sang tuổi 21 và Quang Hải đang được rất nhiều CLB ở nước ngoài để ý. Ảnh: Duy Anh |
Với TTCN bóng đá Việt thì giá trị hiện tại của các tuyển thủ ĐT Việt Nam đang dễ dàng được thổi lên rất lớn, sẵn sàng có những bản hợp đồng đặt bút ký với mức giá hàng chục tỷ. Với tài năng và độ tuổi còn rất trẻ của mình, người hâm mộ cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu, Phan Văn Đức... có những lời đề nghị từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Những con số trên thị trường hiện tại chưa thể nói đúng giá trị thực của cầu thủ, bởi Việt Nam chưa hình thành thị trường chuyển nhượng đúng nghĩa. Trong khi thị trường khu vực, các giải đấu đều không trong khuôn khổ FIFA, nên để hình thành nên một thị trường chuyển nhượng chuyên nghiệp, định giá sòng phẳng giữa ông bầu với cầu thủ sẽ vẫn còn ở tương lai.