Hiểm họa từ chó thả rông

Tiến Hùng 13/04/2019 16:13

(Baonghean) - Nhiều trường hợp chó thả rông tấn công người đi đường. Cơ quan chức năng đã có quy định cụ thể nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt khi để chó thả rông cắn người.

Trọng điểm cả nước về bệnh dại
Nghệ An là một trong những tỉnh trọng điểm về bệnh dại của cả nước. Tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 60 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Cũng trong 10 năm nay, Bộ Y tế đã 3 lần lựa chọn Nghệ An là địa phương phát động về phòng, chống bệnh dại...

Nhiều người dân ở xã Hưng Trung (huyện Hưng Nguyên) đến bây giờ vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ lại những ngày sống trong lo sợ vì chó. Năm 2016, đàn chó ở xã này bỗng dưng phát dại. Chỉ trong vòng 2 tháng, có 30 người dân ở đây bị chó cắn. Trong số này có 1 nạn nhân tử vong.
Giữa tháng 6/2016, chị Hoàng Thị Hảo (38 tuổi), vừa đi thua mua ve chai về gần tới nhà thì con chó của hàng xóm bất ngờ lao tới tấn công. Bị cắn vào chân, chị Hảo được cán bộ y tế xóm xử lý vết thương và tư vấn đi tiêm phòng dại. Tuy nhiên, người phụ nữ sau đó chỉ đến bệnh viện tuyến huyện tiêm phòng uốn ván mà không tiêm phòng dại rồi tự đi mua thuốc Nam về uống. Hơn 2 tháng sau, chị Hảo lên cơn dại rồi tử vong, để lại 6 người con.

Không khó để bắt gặp hình ảnh chó thả rông không đeo rọ mõm trên đường phố ở TP. Vinh. Ảnh: Tiến Hùng
Hình ảnh chó thả rông không đeo rọ mõm trên đường phố ở TP. Vinh. Ảnh: Tiến Hùng

Trung tuần tháng 9/2018, người dân xóm 10, xã Nghi Trường (Nghi Lộc), đổ xô đi tiêm phòng cho chó sau cái chết của 1 bé trai 8 tuổi trong xóm. Trước đó ít ngày, cô giáo chủ nhiệm phát hiện em Trần Ngọc Nh. có triệu chứng của bệnh dại nên báo với gia đình. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện nhưng bị trả về “vì quá muộn”.

Trước ngày nạn nhân mất, xóm này có đến hàng trăm hộ nuôi chó nhưng chỉ có hơn 30 nhà đi tiêm phòng cho vật nuôi. Em Nh. cũng là nạn nhân thứ 4 tử vong vì chó dại cắn trên địa bàn huyện Nghi Lộc trong vòng vài tháng.

Tình trạng thả rông chó diễn ra trên khắp các đường làng con phố tại TP Vinh. Ảnh: Thành Cường
Tình trạng thả rông chó diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh: Thành Cường

Cuối tháng 12/2018, cháu N.T.K. (7 tuổi), trú tại phường Hưng Dũng (TP. Vinh) bị chó cắn, phải nhập viện trong tình trạng chảy máu nhiều ở vùng mặt như trán, mắt, tai… gây biến dạng khuôn mặt. Sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã kịp thời phẫu thuật, dùng thuốc kháng sinh, chống phù nề, giảm đau, đồng thời cho gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để tiêm phòng dại và uốn ván.

Trước đó, các cháu T.T.H.Y. (1 tuổi), trú tại xã Nam Sơn, huyện Đô Lương và cháu N.Đ.H. (2 tuổi), trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu cũng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị chó cắn. Các cháu đều bị chó tấn công vào vùng mặt, với hàng chục vết thương.

Những ngày vừa qua, dư luận cả nước bàng hoàng chuyện đàn chó nuôi 10 con của gia đình bà Lê Thị An, trú tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động (Hưng Yên), trong lúc thả rông đã xông ra cắn cháu bé hàng xóm 7 tuổi trên đường đi học về, khiến nạn nhân tử vong.

Đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên đã bị lực lượng chức năng đưa ra khỏi khu dân cư. Ảnh: baotintuc
Đàn chó cắn chết bé trai 7 tuổi ở Hưng Yên đã bị lực lượng chức năng đưa ra khỏi khu dân cư. Ảnh: baotintuc
Đàn chó này thả rông, cổng nhà không có cửa nên chúng thường xuyên chạy ra ngoài và trước đó đã từng cắn bị thương rất nhiều người. Sau vụ việc này, nhiều người mới nhận thấy mối nguy hiểm từ việc chó thả rông.

Rất nhiều người là nạn nhân của chó thả rông, và trên thực tế cũng đã có nhiều quy định liên quan. Tuy nhiên, nhiều người dân, và cả chính quyền địa phương dường như vẫn còn thờ ơ với mối nguy này.
Chưa có chủ nuôi nào bị phạt
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, toàn tỉnh hiện có gần 520.000 con chó đang được nuôi tại các hộ gia đình, trong đó chủ yếu là thả rông. Tuy nhiên, chỉ có 20% trong số này được tiêm phòng.

Tháng 11/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch về Thực hiện chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2021. Kế hoạch nêu rõ: Trách nhiệm chủ nuôi chó phải đăng ký việc nuôi với UBND cấp xã; khai báo việc nuôi với tổ trưởng dân phố/xóm trưởng/trưởng bản, đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình; khi đưa ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó. Ngoài ra, người nuôi chó bắt buộc phải tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo và thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng. UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí tiêm phòng cho đối tượng người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao...

Tuy nhiên, việc phòng, chống bệnh dại đến nay vẫn chưa được chính quyền cơ sở và người dân quan tâm, thiếu hợp tác và còn trông chờ, ỷ lại vào cơ quan thú y.

Chỉ có 20% trong số 520.000 con chó trên toàn tỉnh được tiêm phòng dại. Ảnh: Tiến Hùng
Chỉ có 20% trong số 520.000 con chó trên toàn tỉnh được tiêm phòng dại. Ảnh: Tiến Hùng

Ngoài ra, theo Nghị định 05/2007 về phòng, chống bệnh dại, khi nuôi chó phải xích nhốt trong chuồng và đảm bảo vệ sinh. Khi đưa chó ra ngoài nơi công cộng, nơi đông dân cư phải có người dắt và phải có rọ mõm.

Bên cạnh đó, chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi vật nuôi, nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác thì phải theo dõi và báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, phường biết….

Điều 295 Bộ luật hình sự đã quy định rất rõ hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. Cụ thể, nếu chó không có rọ mõm, cắn người gây thương tích tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ thương tích 61% trở lên hoặc gây thiệt hại đến tính mạng thì chủ chó có thể bị phạt tiền từ 20 -100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài chịu trách nhiệm hình sự, chủ nuôi còn phải bồi thường cho người bị chó cắn theo quy định của Bộ luật dân sự.

Theo Nghị định 90 của Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2017, hành vi không đeo rọ mõm hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng; không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng thì bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Cũng theo Nghị định này, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát đàn chó trên địa bàn, yêu cầu chủ nuôi đăng ký, chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm xử phạt.
Tuy nhiên, dù quy định pháp lý đã có đầy đủ nhưng đến nay, không chỉ riêng Nghệ An mà cả nước vẫn chưa có ai bị xử phạt vì thả rông chó, không rọ mõm hay tiêm phòng. Trước những vụ việc đau lòng gần đây, có lẽ đã đến lúc cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân.

Mới nhất

x
Hiểm họa từ chó thả rông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO