Hiểm họa cháy nổ từ gas kém chất lượng
(Baonghean) - Sang chiết gas, chiếm dụng vỏ bình gas trái phép... không những làm thiệt hại tài sản và uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính mà còn gây hậu quả nghiêm trọng đến sự an toàn, tính mạng con người.
Theo Hiệp hội Gas Nghệ An, tổng sản lượng gas trung bình được tiêu thụ mỗi tháng là khoảng 2.000 tấn. Một bình gas đạt tiêu chuẩn đến được với người tiêu dùng phải trải qua nhiều bước: đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đăng ký kinh doanh tại Sở Công Thương, đủ trọng lượng như nhãn mác đã ghi rõ, có màng co niêm phong, tem xuất xứ hàng hóa, tem chống hàng giả của Bộ Công an và thẻ bảo hiểm bình gas. Tuy nhiên, rất nhiều nhãn hiệu gas trôi nổi không có hoặc không đủ những điều kiện trên vẫn ngang nhiên lưu thông trên thị trường, “qua mặt” người tiêu dùng thiếu hiểu biết.
Kiểm tra, thu giữ vỏ bình gas chiếm dụng trái phép của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa (Thị xã Hoàng Mai) (Ảnh do Hiệp hội gas Nghệ An cung cấp). |
Có 2 kiểu để làm gas nhái nhãn mác, gas không đảm bảo chất lượng mà lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Quản lý thị trường tỉnh phát hiện được, đó là: Tình trạng “cắt tai, mài vỏ” và chiết nạp lậu gas. Đối với thủ đoạn “cắt tai mài vỏ”, các “doanh nghiệp ma” đăng ký kinh doanh gas hợp pháp nhưng chỉ sản xuất một lượng nhỏ vỏ bình gas, rồi thu gom vỏ của các hãng gas khác về “phù phép” thành nhãn hiệu của mình. Các vỏ bình cũ được đập quai xách, thay mới mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ để quét lại thành tên công ty khác. Hàng loạt các thương hiệu như Petrolimex, Petro Vietnam, Petronas, Gia Định Gas, Đất Việt… đều điêu đứng trước thủ đoạn này.
Chi phí để sản xuất ra một vỏ bình là khoảng 500.000 đồng, trong khi chi phí để làm giả chỉ bằng một nửa, là nguồn lợi bất chính béo bở khiến đối tượng kinh doanh gas giả bất chấp luật pháp để trục lợi.
Kiểm tra phương tiện chữa cháy cầm tay tại kho dự trữ Gas thuộc công ty TNHH dịch vụ khí đốt Nghệ An |
Tháng 5/2015 vừa qua, Công an thị xã Hoàng Mai đã phát hiện và tịch thu 10.300 vỏ bình gas chiếm dụng trái phép của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Hóa, chi nhánh Hoàng Mai. Ước tính, số lượng vỏ bình gas mà công ty này chiếm đoạt trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng, đang được tập kết để mài vỏ đưa ra thị trường tiêu thụ.
Thực tế cho thấy, vấn nạn này không những đẩy nhiều doanh nghiệp gas đến bờ vực phá sản và mà còn gây ra hiểm họa cháy nổ trong sinh hoạt của người dân. Bởi vì bình gas sau khi bị mài vỏ mỏng đi đã bị thay đổi kết cấu, tiêu chuẩn, dẫn đến nguy cơ rò rỉ cao. Người tiêu dùng mua phải gas “cắt tai mài vỏ” chẳng khác nào mua “bom nổ chậm” đặt trong nhà, nguy cơ phải lãnh hậu quả cháy nổ nguy hiểm đến tính mạng cao.
Vấn nạn thứ hai là đóng nạp lậu dưới 2 phương thức: Chiết nạp lậu tại trạm chiết nạp và tại các đại lý bán lẻ, thường với các loại bình 12 kg và bình gas mini chuyên dùng cho bếp gas du lịch. Sang chiết lậu gas không được kiểm định về chất lượng, độ an toàn đối với người sử dụng là hành vi vi phạm nguy hiểm trong lĩnh vực kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. “Gian thương” không những rút ruột hầu bao và coi thường sự an toàn của người tiêu dùng, mà bản thân các đối tượng cũng đang đùa với tử thần.
Một bình gas 12 kg có thể chiết sang 70 bình gas mini, với dụng cụ rất đơn giản là: một khay chiết và 2 lít nước sôi! Khi bình gas mini đầy, nếu người chiết chậm rút ra khỏi khay chiết trong khoảng vài giây, bình có thể nổ tung do vượt quá khối lượng, vỏ bình gas mỏng không chịu được áp suất. Người thợ chiết gas liều lĩnh có thể mất mạng còn nếu may mắn thì bị bỏng cấp độ nặng.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, trên địa bàn tỉnh ta hiện có 341 cơ sở là doanh nghiệp và hộ cá thể kinh doanh, chiết nạp gas. Qua kiểm tra, trong 3 tháng trở lại đây đã có 115 vụ vi phạm: Sang chiết gas, chiếm dụng vỏ bình gas trái phép, không niêm yết giá, không đủ trọng lượng, vận chuyển ngoài hợp đồng, vi phạm về nhãn hàng hóa… |
Trên thực tế, hầu hết người dân đều không để ý phân biệt gas thật, gas giả. Sự lơ là, dễ dãi của người tiêu dùng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng gas lậu, gas trôi nổi tiêu thụ tràn lan trên thị trường.
Chị Vũ Thị Ngọc (31 tuổi, phường Hưng Dũng, TP.Vinh) cho biết: “Dạo trước gia đình tôi mua gas theo số điện thoại in trên các tờ rơi chứ cũng không biết rõ địa chỉ đại lý ở đâu, có được cấp giấy phép kinh doanh hay không. Mỗi lần đổi gas thì cứ gọi người đến thay bình vậy thôi chứ ít khi kiểm tra các thông tin. Bây giờ thì cảnh giác hơn nên tôi có hỏi xem giấy tờ nhân viên”.
Vấn nạn gas giả, gas lậu không chỉ là bức xúc của người tiêu dùng, mà còn là mối quan tâm của các cơ quan chức năng vì nó gây thất thu thuế cho Nhà nước, thiệt hại tài sản và uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính, làm mất quyền lợi về giá cả, chất lượng cho người tiêu dùng; đặc biệt là gây hậu quả nghiêm trọng đến sự an toàn, tính mạng con người. Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình thông qua các bước kiểm tra trước khi đổi bình gas, và chủ động tố giác khi phát hiện các dấu hiệu khả nghi.
Hiệp hội Gas Nghệ An khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ càng, kiên quyết không dùng gas không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép, tem phiếu rõ ràng. Khi mua bình gas mới, nên kiểm tra cẩn thận màng co niêm phong, logo, tem chống hàng giả của Bộ Công an, thẻ bảo hiểm bình gas và cân trọng lượng bình gas. Nhiều bình gas được hàn thêm miếng sắt ở đáy bình để gian lận trọng lượng gas rất dễ quan sát, người tiêu dùng cần để ý. |
Hoàng Vân
TIN LIÊN QUAN