Hiệu quả từ những mô hình khuyến nông ở Quỳ Hợp
Với vai trò cầu nối đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến với nông dân, những năm qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Qùy Hợp đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả thiết thực giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
(Baonghean) - Với vai trò cầu nối đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến với nông dân, những năm qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Qùy Hợp đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả thiết thực giúp người dân thay đổi tập quán canh tác, tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Là một huyện miền núi, đất sản xuất lúa có độ dốc nên thường xuyên bị rửa trôi. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác của người dân đa phần còn lạc hậu nên dẫn tới năng suất lúa trên địa bàn huyện đạt thấp. Thời gian qua, tình trạng này đã được giảm thiểu sau khi người nông dân áp dụng phương pháp bón phân viên dúi sâu. Đây là mô hình được Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện xây dựng từ năm 2009.
Ông Phan Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông cho biết: Cây lúa khi cấy sẽ được bón phân bằng phương pháp dúi viên phân hỗn hợp dưới đất khoảng 7cm. Áp dụng phương pháp này vào sản xuất, người nông dân được rất nhiều cái lợi. Tình trạng rửa trôi sẽ được giảm đi rất nhiều, phân không bị bốc hơi. Do viên phân được nén cứng sẽ tan từ từ trong đất nên cây lúa sẽ được hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng. Từ đây, cây phát tiển tốt, đẻ nhánh khỏe, khả khăng kháng chịu sâu bệnh cao hơn. Và kết quả là năng suất lúa sẽ tăng lên từ 15-20%.
Mô hình trồng măng tây xanh của gia đình bà Nguyễn Thị Cầu
(xóm Sơn Thành, xã Tam Hợp).
Xã Châu Đình là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện mô hình này. Anh Lê Dũng Hưng, cán bộ khuyến nông xã Châu Đình cho biết: Ban đầu chỉ số ít hộ thực hiện, nhưng đến nay người dân trong xã đã làm theo và trở thành thói quen, ý thức trong sản xuất. Bởi hiệu quả kinh tế khi áp dụng phương pháp này đã được chứng minh trong thực tiễn. Do chỉ bón phân một lần duy nhất cho cả vụ và hạn chế thuốc BVTV nên chi phí đầu vào người dân được giảm đi khoảng 30-40 ngàn đồng/sào ruộng. Thêm nữa, người dân còn lợi cả đầu ra từ 180-200 ngàn đồng/sào do năng suất tăng.
Sau khi kết thúc mô hình, trạm khuyến nông đã tổ chức tập huấn và chuyển giao tiến bộ KHKT đến cho hàng ngàn hộ dân trên toàn huyện. Nhận thức được hiệu quả mà phương pháp sản xuất này mang lại nên người nông dân hăng hái thực hiện. Đến nay, sau 4 năm tổ chức mô hình, toàn huyện đã có 16 xã học tập làm theo. Để cung cấp đủ phân bón cho người dân, UBND huyện đã cấp hơn 200 triệu đồng mua 5 chiếc máy ép phân cho 5 xã gồm Châu Quang, Châu Đình, Châu Lộc, Châu Cường và Đồng Hợp. Với công suất 1 ngày ép được khoảng 1 tấn phân viên nén đã cơ bản cung cấp đủ phân cho người dân đầu tư thâm canh.
Đa dạng hóa cây trồng, trạm khuyến nông đã tổ chức nhiều mô hình nhằm chuyển giao các ứng dụng KHKT đến với người nông dân, như mô hình sản xuất rau sạch tại xã Tam Hợp; mô hình trồng mía sạch bệnh tại xã Châu Đình; mô hình trồng giống keo KB10 theo phương pháp ghép cành tại xã Đồng Hợp. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình trồng măng tây xanh tại xóm Sơn Thành (Tam Hợp). Đây là một loại cây có hiệu quả kinh tế cao.
Ban đầu, chỉ có 1 hộ sản xuất nhưng đến nay đã có 8 hộ làm theo với diện tích 2ha. Do cây măng tây xanh là một đối tượng cây trồng mới nên khi tổ chức mô hình, trạm khuyến nông đã cử cán bộ về trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Nhờ đó mà cây phát triển tốt và cho thu hoạch với năng suất cao, trung bình mỗi ngày thu hoạch được 3kg/sào. Với giá bán hiện nay là 50 ngàn đồng/kg thì mỗi tháng, người nông dân thu về gần 5 triệu đồng/ sào măng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Cầu (xóm Sơn Thành, xã Tam Hợp) là một trong những người đi đầu trồng cây măng tây xanh. Hiện gia đình ông có 3 sào đất trồng măng. Bà Cầu cho biết: Trồng cây măng tây xanh hiệu quả gấp nhiều lần trồng màu và còn giúp nông dân tiếp cận với tiến bộ KHKT. Do chu kỳ thu hoạch kéo dài từ 6-8 năm nên công đầu tư ban đầu của người dân sẽ được giảm đi rất nhiều.
Hiện nay, sản phẩm của nông dân sản xuất ra được Công ty Hạ Hiệp bao tiêu toàn bộ. Hơn nữa, công ty còn cử cán bộ kỹ thuật về trực tiếp hướng dẫn người dân cách chăm sóc, bón phân và thu hoạch. Đối với những hộ gia đình mới trồng thì công ty sẽ cho vay một nửa tiền giống và sau khi thu hoạch sẽ trả lại theo sản phẩm. Do hiệu quả mà cây măng tây mang lại cho người dân nên sắp tới, xã Tam Hợp sẽ tiến hành nhân rộng diện tích trồng măng tại 2 xóm khác là Nam Sơn và Long Thành.
Cùng với trồng trọt, Trạm Khuyến nông huyện còn chú trọng vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi. Trong 2 năm 2011 và 2012, trạm đã xây dựng nhiều mô hình về chăn nuôi, đưa các loại giống con mới, bảo tồn các giống địa phương như mô hình nuôi lợn nít tại xã Liên Hợp, chăn nuôi lợn thịt hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Đồng Hợp, mô hình nuôi vịt bầu ở xã Nam Sơn, mô hình nuôi bò vàng ở xã Châu Lý... Các mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực và đang từng bước được nhân rộng cho các địa phương trong huyện. Những mô hình này đã giúp người nông dân tiếp cận với những tiến bô KHKT mới về chăn nuôi, chia sẻ cùng nhau về khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là chủ động cung cấp được nguồn giống cho gia đình, cho các hộ trong bản, trong xã và các xã lân cận khác
Bằng việc trình diễn các mô hình khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn nghề nhằm gắn lý thuyết với thực hành theo phương châm "cầm tay chỉ việc, đào tạo nghề thành thạo trong sản xuất nông nghiệp" đã thuyết phục, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ KHKT mới. Thông qua các diễn đàn nông dân, người dân có điều kiện được chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình đã nhân rộng vào sản xuất đại trà, đi vào cuộc sống, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp huyện nhà.
Bài, ảnh: Phạm Bằng