“Hậu phương” của ngư dân Quỳnh Phương

05/09/2012 16:22

(Baonghean) - Gần 10 năm bám biển, hiểu được nỗi gian nan, vất vả của ngư dân, sau khi có vốn, anh chuyển đổi sang kinh doanh hàng hải sản tươi sống. Doanh nghiệp tư nhân Phương Danh của gia đình anh mỗi ngày thu mua, bảo quản hàng tấn tôm, cá, cua, mực cho người dân trong vùng, đảm bảo đầu ra ổn định và tăng giá trị sản phẩm. Ngư dân Quỳnh Phương xem doanh nghiệp tư nhân Phương Danh như là “hậu phương” của mình...

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề biển ở xóm Hồng Thái (xã Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu), tròn 18 tuổi, Đậu Như Danh lên đường nhập ngũ. Năm 1984, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về tham gia hợp tác xã khai thác hải sản Quyết Tiến. Thời gian này anh nhận thấy nhiều loại hải sản của bà con ngư dân khai thác được, bảo quản theo phương pháp truyền thống và đem tiêu thụ trên địa bàn huyện nên giá trị không cao, không tương xứng với công sức bỏ ra. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường tại thành phố Vinh, Hà Nội và một số thị trấn, thành phố khác, anh quyết định chuyển sang làm dịch vụ thu mua hàng hải sản tươi sống xuất khẩu.



Doanh nghiệp của anh Đậu Như Danh, người được coi là hậu phương của bà con ngư dân.

Với phương châm vừa làm kinh doanh, dịch vụ vừa mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, không ngừng đáp ứng quyền lợi của ngư dân và nhu cầu thiết thực của khách hàng, anh xây dựng 2 cơ sở thu mua, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, đảm bảo vệ sinh môi trường tại bến cá cửa Cờn xã Quỳnh Phương; 1 cửa hàng cung cấp nhu yếu phẩm cho bà con ngư dân trên các tàu cá, giải quyết công ăn việc làm ổn định hàng năm cho từ 15 đến 20 lao động với mức lương từ 2,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng và lao động thời vụ từ 25 đến 35 người với mức lương 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh dành thời gian đi học tập kinh nghiệm bảo quản hàng hải sản tươi sống tại Cửa Lò, Sầm Sơn; tìm tòi tài liệu và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, dạy nghề bảo quản chế biến thủy hải sản xuất khẩu do Ban khuyến ngư và Hội Nông dân các cấp tổ chức. Từ những kiến thức và kinh nghiệm học tập được anh hướng dẫn, truyền thụ lại cho bà con ngư dân để họ nắm được phương pháp bảo quản theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, để hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng và bán được với giá cao. Nhờ đó, sản phẩm đánh bắt được của ngư dân Quỳnh Phương không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong huyện, thành phố Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào và cung cấp cho một số nhà máy đông lạnh để xuất khẩu sang các nước khác, nên giá trị sản phẩm và thu nhập tăng thêm của bà con ngư dân so với trước đây lên đến hàng trăm triệu đồng.

Năm 2001, anh được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội nông dân thôn Hồng Thái. Với trách nhiệm của mình, khi nguồn vốn dư dả, anh quyết định hỗ trợ vốn cho các tàu cá để giúp đỡ các hội viên, ngư dân nghèo chuyển đổi nghề đánh bắt, vươn ra xa bờ, có điều kiện áp dụng các phương pháp bảo quản tiên tiến và vận động xây dựng quỹ chi hội cho các hội viên nghèo vay vốn không lãi để đầu tư sản xuất. Chi hội ban đầu chỉ có 24 hội viên, sau đó các nông dân khác đã tự nguyện xin gia nhập với 102 hội viên.

Năm 2008, anh được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Khuyến ngư của xã. Nhận nhiệm vụ mới, anh trăn trở tìm cách nâng cao giá trị đánh bắt, hiệu quả khai thác cho ngư dân. Anh vận động bà con ngư dân xã Quỳnh Phương chuyển đổi nghề đánh bắt bằng ánh sáng cho giá trị thấp, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản sang khai thác lưới rê tầng đáy, chuyển đổi nghề đánh bắt ven bờ sang khai thác xa bờ để tăng sản lượng, giá trị khai thác; thành lập 8 tổ, đội hợp tác đánh bắt; tổ chức tập huấn thuyền trưởng, máy trưởng, tuyên truyền Luật biển cho ngư dân, tổ chức cắm cờ Tổ quốc trên các tàu thuyền, phối hợp để hỗ trợ khi gặp nạn, đối phó với thiên tai, bão lụt, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hiện nay, gia đình anh đã đầu tư gần 2 tỷ đồng cho 70 tàu cá hoạt động; trao đổi hàng hoá không lãi suất. Hàng năm thu mua từ 230 - 270 tấn sản phẩm cho như dân; nhận giúp đỡ 2 - 3 hộ thoát nghèo bằng hình thức hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bảo quản, chế biến sản phẩm và cho vay vốn không lãi suất từ 25 đến 40 triệu đồng/hộ/năm. Chị Giang Cự (thôn Hồng Thái) cho biết: “Trước đây, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2011, được anh Danh cho vay không lãi suất gần 30 triệu đồng, hướng dẫn cách làm ăn, nay đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá. Tôi thực sự rất biết ơn anh...”

Với những đóng góp cho ngư dân Quỳnh Phương, anh Đậu Như Danh vinh dự được TƯ Hội Nông dân, UBND tỉnh tặng Bằng khen, cùng nhiều Giấy khen của Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh. Anh là điển hình tiêu biểu của Nghệ An được tuyên dương tại hội nghị sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc năm 2012.


Thanh Phúc

Mới nhất

x
“Hậu phương” của ngư dân Quỳnh Phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO