Hiệu quả nghị quyết xóa đói giảm nghèo

02/05/2013 17:58

Là xã miền núi  còn nhiều khó khăn của huyện Thanh Chương, những năm qua, Đảng bộ xã Thanh Đức đã tập trung lãnh đạo phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển cây nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sức sống nghị quyết của đảng, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

(Baonghean) - Là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Thanh Chương, những năm qua, Đảng bộ xã Thanh Đức đã tập trung lãnh đạo phát huy thế mạnh của địa phương, phát triển cây nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ sức sống nghị quyết của đảng, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Ghé thăm trang trại tổng hợp rộng hơn 10 ha của ông Hồ Thái Đại ở xóm Sướn, chúng tôi như bị hút mắt bởi màu xanh ngút ngát của những đồi chè trải rộng. Ngoài 2 ha chè, keo ông còn trồng thêm 0,5 ha rễ hương, đào ao thả cá, chăn nuôi 3 con trâu, 5 con dê và vài chục con gà… doanh thu mỗi năm tầm khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí còn 80 triệu đồng. “Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, cuộc sống chỉ trồng chờ vào sản phẩm nông nghiệp, nay nhờ phát triển trang trại mà đổi đời. Chỉ riêng cây chè mỗi lần hái cũng cho thu nhập 10 triệu đồng. Năm nào thuận trời được 8 lần hái, năm nào thời tiết khó khăn thì được 6 lần thu hoạch đem lại nguồn thu nhập ổn định”, ông Đại phấn khởi cho biết.



Phát triển cây chè công nghiệp ở xã Thanh Đức.

Trang trại tổng hợp rộng 12 ha của ông Đậu Bá Minh ở xóm 7 cũng được xem là mô hình kinh tế điển hình cho cách làm giàu dựa trên thế mạnh của địa phương. Ngoài hai cây chủ lực là chè công nghiệp và keo nguyên liệu, ông Minh còn trồng sắn, trồng lúa, đào ao đắp đập để thả cá đem lại tổng doanh thu 170 triệu đồng/năm, trừ chi phí cũng được 80-90 triệu đồng. Trang trại của ông Đại ở xóm Sướn và trang trại của ông Minh, xóm 7 trở thành những mô hình tiêu biểu trong việc phát huy thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu.

Đồng chí Trịnh Văn Nhã - Bí thư Đảng ủy xã cho hay: Thanh Đức là xã khó khăn của huyện Thanh Chương, kinh tế chủ yếu dựa vào sản phẩm nông nghiệp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân là nỗi trăn trở của Đảng uỷ và chính quyền xã suốt nhiều năm qua. Dựa trên đặc điểm tình hình, diện tích tự nhiên hơn 17.117 ha (chiếm 15,16% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện), hơn 80% diện tích là đồi núi cộng với truyền thống canh tác của người dân và định hướng của huyện, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Thanh Đức đã ban hành Nghị quyết 19-NQ/ĐU về chỉ đạo thực hiện đề án “Phát triển cây nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2011-2015”.

Trong đó xác định cây keo và cây chè là hai loại cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo. Đối với cây chè, cây công nghiệp truyền thống, phù hợp với điều kiện khí hậu, tiềm năng đất đai trong xã, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi bởi trên địa bàn lại có 2 nhà máy chế biến với công suất lớn (gần 10.000 tấn chè búp tươi/năm) và một số lò sấy mini hoạt động đảm bảo tiêu thụ nguyên liệu. Việc thu, hái, tỉa, đốn bằng cơ giới hóa ngày càng nhiều và phổ biến, toàn xã có trên 40 máy hái chè hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm áp lực thiếu lao động lúc cao điểm của thời vụ thu hoạch.

Nhờ những điều kiện thuận lợi nên người dân đã tập trung phát triển diện tích cây chè công nghiệp với diện tích 112 ha chè kinh doanh. Đối với cây nguyên liệu giấy, diện tích 500 ha keo lai, keo tai tượng, keo lá tràm, bạch đàn... không chỉ tạo nguồn nguyên liệu cho cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, phủ xanh đất trống đồi núi trọc mà còn tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo nâng cao thu nhập ổn định đời sống cho các hộ dân có đất lâm nghiệp. Ngoài cây chè công nghiệp, cây nguyên liệu giấy thì cây sắn nguyên liệu để phục vụ cho nhà máy chế biến tinh bột sắn Intirmex cũng đã từng bước đi vào ổn định với diện tích 85 ha sắn, năng suất bình quân 380 tấn/ha.

Tại Thanh Đức, để phát triển vững chắc các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn, nhất là đối với cây chè, cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo sử dụng hết diện tích đất có khả năng trồng chè đã qui hoạch để khai hoang, trồng mới; làm tốt công tác qui hoạch quỹ đất cho các hộ thực hiện đề án trồng chè công nghiệp, tăng đầu tư thâm canh trên đơn vị diện tích chè sẵn có, chuẩn bị tốt các điều kiện ươm giống chè mới. Khai thác các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước đối với người trồng mới cây chè công nghiệp và đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến chè công nghiệp.

Đối với cây sắn, sử dụng các loại giống có năng suất cao để đưa vào trồng, tận dụng mọi loại đất để trồng xen canh, luân canh với các loại cây trồng khác để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Đối với cây keo, trên cơ sở huy động nguồn lực tại chỗ, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, tập trung khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai và nguồn lao động sẵn có để phát triển cây nguyên liệu gỗ theo hướng gắn trồng rừng nguyên liệu với thu hút đầu tư, chế biến, kết hợp phát triển rừng với môi trường sinh thái…

Về Thanh Đức hôm nay, điều có thể nhận thấy là hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung, vùng cây nguyên liệu nói riêng đã được cải thiện đáng kể. Trò chuyện với chúng tôi, lãnh đạo xã Thanh Đức bộc bạch: “Địa phương chúng tôi được đầu tư, hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình 135/CP... để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất. Có vốn của Nhà nước nhưng đầu tư vào đâu, làm cái gì trước, cái gì sau lại là vấn đề không đơn giản, bởi xã nghèo nên lĩnh vực nào cũng thấy bức xúc. Đảng uỷ đã xác định phải ưu tiền đầu tư cho các công trình phục vụ sản xuất, nhất là vùng cây nguyên liệu, một trong những thế mạnh của địa phương.

Trong năm 2012 từ nguồn vốn phân bổ của Chương trình 135/CP giai đoạn 2, Thanh Đức đã đầu tư mở rộng giao thông phục vụ sản xuất, công trình cống bản Khe Sách ở xóm 7, công trình cống bản Ruộng ở xóm 2… Nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nên đến thời điểm này trên địa bàn xã Thanh Đức gần như đã phủ xanh toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp. Không chỉ chú trọng trồng rừng, xã còn động viên bà con phát triển đàn trâu, bò, dê, các loại gia cầm, đào ao thả cá. Nhiều gia đình đã phát triển đàn gia súc với số lượng hàng chục con. Hiện tại trên địa bàn xã có 13 trang trại lớn, doanh thu hàng năm đạt 80-120 triệu đồng và hơn 40 gia trại nhỏ. Tuy chưa phải là số lượng lớn những cũng là minh chứng cho nỗ lực thoát nghèo của cấp ủy, chính quyền và người dân Thanh Đức trong thời gian qua.

Có thể nói, với những định hướng đúng từ nghị quyết của Đảng, từ một xã đặc biệt khó khăn, Thanh Đức đã có bước chuyển mình đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 15 triệu đồng/năm. Toàn xã có 65% hộ có xe máy, 98% hộ có ti vi, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,5%.


Bài, ảnh: Gia Huy

Mới nhất
x
Hiệu quả nghị quyết xóa đói giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO