Ở Nghệ An có nhiều đội tàu đánh bắt xa bờ, có những chuyến đánh bắt kéo dài cả tháng trời. Chồng, con lênh đênh biển cả, phụ nữ vừa lo thu vén việc nhà, vừa đảm đương công việc hậu cần nghề cá: bán buôn, vận chuyển, chế biến... Ảnh: CSCC Trước mỗi chuyến ra khơi, người vợ, người mẹ chuẩn bị chu đáo cho các thuyền viên lương thực, thực phẩm. Ảnh: T.P Tàu cập bến, xuất bến liên tục, công việc của chị em làng biển ở các cảng cá chẳng lúc nào ngơi tay. Họ trở thành cửu vạn bốc dỡ cá từ tàu, thuyền xuống bến. Ảnh: T.P Cá được đưa xuống cảng, công việc như đã được “lập trình” sẵn, họ nhanh tay phân loại cá để chủ thuyền bán cho thương lái. Ảnh: T.P Những sọt cá nặng vài chục cân liên tục được bốc xếp, có những người phụ nữ, sức vóc nhỏ nhắn nhưng mỗi ngày oằn mình bưng vác hàng tạ cá. Ảnh: T.P Những bàn tay bạc phếch, da nhăn nheo vì ngâm trong nước đá, trong mùi tanh của cá, tôm. Ảnh: T.P Những người phụ nữ luống tuổi làm công việc gánh cá thuê tại cảng để đổi lấy mỗi ngày 150.000-200.000 đồng tiền công. Ảnh: T.P Nhiều người nhanh nhạy hơn thì lấy cá tại bến đi bán ở các chợ dân sinh trong tỉnh, kiếm thêm “đồng ra, đồng vào”. Ảnh: T.P Một số chị em lại làm nghề nướng cá, phơi cá… cho các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn. Ảnh: T.P Có rất nhiều chị em năng động, mạnh dạn làm chủ các cơ sở chế biến hải sản khô, nước mắm, ruốc… tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: T.P Thuyền ra khơi, ở lại trên bờ, họ lại bắt tay vào vá lưới, chuẩn bị ngư cụ cho những chuyến biển tiếp theo. Ảnh: T.P Những người phụ nữ làng biển chính là hậu phương vững chắc, là điểm tựa giúp những ngư dân “ăn sóng nói gió” vững lòng với khát vọng vươn tới những ngư trường rộng lớn, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ảnh: T.P
Clip: T.P
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO