Kinh tế

HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới

Xuân Hoàng 05/07/2024 12:53

Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Nghệ An.

Sáng 5/7, Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các đồng chí: Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

lam viec
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh sáng 5/7. Ảnh: Xuân Hoàng

Những tồn tại trong thực hiện xây dựng nông thôn mới

Sau khi đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đi khảo sát thực tế một số địa phương: Yên Thành, Tân Kỳ, Tương Dương, Nam Đàn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HĐND tỉnh nhận thấy bên cạnh những kết quả cao đã đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023, vẫn còn những tồn tại:

bao có
Đồng chí Cao Tiến Trung - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Xuân Hoàng

Đó là, việc ban hành, đề xuất sửa đổi một số nội dung về quy định, chính sách còn có bất cập, vướng mắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa kịp thời.

Công tác tuyên truyền trong thực hiện Chương trình có nơi còn hạn chế; đặc biệt là tại các huyện miền núi, dẫn đến có địa phương, có thời điểm, người dân chưa tập trung, quyết liệt với việc thực hiện Chương trình, có nơi sau khi đạt chuẩn rơi vào tình trạng thỏa mãn dẫn đến nguy cơ mất chuẩn.

Công tác quy hoạch, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch còn hạn chế; quy hoạch chưa gắn với nguồn lực, tính khả thi, chồng chéo, chậm được điều chỉnh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi khảo sát, tìm hiểu về sản phẩm tương Nam Đàn. Ảnh: Xuân Hoàng
Trước đó, đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh khảo sát, tìm hiểu về nông thôn mới ở Nam Đàn. Ảnh: Xuân Hoàng

Việc triển khai một số nội dung thành phần, chỉ tiêu, tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn, chưa khớp thực tế như cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tổ chức sản xuất, thu nhập... nhất là ở các huyện miền núi, kéo theo ảnh hưởng chính sách của người dân, dẫn đến tâm lý không muốn xây dựng nông thôn mới.

Công tác thẩm định để công nhận đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới có một số tiêu chí, nội dung đạt chất lượng chưa cao hoặc khó hoàn thành đáp ứng theo yêu cầu. Qua giám sát ở các huyện, xã thì các tiêu chí như: Thu nhập bình quân đầu người; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bảo hiểm y tế; tiêu chí giảm các hình thức vi phạm pháp luật trong khi các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, khó lường, nhất là tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao.

bao cao 1
Đồng chí Lục Thị Liên - Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Hoàng

Công tác sắp xếp, quản lý tài sản công sau sáp nhập các đơn vị hành chính mặc dù đã được tập trung chỉ đạo nhưng đến nay một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như trong việc thực hiện tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa xây dựng nông thôn mới, một số nhà văn hóa, công trình, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng bị bỏ không, lãng phí nguồn lực đóng góp của Nhân dân.

bna_yt.jpg
Khởi sắc nông thôn mới ở Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Việc triển khai kế hoạch vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình cho giai đoạn 2021 - 2025 còn chậm, thiếu nguồn lực thực hiện các chính sách trong khi công tác huy động nội lực ở một số địa phương chưa đủ mạnh.

Việc tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

bna_duong.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành nêu một số khó khăn khi các xã và huyện thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM hiện nay. Ảnh: Xuân Hoàng

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị có lúc, có nơi chưa đồng đều và thiếu quyết liệt.

Khá nhiều sản phẩm OCOP được sản xuất chủ yếu bằng thủ công, thiết bị công nghệ lạc hậu; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất còn hạn chế, chất lượng, mẫu mã chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP chưa được đẩy mạnh đúng mức.

tuong duong
Đồng chí Đinh Hồng Vinh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho rằng, cần điều chỉnh các tiêu chí thực hiện nông thôn mới cần phù hợp với vùng miền, đặc biệt quan tâm đến tiêu chí giao thông đối với các xã vùng miền núi. Ảnh: Xuân Hoàng

Cùng đó là, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc quy hoạch bố trí diện tích đất để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường tại các địa phương còn hạn chế; việc thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, điểm lưu trú, điểm vui chơi phục vụ du khách đến tham quan, du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu và một số nội dung khác như, việc triển khai thực hiện hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn cho các địa phương theo Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An hàng năm còn chậm; Phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn...

ong de
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Xuân Hoàng

Để thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho rằng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 3/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Lồng ghép, huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới.

Cùng đó, triển khai thực hiện 06 Chương trình chuyên đề theo chỉ đạo của Trung ương để phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương. Mặt khác, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo giữ vững và nâng cao việc thực hiện các tiêu chí đã đạt được, đồng thời chú trọng đến các nội dung tiêu chí nông thôn mới ở cấp thôn, bản.

Rà soát cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính bền vững, có chiều sâu, hoàn thiện để đáp ứng được các tiêu chí nông thôn mới các cấp độ ngày càng cao.

Rà soát các văn bản, chính sách có liên quan để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với các văn bản của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, chỉ đạo rà soát lại một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp, tham mưu HĐND tỉnh sửa đổi bổ sung các Nghị quyết về chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng có trọng tâm, tạo động lực phát triển nông nghiệp và đảm bảo cân đối đủ nguồn lực đảm bảo để thực hiện.

bna_khoi.jpg
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc, nhấn mạnh ngành nông nghiệp cần quan tâm đến công tác sản xuất giống cây, con đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Xuân Hoàng

Rà soát các loại quy hoạch như quy hoạch vùng, quy hoạch huyện, quy hoạch xã, quy hoạch rừng, quy hoạch đất... để có sự đồng nhất với quy hoạch tỉnh, có phương án xử lý, điều chỉnh phù hợp giữa các quy hoạch, nhất là các quy hoạch mới được phê duyệt.

Các địa phương cần quan tâm nâng cao chất lượng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, lao động, tổ chức sản xuất và và phát triển kinh tế nông thôn. Tập trung xây dựng các xóm, thôn, bản nông thôn mới, đặc biệt là đối với vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm nền tảng để xây dựng các xã nông thôn mới bền vững, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị các địa phương đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, có các chính sách phù hợp.

Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu, đa dạng hình thức quảng bá sản phẩm; chủ động tích cực tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm OCOP.

Nâng cao chất lượng thẩm định, lấy ý kiến, công nhận đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới; có kế hoạch thẩm định lại các đơn vị đã đạt chuẩn nông thôn mới các cấp độ, thẩm định lại chất lượng các sản phẩm OCOP theo quy định để đảm bảo mục tiêu bền vững trong quá trình thực hiện Chương trình.

Sâu sát, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh quy trình, thủ tục giải quyết các dự án nhà máy xử lý rác, nhà máy nước đã nộp hồ sơ như: Nhà máy xử lý rác ở Đô Lương, Nhà máy nước Bắc Diễn Châu.

Các địa phương cần có phương án giải quyết tình trạng hỗ trợ xi măng chậm cho các xã trong quá trình thực hiện nông thôn mới; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét, sửa đổi Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 để phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 39 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh có thêm 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 32 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Nâng tổng số xã nông thôn mới toàn tỉnh lên 319 xã/411 xã. Có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã nông thôn mới nâng cao lên 83 xã; 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 672 sản phẩm OCOP được đánh giá công nhận 3 sao trở lên, trong đó có 37 sản phẩm đạt 4 sao, 529 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm 5 sao. Trong đó từ năm 2021 đến 2023 có thêm 483 sản phẩm OCOP.

Mới nhất
x
HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO