Hãy quan tâm xứng đáng cho môn cử tạ
Mặc dù là một trong những môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic từ rất lâu, nhưng ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, môn cử tạ vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều người và chưa được đầu tư đúng mức. HLV Vũ Lê Hoàng của Trung tâm đào tạo, huấn luyện (ĐTHL) TDTT Nghệ An đã chia sẻ những trăn trở này với Báo Nghệ An.
(Baonghean) - Mặc dù là một trong những môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Olympic từ rất lâu, nhưng ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, môn cử tạ vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của nhiều người và chưa được đầu tư đúng mức. HLV Vũ Lê Hoàng của Trung tâm đào tạo, huấn luyện (ĐTHL) TDTT Nghệ An đã chia sẻ những trăn trở này với Báo Nghệ An.
PV: Ông là người đầu tiên đề xuất thành lập lớp Đào tạo VĐV cử tạ, đồng thời là HLV cử tạ đầu tiên của Trung tâm ĐTHL TDTT Nghệ An. Vậy từ khi thành lập đến nay, môn cử tạ đã giành được những thành tích gì?
HLV Vũ Lê Hoàng: Mãi đến năm 2004, môn cử tạ mới được Trung tâm ĐTHL TDTT Nghệ An đưa vào chương trình đào tạo huấn luyện. Năm 2005, Nghệ An cử đoàn VĐV đầu tiên tham gia giải trẻ toàn quốc. Trong chặng đường ngắn ngủi chưa đến 10 năm đó, các VĐV cử tạ của Nghệ An đã giành được khá nhiều thành tích.
Cụ thể, năm 2005 các VĐV cử tạ Nghệ An đã giành được 1 HCB, 1 HCĐ tại giải trẻ toàn quốc. Năm 2007 giành 3 HCB tại giải vô địch quốc gia, 3 HCĐ giải trẻ. Năm 2008 giành 2 HCB giải vô địch, 3 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ giải trẻ; 2 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ giải thanh thiếu niên toàn quốc. Năm 2010 giành 1 HCB, 5 HCĐ tại Đại hội TDTT toàn quốc; 5 HCV giải trẻ (trong đó có chiếc HCV xuất sắc của VĐV Đặng Đình Dương khi phá kỷ lục quốc gia nội dung cử đẩy). Năm 2011 giành 3 HCV, 5 HCĐ tại giải vô địch quốc gia, 3 HCV giải trẻ; 3 HCV, 4 HCB, 5 HCĐ tại giải thanh thiếu niên toàn quốc. Năm 2012 vừa qua, các VĐV Nghệ An đã giành được 3 HCV tại giải vô địch; 2 HCV, 1 HCB giải trẻ và 3 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ tại giải thanh thiếu niên toàn quốc.
Buổi tập của các VĐV cử tạ.
Như vậy có thể thấy là thành tích của cử tạ Nghệ An ngày càng tiến bộ và ngày càng ổn định. Cần lưu ý là bộ môn cử tạ Nghệ An hiện nay có 15 người thì có đến 14 người dưới 20 tuổi, người lớn tuổi nhất là Lê Thị Thắm (sinh năm 1992) liên tiếp hai năm qua đều giành trọn bộ 3HCV (cử giật, cử đẩy và tổng cử) ở hạng 69kg Giải vô địch toàn quốc. Lê Thị Thắm hiện đang tập trung ở đội tuyển Quốc gia chuẩn bị cho Sea games 2013 sắp tới.
PV: Ông có thể cho biết những khó khăn trong nhiệm vụ HLV của mình?
HLV Vũ Lê Hoàng: Khó khăn đầu tiên là tuyển chọn VĐV. Do cử tạ chưa có các lớp VĐV nghiệp dư như bóng đá và một số môn khác. Ở Nghệ An cũng chưa đưa môn thể thao này vào trường học nên chúng tôi phải tự tìm, phát hiện em nào có tố chất rồi đưa về trung tâm đào tạo huấn luyện từ đầu. Do môn thể thao này không phổ biến, nên đa số phụ huynh và các em cũng không hưởng ứng tích cực. Có nhiều trường hợp tập luyện được một thời gian rồi bỏ cuộc, nguyên nhân là tập luyện môn cử tạ đòi hỏi tiêu hao nhiều năng lượng, trong khi chế độ cho VĐV cử tạ ở tỉnh ta hiện nay rất thấp. Hầu hết các em phải tự bỏ tiền túi ra mua thêm các loại thực phẩm chức năng để bồi bổ cho đủ dinh dưỡng, nhất là giai đoạn chuẩn bị thi đấu. Do khó khăn thiếu thốn như vậy, nên nhiều VĐV không chịu nổi đã bỏ dở chừng, trong đó tiếc nhất là VĐV rất triển vọng Đặng Đình Dương - VĐV phá kỷ lục quốc gia nội dung cử đẩy ở giải cử tạ trẻ năm 2010, sau một thời gian luyện tập đã bỏ ra ngoài để đi làm việc khác kiếm sống. Hiện nay, môn cử tạ của Trung tâm chỉ cho biên chế 15 VĐV, nhưng mỗi năm phải tham gia 3 giải đấu: Giải thanh thiếu niên (13 – 16 tuổi), giải trẻ (15 – 20 tuổi) và giải vô địch Quốc gia. Mỗi giải đấu có 8 hạng cân cho nam và 7 hạng cân cho nữ. Như vậy chúng tôi có sắp xếp kiểu gì thì cũng không thể tham gia đầy đủ được.
Một khó khăn nữa là tìm đầu ra cho VĐV. Sau một thời gian thi đấu đỉnh cao, các em giải nghệ với hai bàn tay trắng rồi không biết về làm nghề gì?
PV: Vậy theo ông nên có giải pháp như thế nào để giải quyết những vấn đề này?
HLV Vũ Lê Hoàng: Theo tôi nên đưa môn cử tạ vào chương trình giáo dục thể chất trong trường học, ở TP. Hồ Chí Minh đã triển khai rất hiệu quả nên họ luôn có nhiều VĐV tốt nhất cả nước. Thứ hai là cần nâng cao chế độ cho các VĐV thể thao nói chung để họ có thể sống được với nghề và yên tâm tập trung thi đấu. Đối với VĐV cử tạ thì phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt thì mới đảm bảo thể lực để tập luyện. Thứ ba, cần có chính sách giải quyết đầu ra cho VĐV thể thao chuyên nghiệp, để sau những năm tháng cống hiến họ có việc làm ổn định. Và cuối cùng là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để môn cử tạ được nhiều người biết hơn, làm sao để người ta thấy được vẻ đẹp và sức hấp dẫn của một trong những môn thể thao lâu đời nhất này để yêu thích và tập luyện nó.
Hoàng Hảo (thực hiện)