Hiệu quả cây ngô trên đất Anh Sơn
(Baonghean) - Từ chỗ chỉ là cây trồng truyền thống trong nương vườn nhà, đến nay, cây ngô đã khẳng định sức vươn trên các triền bãi, đồi vệ, vườn đồng, trên đất 2 lúa và ngay cả các chân đất thung lèn cao khô... Cây ngô đã và đang thực sự là cây trồng hàng hóa chủ lực, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nông dân.
Chúng tôi về Phúc Sơn (huyện Anh Sơn), xã được thử nghiệm trồng giống ngô LVN 61 đầu tiên và có hiệu quả trên địa bàn huyện Anh Sơn. Vụ thu năm nay toàn xã có hơn 160ha. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân đang tập trung chăm bón ngô, ông Nguyễn Văn Căn - xóm 12, cho biết: Gia đình ông hiện có 3 sào ngô được trồng trên đất Làng Cộ và vùng Đồng Dâu. Gần 10 năm trở lại đây, giống ngô lai mới được đưa vào trồng thay thế, cơ cấu sản xuất ngô chuyển từ 2 vụ lên 3 vụ sản xuất/năm. Đặc biệt, giống ngô LVN61 khẳng định ưu thế trên vùng bãi. Năng suất ngô đạt 3-3,5 tạ/sào, tăng gấp 3 lần so với giống ngô bản địa trước đây như ngô đá, ngô nếp.
Ở Tường Sơn ngô được trồng 4 vụ/ năm, đó là ngô đông xuân, ngô xuân hè, ngô hè thu và ngô vụ 3 trên đất 2 lúa. Để phát triển cây ngô, hàng năm, các xóm được phân chia chỉ tiêu tới tận hộ, bản. Bà con được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình trình diễn, lựa chọn bộ giống ngô. Xã vận động bà con chuyển đổi diện tích lúa, cây màu kém hiệu quả, vùng cao khô sang trồng ngô. Nhờ đó, chỉ tiêu về gieo trồng ngô trên đất Tường Sơn năm sau đều cao hơn năm trước, chỉ trong vòng 3 năm, bình quân diện tích ngô của xã tăng từ 150 ha /vụ lên 320 ha/vụ (trong 2 vụ chính) đưa diện tích trồng ngô của xã đạt 650-850 ha trồng ngô/ năm.
Người dân xóm 12 Phúc Sơn chăm sóc ngô hè thu trên đất bãi.
Đầu năm 2013, nhận thấy hiệu quả của cây ngô, gia đình anh Nguyễn Đăng Hưng - thôn 5 - xã Tường Sơn đã chuyển thêm 3 sào đất ruộng sang trồng ngô. Hiện nay, anh có 8 sào trồng ngô. Nói về hiệu quả cây ngô anh Hưng cho biết: Năng suất ngô vụ xuân đông xuân và vụ đông đạt 3,2-3,6 tạ/ sào, giá ngô theo thị trường dao động 600 - 650 ngàn đồng/ tạ, anh thu về trên dưới 20 triệu đồng/vụ, sau khi trừ chi phí, 8 sào ngô của anh Hưng thu nhập lãi ròng gần 15 triệu đồng/vụ. So với cây lúa, trồng ngô cho hiệu quả tăng gấp 1,7 lần so với trồng lúa và tăng gấp 3 - 4 lần so với các cây trồng trên bãi khác.
Bàn về kế hoạch phát triển cây ngô trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Tường Sơn, vui vẻ: Thời gian tới, trên cơ sở ruộng đồng được cải tạo, dồn đổi, xã quyết tâm chỉ đạo trồng ngô vụ 3 trên đất 2 lúa tại 10/11 xóm. Từ đó, mở rộng diện tích ngô vụ đông trên đất ruộng lên 460 ha.
Anh Sơn hiện có trên 60 ngàn ha đất tự nhiên, gần 6 ngàn ha sản xuất nông nghiệp. Huyện đã bố trí sản xuất vùng ngô chuyên canh ổn định gần 7 ngàn ha /năm (3.500 ha ngô/vụ). Trong đó 2.500 ha ngô trên bãi, 500 ha ngô trên đất vệ và 300 ha ngô vụ đông. Năm 2012, sản lượng ngô đạt từ 30-35 ngàn tấn/năm, năng suất đạt 3,5-3,7 tạ/sào, tăng 10-15% kế hoạch. Ông Nguyễn Công Thế - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết: Để nâng cao hiệu quả cây trồng trên đơn vị diện tích, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền dổi thửa, trước đây mỗi hộ nhận từ 2-3 vùng bãi, nay chỉ còn nhận 1 vùng, 1 thửa tập trung, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh đầu tư thâm canh của mỗi hộ.
Huyện tạo điều kiện để các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư giới thiệu giống. Từ đó các địa phương lựa chọn các bộ giống phù hợp trên cơ sở các mô hình khảo nghiệm để đưa vào cơ cấu. Huyện vận động bà con chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng ngô. Các xã như Hội Sơn, Hoa Sơn, Tường Sơn, Cẩm Sơn, Đức Sơn, Tam Sơn, Đỉnh Sơn tranh thủ tận dụng quỹ đất đồi vệ, vườn đồng, đất thung lèn, đất 2 lúa để trồng ngô nâng cao thu nhập. Đến nay, nhiều địa phương đã phát triển trồng ngô 3 vụ trên đất bãi, đất 2 lúa tạo thành vùng ngô chuyên canh, như Hùng Sơn 300 ha, Đỉnh Sơn có 400 ha, Tam Sơn 400 ha, Đức Sơn 420 ha.. các xã còn lại mỗi xã duy trì từ 200-250 ha ngô/năm.
Cây ngô đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ nông dân Anh Sơn vươn lên làm giàu.
Bài, ảnh: Lương Mai