Hãy là người tiêu dùng thông minh
(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Ma trận nước tinh khiết, đá lạnh” đăng ngày 11/5 nhận được số phiếu bình chọn bài hay với số phiếu cao thứ hai. Sau đây là lời bình dành cho bài viết...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một trong những nhu cầu hàng ngày của con người là nước uống. Nó cũng như nhu cầu hít thở, thiếu nước sẽ không thể duy trì sự sống. Hiện nay, tình trạng các sản phẩm nước tinh khiết, đá lạnh sạch - bẩn lẫn lộn như “ma trận”. Trong bài viết, tác giả nêu: “nước tinh khiết đóng bình từ... giếng khoan” của các cơ sở sản xuất nước tinh khiết: Mai Anh ở xóm 9, xã Hưng Lộc (TP.Vinh); Ngọc Phú ở chợ Viện, xã Tăng Thành; cơ sở sản xuất đá cây của ông Đông ở Diễn Ngọc (Diễn Châu); của ông Tâm ở Hợp Thành (Yên Thành);... Những hình ảnh tác giả “chộp” được không khỏi khiến ta rùng mình: người trực tiếp đóng bình nước trần trùng trục, không sử dụng đồ bảo hộ lao động để đảm bảo vệ sinh; đá cây để ngay trên nền nhà cáu bẩn, nhớp nhúa. Vị trí “đứng chân” của các cơ sở đó lại thường sát cạnh những nơi ô nhiễm nhất, như gần chợ, gần bệnh viện, gần chuồng gà,... Vậy mà họ vẫn vô tư dùng nước giếng khoan đóng bình bán cho người tiêu dùng uống. Bất chấp vi khuẩn, cặn bẩn độc hại lẫn trong nước, bất chấp sức khoẻ người tiêu dùng.
Dây chuyền sản xuất nước tinh khiết chi phí từ 50-70 triệu đồng |
Bình nước tái chế được quẳng ngổn ngang cạnh khu vực rác thải |
Không chỉ sản xuất nước tinh khiết... bẩn, mà đá cây cũng vậy. Nếu “chiếu” theo quy định về sản xuất đá lạnh đảm bảo an toàn thực phẩm thì “nước phải lấy từ độ sâu 90m, đạt 40 tiêu chí về kim loại nặng, thành phẩm đá phải đạt 22 tiêu chí... phải xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược và diệt vi khuẩn bằng tia cực tím... Chu trình sản xuất phải khép kín, hoàn toàn tự động”... thì các cơ sở đáp ứng yêu cầu trên địa bàn tỉnh ta chỉ... đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà theo thống kê của tác giả, chỉ riêng ở Diễn Châu đã có khoảng 10 “điểm” sản xuất đá lạnh. Điều đáng nói ở đây là tuy tiêu chí sản xuất đá cây của các cơ sở nói trên là “dùng để ướp lạnh”, tức chỉ dùng cho ướp lạnh thực phẩm, chủ yếu là cá, không dùng cho ăn uống. Vậy mà đá cây vẫn hàng ngày được sử dụng trong không ít các quán bia, nhà hàng, quán chè, quán nước mía,...
Vì lợi nhuận họ thờ ơ với sức khoẻ người tiêu dùng. Đó là các đại lý bán buôn, bán lẻ. Ông Trần Hải ở Diễn Thái (Diễn Châu), chủ một đại lý bán nước tinh khiết, cho biết: “Đại lý phân phối nhận hàng về bán nhưng chúng tôi chưa từng đến nơi sản xuất và không chắc chắn chất lượng có đúng như quảng cáo không”. Thậm chí các “thượng đế” trực tiếp sử dụng sản phẩm cũng vô trách nhiệm với bản thân không kém. Như trường hợp tác giả dẫn dụ: “Chị Thái Thị Thoa ở Bắc Thành, Yên Thành nói: Lâu nay cứ hết nước chỉ cần gọi điện là đại lý đem đến, nhà cũng không biết nước có thật sự sạch hay không”.
Như vậy, ý thức của chính người tiêu dùng đã “khuyến khích” nước tinh khiết, đá lạnh... bẩn có đất “dụng võ”. Vì vậy, thay vì chờ đợi “các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra quy trình sản xuất và chất lượng” đối với các sản phẩm này, mỗi chúng ta hãy là người tiêu dùng thông minh, biết quan tâm đến sức khoẻ bản thân; đừng vô tư “nạp” nước đá cây, nước uống không rõ nguồn gốc, không có thương hiệu vào người, để rồi “rước” bệnh lúc nào không hay...
Người xây dựng