Hiệu quả từ những “gói kích cầu” đặc biệt ở Nghi Quang
(Baonghean) - Để khuyến khích bà con nông dân, ngư dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, trong những năm qua, xã Nghi Quang (Nghi Lộc) đã có chủ trương tặng giấy khen và tiền thưởng cho những hộ dân sản xuất giỏi.
Đứng ở cửa biển, sát dưới cống ba ra, ông Trần Hải Dương - Chủ tịch UBND xã Nghi Quang (Nghi Lộc) chỉ tay về những lá cờ Tổ quốc đang bay phấp phới trên nóc tàu với vẻ tự tin, phấn khởi. Ông say sưa kể về những chuyến biển được mùa của ngư dân trong xã và về sáng kiến mua cờ Tổ quốc tặng cho các tàu thuyền để làm cờ hiệu sau mỗi chuyến đi.
Ngư dân Nghi Quang chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.K
Xã Nghi Quang có đội tàu thuyền hơn 120 chiếc, công suất từ 8 - 50CV, chủ yếu đánh bắt gần bờ. Từ năm 2011, để khuyến khích ngư dân bám biển ra khơi và thi đua sản xuất, UBND xã có sáng kiến mua cho mỗi tàu, thuyền một cây cờ Tổ quốc vào đầu vụ đánh bắt. Sau mỗi chuyến ra khơi trở về, nếu tàu nào trúng lớn sẽ giương cao lá cờ Tổ quốc mà xã tặng để báo hiệu và “khoe” với mọi người về một chuyến đi đại thắng. “Ban đầu, nhiều ngư dân còn dè dặt với việc này bởi tâm lí chung của mọi người là không muốn khoe khoang, sợ sự đố kỵ, nhưng dần dần, thấy nhiều chủ tàu giương lá cờ đỏ sao vàng sau mỗi chuyến ra khơi nên mọi người đều vui mừng và cảm thấy tự hào khi tàu mình đánh được nhiều cá”, ông Dương tâm sự.
Thấy được hiệu quả từ sáng kiến tặng cờ cho bà con ngư dân, HĐND xã đã ra nghị quyết hỗ trợ, khuyến khích bà con ngư dân sản xuất, làm giàu trên vùng biển của Tổ quốc.
Theo đó, hàng năm, dựa trên sản lượng đánh bắt của các tàu thuyền, xã sẽ lựa chọn 2 chủ tàu có thu nhập cao nhất, tạo việc làm cho nhiều người nhất để trao giấy khen kèm theo tiền thưởng 400 ngàn đồng, những hộ đóng mới tàu thuyền từ 90CV trở lên được thưởng 1000.000 đồng,…
Dù số tiền thưởng không lớn, nhưng theo chị Nguyễn Thị Thu Vân, cán bộ nông nghiệp xã Nghi Quang thì đây thực sự là “gói kích cầu đặc biệt” của xã. Lâu nay, ngư dân Nghi Quang vẫn coi nghề biển là bạc bẽo, mỗi chuyến ra khơi là một lần đánh cược với sóng gió, vì không có đất sản xuất nên mới phải bám biển. Từ khi xã có chủ trương khuyến khích đánh bắt, biểu dương sản xuất giỏi hàng năm, ngư dân đều tự hào về nghề của mình.
Chỉ tay vào tấm giấy khen được treo trang trọng ở gian chính của ngôi nhà, giáo dân Nguyễn Văn Ngọc phấn khởi khoe rằng, từ khi xã có chính sách tặng giấy khen và tặng tiền, những ngư dân như anh đều có tâm lí thi đua bám biển, đánh bắt được nhiều và tăng thêm thu nhập cho công nhân.
Sau 2 năm nỗ lực phấn đấu cải tạo tàu, mua thêm ngư cụ, năm vừa qua, anh Ngọc vươn lên top 2 về đánh bắt và được nhận giấy khen cùng tiền thưởng. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa này khiến gia đình anh và những lao động trên tàu rất vui mừng, phấn chấn vì thành quả lao động của mình được xã ghi nhận.
Hiện nay, con tàu của anh Ngọc đang bước vào mùa đánh ghẹ, tạo việc làm cho 8 lao động, mỗi chuyến đi biển từ 2 – 3 ngày, trừ chi phí, mỗi lao động có thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/chuyến. “Giáo dân chúng tôi luôn có tâm niệm kính Chúa, yêu nước. Việc cố gắng vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động chính là bổn phận của tất cả mọi công dân yêu nước” - anh Ngọc tâm sự.
Những “gói kích cầu đặc biệt” ở Nghi Quang không chỉ được áp dụng cho ngành đánh bắt thủy hải sản, mà nghị quyết của HĐND xã còn có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nhiều ngành, nghề khác. Hàng năm, xã sẽ xét tặng giấy khen, tiền thưởng cho những hộ sản xuất lúa lai đạt năng suất cao nhất các xóm, hỗ trợ tiền cho những gia đình xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo quy mô lớn, khuyến khích xây dựng lồng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn, nhân rộng các điển hình đánh bắt đạt sản lượng cao.
Xã cũng đặc biệt khuyến khích các hộ chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Nếu cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mới nào thu hút được từ 6 lao động trở lên và có thu nhập trên 1000.000 đồng/tháng sẽ được tuyên dương trong toàn xã, tặng giấy khen và tiền,…
Những chính sách khuyến khích sản xuất cụ thể, kịp thời của UBND xã Nghi Quang đã tạo ra khí thế thi đua sản xuất ở mọi ngành nghề, giữa các thôn xóm và các gia đình với nhau. Quá trình thi đua và giúp nhau sản xuất cũng khiến cho mối quan hệ giữa các hộ lương dân và giáo dân ngày càng bền chặt. Nhiều điển hình tiên tiến mới xuất hiện và ngày càng được nhân rộng như hộ ông Nguyễn Kế Vinh xóm Trung Tiến, Võ Tiến Điện, Nguyễn Thị Tâm, Hoàng Trọng Văn xóm Bắc Sơn (sản xuất lúa lai), Phạm Như Quý, Trần Văn Thủy xóm Thành Vinh 2 (dịch vụ vận chuyển giỏi), Lê Văn Phúc xóm Tân Lập (đánh bắt giỏi), Nguyễn Biên Cường xóm Tân Lập 2 (nuôi tôm giỏi),…
Chủ tịch xã Trần Hải Dương cho biết, hiệu quả của những chính sách này là rất rõ rệt: Năm 2012, tổng thu ngân sách của xã đạt 90,69 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt gần 16,5 triệu đồng/người/năm, cả xã chỉ còn 16% hộ nghèo, 81 hộ cận nghèo,… Hiện nay, mỗi người dân trong xã Nghi Quang đều có ý thức phấn đấu vươn lên giúp nhau thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất khó khăn, cằn cỗi của mình.
Nguyên Khoa