Hiệu quả Nghị quyết phát triển kinh tế hộ ở Nghi Xuân

07/11/2014 10:02

(Baonghean) - Trăn trở thoát nghèo, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) luôn tìm tòi, sáng tạo tìm giải pháp phù hợp để chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và trở thành xã đầu tiên đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của huyện.

Về Nghi Xuân những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí rộn ràng và niềm vui của bà con nơi đây khi xã là đơn vị đầu tiên của huyện Nghi Lộc đạt tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhìn những ngôi nhà cao tầng, hiện đại nằm bên những tuyến đường nhựa phẳng lì, các cửa hàng, cửa hiệu nhộn nhịp làm cho mọi người như quên đi ký ức của vùng quê nghèo khó năm xưa. Bí thư Đảng ủy xã Nghi Xuân - Phạm Ngọc Duyên phấn khởi chia sẻ: “Có được thành quả như hôm nay là quá trình nỗ lực bứt phá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà. Phải khẳng định Nghị quyết về phát triển kinh tế hộ gia đình đã bắt đúng mạch ý chí thoát nghèo của nhân dân. Nghị quyết đi vào cuộc sống, khơi dậy sự quyết tâm của người dân, điều đó đưa xã phát triển, đứng vào tốp đầu trong phát triển kinh tế của huyện Nghi Lộc”.

Chị Ngô Thị Ngại ở xóm Xuân Lộc, Nghi Xuân (Nghi Lộc) đầu tư thiết bị cấp đông thủy sản.  Ảnh: Công Sáng
Chị Ngô Thị Ngại ở xóm Xuân Lộc, Nghi Xuân (Nghi Lộc) đầu tư thiết bị cấp đông lạnh thủy sản. Ảnh: Công Sáng

Bí thư chi bộ xóm Xuân Sơn - Nguyễn Văn Chất vui mừng cho biết: “Muốn đảng bộ vững mạnh, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Để phát triển kinh tế hộ, trước hết đảng viên phải đổi mới tư duy và thực hiện trước...”. Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, ông Chất là một trong những người đầu tiên mạnh dạn hướng cho con đi xuất khẩu lao động. Giờ đây, anh con trai cả làm ăn hiệu quả, trả được vốn vay và đưa em trai tiếp tục đi xuất khẩu lao động. Cuộc sống gia đình ông từng bước được cải thiện. Từ hướng đi hiệu quả của gia đình ông Chất, rất nhiều gia đình nghèo trong xóm mạnh dạn vay vốn cho con đi xuất khẩu lao động và từng bước vươn lên khá, giàu.

Là xóm thuần nông nghèo, những năm trước đây, do sản xuất nông nghiệp manh mún, không có ngành nghề phụ nên đời sống của nhân dân Xuân Sơn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ về phát triển kinh tế hộ, chi bộ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu thu nhập cao. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân trong xóm còn phát triển các nghề phụ như các tổ thợ nề, mộc dân dụng, xuất khẩu lao động. Xóm có 131 hộ với 502 khẩu thì có hơn 110 người đi lao động ở các địa phương trong nước, trong đó có 47 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Từ một xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 17% năm 2005, đến nay giảm còn 4,8%, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Đảng bộ Nghi Xuân ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế hộ. Do điều kiện tự nhiên của xã khó phát triển nông nghiệp, vì vậy nghị quyết chỉ rõ hướng đi là tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế bằng đẩy mạnh thương mại dịch vụ, nhất là xuất khẩu lao động (XKLĐ). Đồng thời phát triển kinh tế gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Sau khi nghị quyết ban hành, Đảng ủy phân công các đồng chí đảng viên đang công tác tại cơ quan xã tham gia sinh hoạt chi bộ, đoàn thể ở xóm để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời cùng chi bộ quán triệt các nghị quyết của cấp ủy cấp trên và xây dựng chương trình hành động một cách sát thực.

Sự kết nối kinh tế ở Nghi Xuân được phát huy sau khi nhiều lao động đi xuất khẩu về nước đã đầu tư đồng vốn, kinh nghiệm ở nước bạn vào sản xuất, kinh doanh trên quê nhà. Đơn cử như anh Nguyễn Văn Ly ở xóm Xuân Dương, sau hơn 10 năm đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, về địa phương anh đầu tư mở đại lý buôn bán, lắp đặt cửa sổ Ewrowindow. Vừa phát triển kinh tế của gia đình, anh Ly còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Còn với anh Đậu Khắc Phong ở xóm Lộc Mỹ, từ một hộ nghèo, sau khi xuất khẩu lao động về, cuộc sống gia đình đã được cải thiện, trở thành một trong những hộ có kinh tế khá giả. Về quê, anh xây dựng cơ sở cán tôn thép, giải quyết việc làm cho 7-8 lao động là người địa phương. Ở Nghi Xuân còn có nhiều người sau khi đi xuất khẩu từ các nước trở về đã mở mang thêm nhiều ngành nghề, phát triển dịch vụ buôn bán hàng nông sản, hàng tiêu dùng, kinh doanh vàng bạc đá quy, mở đại lý buôn bán sắt thép, vật liệu xây dựng...

Bám sát nghị quyết của cấp ủy, các chi bộ, mỗi cán bộ, đảng viên trong xã nhận thức rõ vai trò trách nhiệm, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của mình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong điều kiện đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, để giúp người dân phát triển kinh tế, Đảng bộ tập trung cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt tạo điều kiện cho lao động vay vốn đi XKLĐ học các ngành nghề. Sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tạo cho họ động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã có 5.600 người trong độ tuổi lao động, trong đó số có việc làm trong toàn xã là 5.320 người, với 1.300 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, đem về nguồn thu nhập cao cho các gia đình.

Song song với đẩy mạnh xuất khẩu lao động, Đảng bộ Nghi Xuân chỉ đạo chi bộ các thôn tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với địa phương. Tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng sẵn có đối với nghề đánh bắt, chế biến hải sản truyền thống, các tổ hợp đánh bắt hải sản được hình thành. Điển hình như tổ hợp đánh cá Cảnh Phượng thu hút hàng chục lao động, giải quyết việc làm và cho thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, thời gian qua, bà con lương, giáo trên địa bàn xã tăng cường mối đoàn kết, vừa tích cực tham gia hoạt đông đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Bên cạnh đó, tranh thủ lợi thế địa bàn có chợ Mai Trang vùng phụ cận TP. Vinh, Thị xã Cửa Lò, xã điều chỉnh quy hoạch, nâng cấp, xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy, bố trí thêm ki ốt, xây dựng khu kinh doanh thực phẩm tươi sống, phát triển chợ Mai Trang thành trung tâm dịch vụ của xã và các xã lân cận, vận động nhân dân mở mang ngành nghề dịch vụ, tạo điều kiện cho tư thương kinh doanh buôn bán. Vì vậy, lao động nông nghiệp giảm dần, chuyển sang kinh doanh dịch vụ, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, tỷ lệ nông nghiệp chỉ còn 17%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 27%; dịch vụ, thương mại, xuất khẩu lao động chiếm 56% cơ cấu kinh tế của địa phương. Từ một trong những xã nghèo nhất của huyện Nghi Lộc, với chủ trương phát triển kinh tế hộ, Nghi Xuân vươn lên trở thành xã đi đầu trong phát triển kinh tế của huyện Nghi Lộc.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Ngọc Duyên - Bí thư Đảng bộ Nghi Xuân cho biết: “Điều quan trọng làm nên kết quả trên là nghị quyết đi vào cuộc sống, làm thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, người dân năng động bắt nhịp nhanh với cơ chế thị trường. Từ những định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình của địa phương đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, khẳng định niềm tin của dân với sự lãnh đạo của Đảng. Đó là tiền đề quan trọng để xã phát triển khởi sắc và bền vững”. Với hướng đi phù hợp, Nghi Xuân đã trở thành xã đầu tiên của huyện về đích trong xây dựng NTM. Thành quả đó, bên cạnh sự năng động, chịu khó của người dân phải kể đến vai trò lãnh đạo của đảng bộ trong ban hành và lãnh đạo thực hiện nghị quyết sát đúng với tình hình thực tế, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế bền vững.

Thanh Lê

Hiệu quả Nghị quyết phát triển kinh tế hộ ở Nghi Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO