Hiểu biết và niềm tin

Bác sĩ Trần Quốc Khánh 27/02/2023 07:27

(Baonghean.vn) - Chăm sóc y tế và sức khoẻ là một lĩnh vực hết sức đặc thù. Mọi sự tác động dù chỉ là lời nói vô tình, hữu ý, hay một hành động cân nhắc chưa đủ đều có thể ảnh hưởng rất lớn đến một con người, thậm chí là cả một đời người.

Như một thói quen, dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 hàng năm, tôi thường dành cho mình một khoảng thời gian riêng tư để nhìn lại, ngẫm lại chặng đường hành nghề mình đã qua và đang đi. Năm nay, từ thực tiễn khám chữa bệnh, tôi có đôi điều trăn trở.

Trên các nền tảng mạng xã hội, khi ai đó đăng tải thông tin về bệnh tật và tìm kiếm địa chỉ thăm khám uy tín, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chia sẻ kiểu “tin tôi đi”, “người nhà tôi uống thuốc này mà khỏi hẳn đấy”, “uống thuốc lá an toàn cứ thử đi”… Rồi thì nghe nói ở vùng núi này có “thầy” chữa giỏi lắm, miền biển kia có “ông lang” nọ bốc thuốc tài tình… Thậm chí có người còn đảm bảo rằng “thầy” này “bà” kia chữa lành hoàn toàn, lượng người đến khám kín chật nhà, chữa không khỏi trả lại tiền hoặc chữa… miễn phí!

Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực thì những chia sẻ đó thể hiện sự quan tâm, với hy vọng bệnh nhân tìm được đúng thầy, đúng thuốc. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu rộng ra thì có quá nhiều điều phải trăn trở: về trách nhiệm của chính những bệnh nhân đó với cơ thể mình; trách nhiệm của những người chia sẻ địa chỉ “thầy, bà” mà không kiểm chứng hiệu quả với người thân quen, cộng đồng xung quanh mình.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh đang thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Làm sao chúng ta chỉ “nghe nói” mà dám tìm đến thầy lang, bà lang - những người có thể không có giấy phép hành nghề chữa bệnh? Làm sao thuốc mà lại dám uống thử xem sao? Làm sao mà biết thuốc từ lá cây gồm những gì trong đó và liệu có an toàn hay không khi người bốc thuốc có thể chưa một ngày được học tập, đào tạo chính thống về y khoa? Tôi từng xem một video do người nhà bệnh nhân cung cấp khi tới phòng khám của tôi để tư vấn bệnh đau lưng. Trong video là hình ảnh một người phụ nữ (người nhà bệnh nhân chia sẻ rằng đây là bà lang nổi tiếng vùng Tây Bắc) đang chỉ trỏ trên tấm phim cộng hưởng từ cột sống để giải thích cho bệnh nhân về những tổn thương anh ấy gặp phải. Tôi quá sốc với những ngôn ngữ “chuyên ngành” bà lang ấy dùng, cũng như việc bà ấy không hề biết một chút kiến thức nào, dù chỉ là các mốc giải phẫu cơ bản trên phim!

Trong những vấn đề về sức khoẻ, một lời nói ra dù xuất phát điểm từ tâm ý tốt, cũng cần cẩn trọng, bởi nó có thể ảnh hưởng tới cuộc đời, tới sinh mệnh của một con người. Những người hồn nhiên chia sẻ địa chỉ thầy lang, bà lang ấy không biết rằng, bệnh của mỗi người mỗi khác, kể cả cùng một bệnh đi chăng nữa thì mức độ, giai đoạn và cơ địa của mỗi người cũng khác nhau, vậy nên cách tiếp cận, chữa trị và tiên lượng sẽ không giống nhau. Chúng ta làm sao chỉ với một vài thông tin người quen cung cấp mà có thể “phán” rằng bệnh đó y xì bệnh của mình đã từng mắc phải, để rồi định hướng, tư vấn cho họ đi nơi này nơi kia.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh (ngoài cùng bên phải) cùng cộng sự thực hiện ca mổ cho bệnh nhân. Ảnh: NVCC

Tôi cũng trăn trở rất nhiều khi trên thực tế, trong những chia sẻ trên mạng xã hội thấy có rất ít các gợi ý bệnh nhân đi khám chữa tại những cơ sở y khoa chính thống, cả Đông y lẫn Tây y. Nhiều người (không biết gì về y học) còn đưa ra những lời khuyên kiểu “bệnh này sống chung với nó cả đời”, “bệnh này đừng đi mổ nhé, liệt đó”, “bệnh này về hái lá này, cắt quả kia… sắc uống mấy ngày sẽ khỏi”… Cá nhân tôi nhìn nhận đây là những lời khuyên vừa thể hiện văn hoá thấp và thiếu trách nhiệm với những lời mình nói. Người thầy thuốc giỏi được đào tạo bài bản còn không dám tư vấn sâu hoặc kê đơn từ xa, hoặc “phán bệnh” một cách chắc chắn như vậy, huống gì những người không biết gì về y học. Người thốt ra những câu nói đó xong có thể không bao giờ để ý đến nó nữa, đêm về đắp chăn nằm ngủ ngon lành, nhưng nó lại ám ảnh bệnh nhân khôn cùng, đi kèm theo đó là nỗi đau hằng đêm chính bệnh nhân phải gặm nhấm, chịu đựng. Chúng ta chỉ nên đưa ra lời khuyên hay thông tin cho ai đó khi họ cầu thị tới mình và bản thân mình cũng phải hiểu biết một cách chắc chắn về những thông tin đó rồi hãy chia sẻ. Chưa kể ở đây là những thông tin liên quan đến sức khoẻ, sinh mệnh của người khác.

Nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này có thể có nhiều (thói quen chữa bệnh “thầy lang” đã ăn sâu trong tiềm thức; thích chữa bệnh bằng kinh nghiệm hay nghe người khác mách bảo; đi bệnh viện sợ đông đúc chờ lâu; sợ tốn kém; sợ bác sĩ “soi” ra bệnh trọng…), nhưng dù là lý do gì đi nữa, thì trong thế kỷ 21 này mà còn tồn tại nhiều lời khuyên vô bổ và có hại như thế, thay vì khuyên đi thăm khám ở các cơ sở y tế chính thống, thì đó chính là vấn đề mà tất thảy chúng ta cùng phải nhìn nhận, suy ngẫm. Đất nước ngày càng đổi mới, văn hoá và tri thức người dân ngày càng được nâng cao thì lời nói và hành động của mỗi cá nhân càng đòi hỏi sự hiểu biết, chỉn chu và phù hợp.

Ngày 27/2 năm nay còn gợi nhắc tôi đến một câu chuyện khác - câu chuyện về sự vô hạn trong tri thức Y khoa. Cách đây 2 năm, một cậu thanh niên nhà ở Hồ Tây (Hà Nội) đưa mẹ tới khám vì đau thắt lưng lan buốt hai chân. Bác ấy đi lại rất khó khăn, đứng cũng chỉ được vài ba phút là phải tìm ghế ngồi. Sau khi thăm khám xem phim cẩn thận, tôi tư vấn nên phẫu thuật và chia sẻ thêm rằng, với bệnh này thì nhẽ ra bác đã phải có chỉ định mổ từ mấy năm về trước. Nghe đến đây, bác mới chia sẻ: Trước đây đã từng đi khám một bác sĩ khác và người bác sĩ ấy có nói một câu làm bác ám ảnh tới tận bây giờ: “Bệnh của cô chỉ uống thuốc, tập phục hồi chức năng, không thể phẫu thuật được. Cô nên chung sống với nó cả đời và đừng đi khám đâu nữa”.

Chính câu nói đó của người thầy thuốc kia đã “đóng đinh” cuộc sống của bác ấy suốt bao năm, dù đau đớn đến tột cùng cũng chẳng đi khám chữa thêm ở nơi nào khác. Lần này, bởi vì con trai thuyết phục, đưa rất nhiều các video phẫu thuật của tôi để xem, bác ấy mới tạm gác lại mặc định cũ để đi khám thêm một lần nữa. Sau buổi khám hôm ấy, tôi thực hiện ca phẫu thuật thành công, để rồi cuộc đời bác như sang một trang mới, cơn đau dứt bỏ cùng với chất lượng cuộc sống được nâng lên rất nhiều.

Tôi chia sẻ câu chuyện này không có ý hạ thấp đồng nghiệp để nâng giá trị của mình lên, mà muốn chia sẻ thông điệp: “Tri thức nhân loại là vô hạn, sự hiểu biết của mỗi người dù có xuất sắc đến đâu cũng chỉ là hữu hạn”. Vậy nên, trong mọi tình huống tư vấn hay chữa trị, khi năng lực của chúng ta chưa đủ giúp bệnh nhân giải quyết vấn đề thì giải pháp tốt nhất là hỗ trợ, kết nối, định hướng người bệnh tới những cơ sở y tế chuyên khoa sâu hơn, tới những đồng nghiệp xuất sắc hơn. Đó chính là chúng ta đã giúp đỡ người bệnh rất nhiều rồi, đó cũng là chúng ta đang tạo thêm phúc phần cho chính ta.

Cá nhân tôi luôn có một danh sách mạng lưới các đồng nghiệp rất giỏi ở các chuyên ngành khác nhau như nội thần kinh, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, tim mạch, nhi khoa… Và bất cứ khi nào có ca bệnh khó, ca bệnh vượt năng lực chẩn đoán hay chữa trị của mình, tôi luôn chủ động liên hệ để giới thiệu bệnh nhân tới những đồng nghiệp chuyên sâu và xuất sắc hơn mình, với hy vọng bệnh nhân “có bệnh thì vái đúng nơi”. Chỉ có như vậy, người bệnh mới được chữa lành và tâm mình - một người thầy thuốc, cũng luôn thấy thoải mái, tươi vui./.

Mới nhất
x
Hiểu biết và niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO