Hiệu quả của một dự án đầu tư đồng bộ
Nhằm giúp Kỳ Sơn giảm bớt khó khăn, từng bước thoát khỏi một trong những huyện nghèo, thời gian gần đây, bằng cách đầu tư khôi phục phát triển các ngành nghề truyền thống, dự án do Luxembourg tài trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp người dân cải thiện đời sống.
(Baonghean) Nhằm giúp Kỳ Sơn giảm bớt khó khăn, từng bước thoát khỏi một trong những huyện nghèo, thời gian gần đây, bằng cách đầu tư khôi phục phát triển các ngành nghề truyền thống, dự án do Luxembourg tài trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp người dân cải thiện đời sống.
Qua điều tra khảo sát địa bàn đầu tư, nắm bắt được dệt thổ cẩm là một trong những ngành nghề truyền thống lâu đời của bà con dân tộc Kỳ Sơn, hầu hết người dân làm nghề đều có tay nghề cao, sản phẩm làm ra có chất lượng. Tuy nhiên, nghề này đang dần mai một do sản phẩm khó bán ra thị trường. Năm 2011, Dự án Luxembourg đã thông qua Hội Phụ nữ đầu tư thí điểm cho 30 chị em ở bản Kẹo Lực 2, xã Phà Đánh với số vốn 60 triệu đồng. Để đa dạng sản phẩm, dự án đã mở lớp tập huấn thêm nhiều mẫu mã mới.
Nghề dệt thổ cẩm đem lại việc làm và thu nhập cho phụ nữ huyện Kỳ Sơn.
Ảnh: Công Kiên
Điều đáng nói là dự án đã giới thiệu đầu mối để tiêu thụ sản phẩm lâu dài. Các chị em trong tổ được đi tham quan ở các làng nghề khác, được đầu tư đưa sản phẩm đến giới thiệu ở các hội chợ trong toàn quốc để mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm của chị em làm ra ngày càng tinh xảo, đa dạng về mẫu mã. Từ chỗ chỉ là một nghề phụ đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập lớn cho các gia đình ở bản Kẹo Lực 2. Thu nhập bình quân của những người trong tổ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng là con số không nhỏ so với đời sống khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bước đầu thành công khi đầu tư vào nghề dệt thổ cẩm, năm 2012, nhận thấy trồng dâu nuôi tằm cũng là một ngành nghề truyền thống có tiềm năng phát triển trên địa bàn, Dự án Luxembourg tiếp tục đầu tư phát triển nghề này ở bản Kẹo Lực 1, xã Phà Đánh và bản Na Khướng xã Na Ngoi. 45 gia đình được dự án chọn đã được tập huấn cặn kẽ từ cách trồng, chăm sóc cây dâu đến cách nuôi tằm. Sau khi tập huấn, bước đầu dự án đầu tư cho người dân giống dâu, phân bón và cả giống tằm.
Tổng số vốn đầu tư lên tới 90 triệu đồng. Vốn đã quen thuộc với nghề, nay được tập huấn hỗ trợ thêm về kỹ thuật, được đầu tư giống mới năng suất hơn nên bà con hồ hởi tham gia. Đến nay, cây dâu phát triển tốt, nhiều hộ dân đã nhận giống tằm mới về nuôi. Bà Lô Thị Phương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết: “Dự án đã phát huy được hiệu quả, tác động thiết thực đến đời sống của chị em, chúng tôi cũng mong muốn dự án sẽ được nhân rộng ra các địa phương có điều kiện phát triển các làng nghề tương tự để nâng cao thu nhập cho chị em”.
Điểm mới của dự án là đã khảo sát kỹ tình hình địa phương, đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực thích hợp, vừa cải thiện thu nhập vừa mang lại việc làm cho người dân. Do được đầu tư vào những ngành nghề truyền thống đã quen thuộc nên người dân nắm bắt nhanh hơn và làm có hiệu quả. Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vốn, để các nghề này có thể phát triển, dự án đã chủ động trong việc đào tạo nâng cao tay nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm. Mỗi thành viên khi tham gia dự án sẽ phải đóng góp một số tiền nhất định hàng tháng. Số tiền này nhằm đảm bảo về vấn đề ngân sách lâu dài để khi dự án không còn đầu tư, các tổ vẫn có vốn để tiếp tục duy trì.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng - chuyên gia kinh doanh nhỏ Ban hỗ trợ dự án nói: “Dự án mong muốn tăng thêm thu nhập cho các gia đình, cho nên trong thiết kế của dự án có những phần tạo thu nhập cho gia đình. Cũng tùy vào nhu cầu của người dân, dự án xem qua phần chương trình thấy phù hợp với người dân nên đã hỗ trợ”.
Cùng với Hội Phụ nữ, dự án cũng kết hợp với Hội Nông dân đầu tư phát triển một số ngành nghề khác. Năm 2012, dự án đã hỗ trợ giúp bà con nhân dân xã Bảo Nam phát triển nghề làm chổi đót. Được biết, Bảo Nam là một trong những xã có sản lượng đót nguyên liệu lớn nhất huyện.
Hàng năm, vào mùa đót, người dân lại thu hoạch về bán nguyên liệu cho các lái buôn với giá thành thấp. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu, lao động, nếu phát triển được nghề làm chổi đót ở đây sẽ là một bước ngoặt nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Nhận thấy điều đó, dự án đã đầu tư mở làng nghề chổi đót ở Bảo Nam. Ban đầu, dự án mời giáo viên về hướng dẫn cách làm các loại chổi đang được bán chạy trên thị trường. 26 hộ dân tham gia vào dự án được hỗ trợ dụng cụ làm nghề như dao, dùi, mây và 84 cân đót nguyên liệu. Dự án cũng đã liên hệ với câu lạc bộ làng nghề chổi đót Cao Minh để bao tiêu sản phẩm cho người dân, đã giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Không những thế, năm 2011, dự án đã đầu tư cho 15 hộ gia đình ở bản Cù xã Chiêu Lưu thử nghiệm mô hình nuôi ong. Các gia đình được đầu tư con giống, được học tập kỹ thuật nuôi. Qua thử nghiệm ở Chiêu Lưu đã mang lại hiệu quả, bởi nghề nuôi ong vốn đầu tư ban đầu không lớn, kỹ thuật nuôi cũng không quá phức tạp, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên. Năm 2012, dự án tiếp tục kết hợp với Hội Nông dân mở rộng mô hình ra bản Na Khướng xã Na Loi, tổng số vốn đầu tư lên tới 120 triệu đồng.
Ông Lô Hải Phòng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hiệu quả của dự án thì đã được khẳng định, nghề nuôi ong bước đầu cũng đã tăng thêm thu nhập cho bà con 300-400 nghìn đồng/tháng. Những người làm chổi cũng đã làm ra sản phẩm để bán ra thị trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết hợp với dự án để mở rộng ra các địa phương khác có điều kiện tương tự để giúp bà con tăng thu nhập từ đó góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo”.
Hiệu quả đầu tư của Dự án Luxembourg thì đã thấy rõ, tuy nhiên, để những mô hình này tiếp tục phát triển hơn và mở rộng ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thì còn cần sự chỉ đạo, theo dõi sát sao của các cấp các ngành liên quan. Và hơn ai hết, những người dân trực tiếp tham gia vào dự án cần ý thức hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại, làm quen với cơ chế thị trường và việc áp dụng những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các cấp các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để từng bước thay đổi nhận thức của người dân, bởi đã có không ít dự án đầu tư của Nhà nước vào địa bàn huyện, nhưng với tư tưởng trông chờ ỷ lại của người dân nên chưa phát huy hết hiệu quả.
Phan Tâm