Hiệu quả công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía tại Phủ Quỳ
(Baonghean) - Trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có hơn 10.000ha mía nhưng năng suất bình quân cây mía nhiều năm qua chỉ đạt từ 45-55 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với tiềm năng năng suất của các giống mía. Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên xuất phát từ phương pháp trồng, đầu tư thâm canh, đặc biệt là việc cung cấp nước tưới không phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây mía nên làm giảm năng suất.
Để khắc phục, sau một thời gian nghiên cứu, Công ty Mía đường Nghệ An Tate & Lyle đã triển khai thí điểm lựa chọn 6 hộ nông dân trồng mía với tổng diện tích 18ha để hỗ trợ trung bình 60 triệu đồng/ha vốn vay không lãi suất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, mua sắm và hỗ trợ lắp đặt các thiết bị: bơm, van xả khí, van điều áp, bộ lọc đĩa, bộ châm phân bón, ống dẫn nước, đồng hồ đo áp lực… Đồng thời hướng dẫn người dân trồng mía phương pháp trồng mía hàng đôi thay phương pháp trồng truyền thống là cày, bỏ giống xuống đất nông dân trồng mía vẫn áp dụng.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học này bước đầu đã cho hiệu quả tại các hộ dân, thể hiện ở việc tiết kiệm sức lao động, được tưới đều, đủ liều lượng cần thiết nên cây mía tốt hơn. Năng suất mía dự kiến đạt hơn 120 tấn/ha. Việc sử dụng phương pháp trồng hàng đôi, lượng giống trồng cho 1ha chỉ 6,6 tấn, giảm hơn 3 tấn so với phương pháp trồng cũ.
Anh Dương Đình Tấn ở xã Nghĩa Xuân là một trong những hộ dân tham gia thí điểm ứng dụng công nghệ tưới tự động cho 2ha mía, cho biết, đây là vụ đầu tiên anh có được cảm giác yên tâm khi phải đối mặt với những đợt nắng hạn gay gắt. Trước kia, với cách tưới tràn trên bề mặt, người lao động phải vác vòi nước chạy cật lực khắp đồi dưới trời nắng gay gắt vô cùng vất vả, công lao động cao, hiệu quả thấp, bởi nước chỉ tràn trên bề mặt chứ chưa đủ thấm vào gốc mía. Bây giờ với hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần động tác khởi động máy bơm là có thể ung dung đứng nhìn những giọt nước thấm sâu vào từng gốc mía. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt thực sự đã giải phóng sức lao động, tiết kiệm tối đa chi phí nhân công và nhiên liệu.
Ngoài ra, để bón phân cho mía, trước đây bà con nông dân phải cày rạch hàng, bón phân rồi lấp đất rất vất vả, phân bón lại dễ bị bay hơi hoặc rửa trôi bởi những cơn mưa bất thường. Bây giờ hệ thống tưới nhỏ giọt không chỉ có ý nghĩa trong việc cung cấp nước cho cây trồng mà còn được áp dụng để bón các loại phân và thuốc bảo vệ thực vật, vừa tiết kiệm công lao động, lại giảm thất thoát do phân bón thấm sâu, thấm trực tiếp vào từng gốc mía. Không chỉ thế, việc tưới nhỏ giọt còn hạn chế sự rửa trôi của hóa chất bón cho cây mía vào môi trường, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí vận hành, kiểm soát chính xác lượng nước tưới và phân bón... và có thể áp dụng ở những diện tích trồng mía nhỏ.
Hiệu quả của mô hình ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cây mía đã thấy rõ, còn khả năng nhân rộng mô hình này đang là vấn đề cần bàn. Theo đề xuất của các hộ dân trồng mía thì có 2 cái khó đó là nguồn nước và kinh phí đầu tư. Với nông dân, để có nguồn vốn 60-70 triệu đồng đầu tư không phải hộ nào cũng đủ sức. Hơn nữa, quy trình nhân rộng mô hình này không phải nông dân tự quyết định, mà phụ thuộc vào diện tích mía được trồng có gần nguồn nước hay không. Do vậy, để mô hình được nhân rộng, cần có sự hỗ trợ về vốn đầu tư, kết hợp với hệ thống ao hồ, suối, đập và việc nông dân tự đào ao lấy nước tưới.
Từ hiệu quả thực tế của tưới nước nhỏ giọt cho cây mía ở các mô hình triển khai thí điểm, hy vọng trong tương lai, công nghệ này sẽ được nông dân trồng mía chủ động tiếp cận và nhân rộng mô hình.
Nguyễn Hùng Cường