Hết tiền, Chính phủ ông Trump tê liệt
Dù lưỡng đảng thương lượng đến phút nhưng Thượng viện Mỹ không thể thống nhất về ngân sách mới, khiến chính phủ buộc phải ngừng hoạt động từ ngày 20/1.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ một chính phủ phải đóng cửa trong khi chỉ có một đảng kiểm soát cả hai viện của Quốc hội và Nhà Trắng.
Diễn biến mới đồng nghĩa với việc nhiều văn phòng và dịch vụ của chính phủ sẽ ngừng hoạt động cho đến khi ngân sách được thông qua. Các công viên và di tích quốc gia cũng có thể bị đóng cửa.
Chính phủ Mỹ tạm ngưng hoạt động từ 20/1 vì hết tiền. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, các dịch vụ thiết yếu vẫn bình thường, trong đó có an ninh quốc gia, bưu chính, kiểm soát không lưu, trợ giúp thảm họa, nhà tù, thuế và điện.
Trước đó, vào tối 18/1, dự luật mở rộng ngân quỹ cho đến tháng 2 đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 230-197. Tuy nhiên, dự luật này không qua được "cửa ải" Thượng viện khi chỉ đạt tỷ lệ 50-49, không đạt đủ con số 60/100 phiếu thuận.
Chủ đề tranh cãi chính là yêu sách của Đảng Dân chủ rằng hơn 700.000 người nhập cư không giấy tờ đã vào Mỹ khi còn là trẻ em phải được bảo vệ khỏi lệnh trục xuất. Những người này, được biết đến là "Dreamers", đã được trao quyền pháp lý tạm thời theo một chương trình do cựu Tổng thống Barack Obama thiết lập. Hồi tháng 9, ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình này và cho phép Quốc hội đến tháng 3 phải thay thế một chương trình khác.
Lần cuối chính phủ Mỹ đóng cửa là vào năm 2013, trong 16 ngày. Khi ấy, Đảng Cộng hòa cũng đã áp dụng chiến thuật tương tự để buộc chính phủ của Tổng thống Barack Obama phải ngưng hoạt động. Thời điểm đó, ông Trump tuyên bố người phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc để chính phủ đóng cửa chính là tổng thống.
Lần này, ông Trump trên cương vị Tổng thống đã chỉ trích phe Dân chủ ưu tiên "những đối tượng nhập cư phi pháp" hơn là các vấn đề quân sự hay an ninh biên giới.