Hệ lụy hôn nhân cận huyết thống

11/11/2013 19:48

(Baonghean) - Tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã và đang diễn ra nhiều năm nay ở các huyện vùng cao ở tỉnh ta. Đây là một trong những nguyên nhân làm suy thoái giống nòi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số vùng đồng bào các dân tộc…

Tình trạng hôn nhân cận huyết thống của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn chiếm từ 15% - 20% tỷ lệ các cặp vợ chồng kết hôn. Là người có nhiều năm công tác trong ngành dân số và cũng là người Mông, anh Mùa Xia Lữ - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Kỳ Sơn phân tích: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôn nhân cận huyết, trong đó lý do chính là tập tục. Họ có thể kết hôn rất sớm từ mười ba, mười bốn tuổi, người trong gia đình có thể lấy nhau ví như con o lấy con cậu, con bác lấy con dì, cháu lấy dì, chú lấy cháu, cháu lấy cô, con anh lấy con em…”

Một cuộc truyền thông về hôn nhân cận huyết thống ở Quỳ Hợp.
Một cuộc truyền thông về hôn nhân cận huyết thống ở Quỳ Hợp.

Từ thị trấn Kỳ Sơn, tôi ngược lên Nậm Cắn, nơi có gần 70% dân số là đồng bào Mông, còn lại là người Thái và người Khơ mú. Gặp chủ tịch xã Hờ Chống Nhía, ông vui vẻ khoe: Nhờ có đường nhựa lên thẳng Nậm Cắn, có nơi giao thương giữa hai nước Việt – Lào nên cuộc sống ở đây phát triển hơn nhiều so với các các nơi khác trong xã, riêng giáo dục đứng thứ 2 toàn huyện…Tuy nhiên, dù có phát triển đến đâu, thì đồng bào Mông ở đây vẫn chưa thoát khỏi những hủ tục đó là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và hiện vẫn còn tục bắt vợ…

Nói đâu xa, ngay trong gia đình ông Hờ Chống Nhía, năm ngoái con gái đầu Hờ Y C mới lấy chồng. Chồng của C lại chính là con o, chị gái của bố. Đám cưới này hoàn toàn tự nguyện, cả Hờ Y C và Lầu Bá H cũng không phải vì thiếu nhận thức mà không biết đây là hôn nhân cận huyết thống. H hiện đang là nhân viên y tế của Trung tâm Y tế dự phòng làm công tác kiểm dịch ở Trạm Y tế Cửa khẩu Nậm Cắn, còn C lại đang là sinh viên năm thứ tư của Đại học Y khoa Thái Bình. Chủ tịch Hờ Chống Nhía thừa nhận: “Đây là điều rất đỗi bình thường ở đồng bào Mông. Có thể vì từ trước tới nay người Mông sống rất độc lập, họ đề cao tính dòng tộc. Vì vậy nếu người trong cùng một gia đình, cùng một dòng máu lấy nhau sẽ duy trì được sự nối dõi, sẽ yêu thương và đùm bọc nhau hơn”.

Đi theo Phó Chủ tịch xã Lầu Bá Thái một quãng đường ngắn từ bản Trường Sơn xuống bản Tiền Tiêu, anh chỉ cho tôi có ít nhất hai gia đình đều là anh em con o con cậu lấy nhau, đó là gia đình Hờ Bá C và Lầu Y M, gia đình Hờ Bá M và Lầu Y H. Cả hai cặp vợ chồng này đều chưa đến 25 tuổi nhưng đã kết hôn được vài năm và đều đã sinh con. Nói chuyện với họ, tất cả đều hồn nhiên: “Yêu nhau thì lấy nhau mà, có can chi mô, con cái không bị ảnh hưởng chi cả. Với lại cũng được tư pháp chấp nhận mà...”. Chưa có một nghiên cứu nào về hậu quả của tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở Kỳ Sơn, nhưng Chủ tịch xã Nậm Cắn băn khoăn: “So với ngày xưa người Mông bây giờ không to cao bằng, nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương hoặc bị tàn tật, chậm phát triển…”.

Khoa học cũng đã chứng minh không ít những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gien lặn mang bệnh. Trẻ mắc bệnh có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, có thể dẫn đến nguy cơ tử vong. Nếu những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau còn có thể sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt phổ biến là căn bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia.

Bác sỹ Phạm Thị Thùy Minh - khoa Tiêu hóa máu, bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, cho biết: “Đa phần những trường hợp mắc bệnh tan máu bẩm sinh đều là trẻ em đến từ các huyện miền núi, nhiều nhất là đồng bào Mông và đồng bào Thái. Bệnh tan máu không phải là bệnh lây nhiễm như lao hay bệnh viêm gan mà là bệnh di truyền do người bệnh nhận cả 2 gen bệnh của bố và mẹ. Người mang gen bệnh thường không có biểu hiện lâm sàng gì đặc biệt, nên nếu hai người cùng mang gen bệnh lấy nhau thì mỗi một lần sinh con sẽ có 25% khả năng con bị bệnh tan máu bẩm sinh.

Bệnh có hai biểu hiện là thiếu máu và thừa sắt. Người bị bệnh thể trung và thể nặng có thể gây ra nhiều biến chứng về xương (người thấp nhỏ, xương mặt biến dạng), xơ gan, sỏi mật, loạn nhịp tim, suy tim... cũng như các biến chứng về nội tiết như dậy thì muộn, đái tháo đường...Bệnh này không thể chữa hẳn, trừ trường hợp thay tủy. Do biểu hiện ban đầu của nó giống như rất nhiều bệnh cảm ốm thông thường khác nên đa phần các bố mẹ đều chủ quan, đến khi đem con đến bệnh viện thì đã rất nặng. Tại khu điều trị cho bệnh nhân bị huyết tán máu ở Bệnh viện Sản – Nhi, trung bình một tuần có hàng chục bệnh nhân nhi nhập viện, bệnh nhân nặng thì một tháng phải xuống truyền máu một lần, ít hơn thì hai ba tháng”.

Ôm đứa con đã 6 tuổi mà người chỉ còm nhom như một bé mẫu giáo, chị Lô Thị May, bản Chắn, xã Tam Thái huyện Tương Dương cho biết: “Năm Khánh lên ba tuổi thì bỗng dưng mắc bệnh. Lúc đầu thấy cháu chỉ có những biểu hiện như biếng ăn, sốt, da xanh... nên gia đình cũng lơ là. Sau đó, có một lần cháu lịm đi chúng tôi mới hốt hoảng đưa cháu đi cấp cứu. Xuống đến Bệnh viện Sản - Nhi thì bác sỹ bảo Khánh bị bệnh tan máu bẩm sinh, lách to, có nguy cơ dễ vỡ”. Để chữa bệnh cho con, tháng nào vợ chồng chị cũng phải “cơm đùm cơm nắm” xuống Vinh để truyền máu, chi phí mỗi một lần nằm viện hết vài triệu đồng. Do con ốm đau liên miên nên con đã lớn nhưng hai anh chị chưa dám sinh thêm cháu khác. Hỏi chị, có phải vì hai vợ chồng cùng có quan hệ huyết thống, chị ngại ngần không nói. Tổng hợp của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho thấy: Hiện nay, có khoảng 5 triệu trẻ em đang mang gen mầm bệnh di truyền do đột biến gen từ hôn nhân cận huyết thống, đa phần là bệnh thiếu máu và lùn bẩm sinh.

Là người đầu tiên làm đề tài khoa học về hậu quả của tình trạng hôn nhân cận huyết thống tại Nghệ An, Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Phú, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Nghệ An cho rằng: “Hôn nhân cận huyết thống và những hệ lụy của nó ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dân số. Đặc biệt, nếu tình trạng này không sớm được phát hiện và ngăn chặn thì nguy cơ còn có thể ảnh hưởng từ thế hệ này đến thế hệ khác... Mặc dù đề tài chưa được công bố nhưng qua những mẫu máu lấy từ các trường miền núi thì tỷ lệ trẻ em ở tỉnh ta mắc bệnh tan máu bẩm sinh chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đối với những người đã phát hiện bệnh thì phải theo dõi, điều trị. Lớp trẻ vị thành niên trước khi kết hôn nên đến để tư vấn tiền hôn nhân tránh kết hôn cận huyết thống. Nếu đã lấy nhau khi có thai cần xét nghiệm sàng lọc trước sinh, bị bệnh phải đình chỉ thai nghén”.

Thực tế này cũng đòi hỏi cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về tình trạng hôn nhân cận huyết thống, mà trước mắt là cần phải cung cấp những kiến thức để người dân hiểu rõ những tác hại và ảnh hưởng của căn bệnh đến chất lượng dân số. Bên cạnh đó, cần phải phối hợp với ngành Tư pháp, ngành Văn hóa để tuyên truyền xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, giải thích các quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình như “cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời” để người dân hiểu và tuân theo pháp luật.

Thực hiện đề án “Giảm thiểu hôn nhân cận huyết thống” bắt đầu từ năm nay, Chi cục Dân số tỉnh cũng đã tổ chức truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 10 xã của hai huyện Tương Dương và Quỳ Hợp. Đây có thể xem là một bước chuyển động tích cực và hi vọng sẽ sớm có tác động đến nhận thức và tư tưởng người dân nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, nâng cao chất lượng giống nòi.

Song Hoàng

Mới nhất
x
Hệ lụy hôn nhân cận huyết thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO