Hãy để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

06/09/2014 21:50

(Baonghean) - Trong truyện ngắn Tôi đi học, nhà văn Thanh Tịnh đã tả ngày khai trường như sau: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”. Đúng vậy, ngày khai trường, nhất là buổi khai trường đầu tiên trong cuộc đời học sinh luôn để lại những cảm xúc khó tả, mà như chữ của Thanh Tịnh đã dùng là “hoang mang”, vì lẫn lộn quá nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng đó là ngày xưa, khi mà ngày tựu trường cũng là ngày khai trường. Còn hôm nay, các em đã tựu trường trước ngày khai giảng gần cả tháng, nên độ đợi chờ, háo hức không còn được như trước. Khiến cho ngày khai trường mất đi những cảm xúc tươi mới và đẹp đẽ của ngày mở đầu một năm học. Đó có lẽ là một thiệt thòi cho học trò thời nay và cần xem xét lại là có nên tiếp tục như thế nữa hay không.

Thường trong ngày khai trường, người ta hay nói nhiều đến những kỳ vọng đẹp đẽ mà tránh nhắc những chuyện không vui. Nhưng thật lòng mà nói, ngành Giáo dục năm qua vẫn còn ngổn ngang quá nhiều chuyện, nhiều việc dang dở khiến trong ngày khai trường vẫn không thể gạt bỏ được những suy tư, lo lắng. Chưa cần nói việc đâu xa, nội chỉ ngày khai trường cũng có không ít chuyện để nói, để bàn. Chẳng biết tự khi nào, ngày khai trường ở không ít nơi không còn dành riêng cho học trò mà trở thành một buổi lễ nặng về phô trương, hình thức.

Cùng với “trống dong, cờ mở” mà học trò đã phải mướt mồ hôi tập luyện trước đó nhiều ngày, là những bài diễn văn, bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn, nội dung cứ na ná như nhau, thưa gửi thì dài dằng dặc, đầy những ngôn từ sáo rỗng. Người thì khoe thành tích của nhà trường, người thì thay mặt chính quyền, ban, ngành huấn thị, chỉ đạo, mặc cho hàng trăm học trò - chủ nhân chính của ngày khai trường phải mệt mỏi, căng mình ra chịu đựng dưới nắng quái ngày thu. Buổi tựu trường lẽ ra phải tràn ngập niềm vui và ấp áp tình thầy trò sau mấy tháng hè xa cách, lại trở thành một ngày đầy mệt mỏi và rất không đáng nhớ.

Dẫu biết “nói thật mất lòng”, nhưng vẫn phải nói ra như thế để ngành Giáo dục loại khỏi tư duy của mình những lối mòn sáo rỗng, hình thức, trả lại sự chân thực, trong sáng cho ngày khai trường, để nó mãi mãi là ngày hội đích thực của thầy và trò. Còn nói rộng ra thì năm học nào cũng có định hướng, có chủ đề, nhưng rồi giáo viên nhanh chóng quên đi học trò thì không biết, không nhớ. Suốt mấy năm nay, cả người dạy lẫn người học cứ nhấp nhổm không yên. Bởi thỉnh thoảng lại rộ lên, rực lên chuyện đổi mới thế này, thế nọ, rồi lại đâu vào đó. Chẳng có gì thay đổi, cả thầy và trò vẫn cứ là đối tượng cho các cuộc thí nghiệm, thử nghiệm đổi mới của ngành Giáo dục.

Sau ngày khai giảng cờ quạt tưng bừng với những lời hoa mỹ là đến những ngày mệt mỏi cho cả giáo viên lẫn phụ huynh học sinh bởi những khoản đóng góp đầu năm. Người thu thì ngần ngại, người đóng thì hoang mang, sao mà lắm khoản thế. Rồi thể nào cũng lại râm ran chuyện thu tiền để mua thiết bị dạy học, đồng phục, chỉ định đơn vị bán bảo hiểm cho trường... làm cho phụ huynh và học sinh có những suy nghĩ xấu về nhà trường (tất nhiên không phải là tất cả, nhưng cũng có thể khẳng định không phải là ít). Đã nhiều lần đề nghị tất cả nên đưa vào một khoản duy nhất là học phí mà vẫn không thực hiện được. Những chuyện, những việc bên ngoài nghiệp vụ sư phạm đó đã khiến cho môi trường học đường mất đi sự yên ả, trong sáng vốn có. Rồi những chuyện dạy thêm, học nếm làm cho người thầy đứng trên bục giảng lắm lúc không tránh khỏi phân vân, ngại ngùng trước học trò của mình. Còn các học trò, nhất là học trò ở các thành phố lớn, mỗi lần bước chân đến trường là một lần thử thách bởi sức ép bài vở, kiến thức quá nặng.

Ngành giáo dục đang tiến hành đổi mới toàn diện. Lộ trình, đường đi, nước bước thế nào chưa rõ. Nhưng xin trao đổi đúng một điều: Đổi mới gì thì đổi mới, nhưng hãy cố gắng loại bỏ hết những toan tính vụ lợi, việc làm hình thức cùng những băn khoăn, vướng mắc như đã nói và cố gắng biến mỗi ngày đến trường là một ngày vui cho cả thầy và trò. Bởi đơn giản là có vui tươi, phấn khởi, thì đầu óc mới nhẹ nhàng, thảnh thơi, thoải mái dễ truyền thụ và dễ tiếp thu kiến thức. Có thể coi đây như là một thông điệp gửi đến ngành Giáo dục nhân ngày khai trường: Hãy để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Duy Hương

Hãy để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO