Hậu trường loang lổ
(Baonghean) - Người ta thường nói: Sau niềm vui là nỗi buồn, sau ánh hào quang của vinh quang là bóng tối của nhọc nhằn. Và cuộc đời vốn vẫn diễn ra với 2 mặt của một vấn đề như phạm trù triết học. Tuy nhiên, trong cuộc sống, đừng chạy đua theo những hào nhoáng nhất thời để rồi hắt hủi, lãng quên những góc khuất nhỏ nhoi, mà như bài viết "Quả bóng hay khối u" của tác giả Hải Triều đăng trong trang 4 - 5 số Nghệ An Cuối tuần ngày 22/6 đã đề cập đến.
Giải vô địch bóng đá thế giới (tiếng Anh: FIFA World Cup) là giải đấu bóng đá quốc tế do Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức 4 năm một lần cho tất cả các đội tuyển bóng đá quốc gia của những nước thành viên FIFA. Giải lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1930, và chỉ bị gián đoạn 2 lần vào các năm 1942 và 1946 do chiến tranh thế giới thứ hai. Với tầm ảnh hưởng đồ sộ của mình, World Cup đã thực sự trở thành "cơn sốt" của nhân loại, là ngày hội của thế giới.
Bóng đá, về nguyên lý là đẹp, mà muốn đẹp thì phải sạch.Thế nhưng, bức ảnh "Hai mặt Brazil" thì cho người ta biết đến một hậu trường loang lổ phía sau ánh hào quang rực rỡ của trái bóng Brazuka. Mặc dù đã được chụp cách đây khoảng 1 năm khi Brazil đăng cai Confederation's Cup nhưng việc xuất hiện ngay sau trận khai mạc World Cup lại khiến dư luận dậy sóng vì vấn đề bất bình đẳng xã hội ở Brazil. Tác giả viết: "Trước khi World Cup mở màn, mình đã từng được xem không ít bức ảnh phản ánh công tác chuẩn bị ở Brazil. Có khẩn trương, có quy mô, có tiêu chuẩn, chỉ thiếu mỗi một thứ, ấy là lòng nhân đạo". Một câu thật đáng xót xa. Ai cũng biết, hướng về World Cup là hướng về văn hóa, văn minh, nơi loài người hội tụ để chung niềm vui, đam mê của hòa bình và trong sáng.
Thế nhưng, cái điều thiếu ở đấy lại là lòng nhân đạo, chính tại nơi người ta cần thể hiện sự văn minh nhất. Cũng là 2 mặt trong 1 vấn đề. Để đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh, Brazil đã đuổi nhiều người dân khỏi nơi sinh sống. Kinh phí tổ chức World Cup lên tới 11 tỷ USD đã thực sự bóp nghẹt tầng lớp lao động ở Brazil, vắt kiệt mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người nghèo khổ. Kết quả mà họ nhận được là dịch vụ y tế, giáo dục, hệ thống nhà ở tồi tàn, là những cuộc truy quét khiến hàng trăm người đột ngột “mất tích”… Tác giả Hải Triều đã làm người đọc nghẹn lòng khi bình luận sự việc này, như chính cảm xúc của người xem khi đối diện bức ảnh "Hai mặt Brazil": "Bị hắt hủi trên chính đất nước của mình để nhường chỗ cho khách tứ xứ về xem World Cup, có khi nào họ đang ao ước rằng trên thế giới này đừng bao giờ tồn tại bộ môn túc cầu?".
Cũng theo mạch viết này, Hải Triều đã đưa vấn đề lên một tầm cao hơn khi dĩ nhiên là vẫn ủng hộ World Cup, ngày hội mà cả thế giới mong chờ. Thế nhưng, như bài viết đã nói: "Nhưng thú vui nào cũng cần có giới hạn của nó, ở một tầm xa xôi, là những cổ động viên vô tư đến vô tâm, không nghĩ thử xem mai này khi WC hạ màn, sẽ còn lại gì trên đất nước chủ nhà? Một núi rác? Một loạt những người bản địa mất đi nơi ăn chốn ở? Một xã hội "rối loạn chức năng" vì những tệ nạn như cá độ, sử dụng chất kích thích, mại dâm được bùng phát nhằm phục vụ giới hâm mộ bóng đá?". Với một góc nhìn tỉnh táo phía ngoài cơn cuồng say của các tín đồ túc cầu giáo, tác giả đã thực sự rất nhân đạo khi chỉ ra những hệ lụy mà người nghèo, những tầng lớp người cơ bản của xã hội sẽ phải gánh chịu khi ánh hào quang vụt tắt, nhường chỗ cho sự thực trần trụi, đó là đói nghèo và tiếp tục tăm tối.
Hâm mộ bóng đá, đam mê bóng đá, điều đó là điều hoàn toàn bình thường, như “một phần tất yếu” để “cuộc sống thêm thú vị”. Nhưng đam mê đến mức “quên ăn, quên ngủ” vì bóng đá, để đến nỗi “Đột tử sau 3 đêm thức trắng xem World Cup” như một số trường hợp báo chí đưa tin thì “chẳng hay ho tý nào”. Còn ở một tầm gần với mỗi chúng ta, là cuộc sống, sinh hoạt, làm việc bị xáo trộn. Có những công chức, thức trắng đêm xem bóng đá, sáng đến cơ quan mặt mày phờ phạc, ngáp ngắn, ngáp dài, bê trễ công việc vì bóng đá. Rồi những xô xát, mâu thuẫn nảy sinh khi những đức ông chồng vì ham bóng đá, tụ tập ở quán cà phê, quán nhậu, quên cả đường về nhà?
Đáng báo động nhất, khi tiếng còi World Cup khai cuộc, cũng là lúc nạn cá độ bóng đá “vào mùa”. Ngày 15/6 vừa qua, CA Thị xã Thái Hòa đã bắt 2 ổ nhóm cá độ bóng đá với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. Đối tượng cá độ cũng “muôn hình vạn trạng”, học sinh, sinh viên có, người lao động có, công nhân viên chức có… Và hình thức cá độ cũng “nở rộ như nấm sau mưa”, số tiền cá độ gia tăng dần sau mỗi trận đấu, theo máu đỏ đen của từng người. World Cup trở thành “sân chơi cờ bạc” trá hình. Mà sau mỗi đêm, mỗi trận đấu, có nhiều gia đình khuynh gia bại sản; của cải trong nhà đội nón ra đi, vợ chồng cãi cọ, xô xát; đánh nhau, tự tử vì thua cá độ.
Tác giả đưa ra quan điểm: “Mình không kì thị World cup, cũng không kiến nghị là phải bỏ World cup đi. Không phải tự nhiên mà cả thế giới háo hức mong chờ, phấn khích đến mức điên cuồng vì một sự kiện 4 năm mới có một lần. Nhưng thú vui nào cũng cần có giới hạn của đam mê…”.
Và giới hạn đó do chính chúng ta tự vạch ra để giữ “khoảng cách an toàn”. Đó chính là hãy đam mê bóng đá một cách trong sạch, lựa chọn những trận đấu đáng xem, tránh việc thức đêm nhiều để ảnh hưởng đến kết quả làm việc của các bạn. Hãy lựa chọn, cân chỉnh đồng hồ sinh học của mình để không làm ảnh hưởng đến công việc, một nguồn thu nhập chính của bạn. Và đặc biệt, tuyệt đối không thử dù chỉ một lần, việc cá độ bóng đá, bởi nó không phải là chất gây nghiện mà là một hình thức gây nghiện. Cuộc sống của bạn đang tốt đẹp hạnh phúc nên đừng tự mình tước đi những điều đó chỉ vì thấy những đồng tiền bất chính từ đỏ đen. Nó sẽ lại kéo bạn vào cái vòng luẩn quẩn mà chính bạn cũng khó có thể dứt ra nổi. World Cup là ngày hội cho tất cả những người yêu mến bóng đá muốn thưởng thức những trận cầu đỉnh cao và vẻ đẹp tinh hoa của nó. Đừng để những câu chuyện bên lề làm xấu đi hình ảnh của bóng đá.
Người xây dựng