Hiểm họa từ bể bơi đông đúc ngày nắng nóng
Càng đông người thì bể bơi càng bẩn, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Vậy nên đi bơi như thế nào để vừa giải nhiệt, vừa đảm bảo sức khỏe?
Bể bơi càng đông, càng bẩn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (khoa Công nghệ Sinh học, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết bên cạnh việc nhiễm khuẩn do bụi bẩn, vi trùng, những bể bơi công cộng còn chứa một lượng chất thải rất lớn từ người đi bơi bao gồm mồ hôi, mỹ phẩm, kem chống nắng, thậm chí cả nước tiểu, nước bọt.
Trong hai ngày cuối tuần, hàng nghìn người Hà Nội đã tìm đến các bể bơi giải nhiệt khi nhiệt độ ngoài trời ở mức 38 đến 40 độ C. Ảnh: Lê Hiếu. |
Bể bơi càng đông càng bẩn và dễ gây bệnh cho người sử dụng. Ngoài ra trong số những người đi bơi, có nhiều người vốn đã mang bệnh sẵn nhưng không có ý thức tránh lây bệnh cho người khác.
Do đó, bể bơi bắt buộc phải được xử lý hóa học để khử trùng, tiêu diệt các thành phần gây ô nhiễm nước bể trước khi đem vào sử dụng. Trong đó, clo là hóa chất được dùng phổ biến nhất.
Nguy hiểm hơn, để tiết kiệm, nhiều nơi thậm chí còn sử dụng cả hóa chất rởm hoặc độc hại. Các hóa chất thường được sử dụng để diệt khuẩn, làm xanh nước bể bơi là cloramin B, clo, sunfat đồng… Đây là đều là những chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu không được sử dụng đúng liều lượng.
Về clo, PGS Thịnh cho biết đây là một hóa chất được cho phép sử dụng để khử trùng bể bơi, song bên cạnh việc sử dụng phương pháp này, các hồ bơi cần phải được trang bị thêm một hệ thống lọc nước. Trên thực tế, ít có nơi nào chịu đầu tư, do đó, nước trong hồ không thể sạch hoàn toàn.
“Quá trình này cần nhiều thời gian. Vào mùa hè, các hồ bơi làm việc hết công suất từ sáng sớm đến tối, nên không thể nào đảm bảo về chất lượng nước”, PGS Thịnh cho biết.
Đồng quan điểm, TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành Da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội cũng khuyến cáo nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm như mụn cóc, trùng roi nếu nước hồ không được sát khuẩn tốt.
Với chất sát trùng, bác sĩ Phong cho biết khi tiếp xúc có thể làm khô da, tóc, hoặc gây kích ứng vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, đùi, nách. Bệnh có biểu hiện như xuất hiện đỏ, ngứa, hay mụn nước nhỏ, sau khi tắm ở bể bơi.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trưởng phòng khám sản khoa - nam khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà) lại đặc biệt khuyến cáo nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và các bệnh phụ khoa khác khi chị em tắm ở bể bơi công cộng.
Do cấu tạo bộ phận sinh dục của phụ nữ có nhiều nếp gấp nên dễ mắc bệnh. Trong khi đó, bể bơi công cộng thường là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và dễ dàng tấn công.
Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ nhiễm trùng bàng quang khi thường xuyên tắm ở bể bơi có nguồn nước bị ô nhiễm. Bệnh có một số triệu chứng như tiểu buốt hoặc ra máu sau khi mặc đồ ẩm ướt hoặc ngâm mình dưới nước quá lâu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng hồ bơi bẩn còn làm các mầm bệnh như đau mắt đỏ, tiêu chảy, lỵ, viêm não mô cầu, lây lan và phát triển nhanh, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Giải pháp tắm an toàn
Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn, bạn nên tránh các bể bơi nước vẩn đục hoặc có mùi hóa chất gây sốc đặc trưng, số người bơi nhiều. Trước khi xuống bể, bạn nên tắm sạch nhằm hạn chế mồ hôi, mỹ phẩm, trên cơ thể tránh gây ô nhiễm.
Bác sĩ Phong khuyến nghị thêm thời điểm bơi tốt nhất là 5-7h bởi lúc này, hồ bơi sẽ sạch hơn do chưa có nhiều người tắm. Với những bể ngoài trời, bạn nên hạn chế bơi vào thời điểm nắng to từ 11-15h hàng ngày vì vừa hại da vừa dễ bị cảm đột ngột. Người đi bơi nên thoa kem chống nắng toàn thân và đeo kính, mũ để bảo vệ tóc và mắt.
Ngoài ra, để giảm bớt ảnh hưởng của thuốc sát trùng, muối, sau khi bơi, bạn cần tắm sạch bằng sữa dưỡng ẩm.
Để tránh các bệnh liên quan đến vùng kín, theo bác sĩ Dung, sau khi bơi bạn nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc mắc bệnh phụ khoa không nên tắm ở bể bơi công cộng.
Theo Zing.vn