Hiệu quả từ xã hội hóa thiết chế văn hóa - thể thao ở Nghệ An
Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, một số địa phương đã chủ động đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao, qua đó nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – thể thao trên địa bàn.
Nhà văn hóa, sân vận động xây từ sức dân
Dẫn chúng tôi tham quan Nhà văn hóa xóm 5, xã Nghi Hưng (huyện Nghi Lộc) - một trong những nhà văn hóa đẹp nhất xã, ông Nguyễn Sỹ Long – Xóm trưởng xóm 5, xã Nghi Hưng cho biết: Cuối năm 2019, xóm 5 được sáp nhập từ xóm 13, 103 hộ xóm 12 và 92 hộ xóm 14. Sau sáp nhập, xóm có gần 300 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu nên nhà văn hóa trên địa bàn xóm trở nên chật chội, không đủ chỗ ngồi cho các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Trước thực trạng đó, ban cán sự xóm trăn trở, cần phải có nhà văn hóa mới tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia các hoạt động cộng đồng, rèn luyện sức khỏe, giao lưu gắn kết tình làng nghĩa xóm. Được sự cho phép của UBND xã, năm 2021, xóm đã triển khai huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa mới.
Xóm trưởng Nguyễn Sỹ Long cho biết: Ban đầu, việc triển khai gặp nhiều khó khăn do phần lớn các hộ dân trên địa bàn xã đời sống còn khó khăn, lại chưa ý thức được tầm quan trọng của thiết chế nhà văn hóa. Tuy nhiên, với sự nhiệt huyết, không quản nắng mưa, ngày đêm tuyên truyền của ban cán sự xóm, bà con dần hiểu và hưởng ứng nhiệt tình.
Không chỉ vận động người dân trong xóm, ban cán sự xóm còn kết nối với những con em làm việc xa quê, đang sinh sống ở các tỉnh, thành khác, những con em đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” cùng chủ trương đúng đắn, một nhà văn hóa mới của xóm đã được hình thành và đi và hoạt động từ tháng 8/2023 với không gian rộng rãi, hiện đại, có loa đài, biển hiệu, camera giám sát an ninh... Bên cạnh hội trường được bố trí khuôn viên sân chơi thể thao, phân chia khu vực cho các môn bóng chuyền, cầu lông, được lắp đặt bộ thiết bị thể dục ngoài trời.
Từ ngày có nhà văn hóa xóm, các hoạt động văn nghệ, thể dục – thể thao của người dân diễn ra rất sôi nổi, qua đó tinh thần của người dân phấn chấn hơn, hăng say hơn trong lao động sản xuất và tình làng, nghĩa xóm bền chặt hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Long - Xóm trưởng xóm 5, xã Nghi Hưng (Nghi Lộc)
Tại huyện Anh Sơn, giữa năm 2023, công trình “Xây dựng thiết chế văn hóa thôn” của thôn 4, xã Tường Sơn được khánh thành từ nguồn vốn xã hội hóa. Đây là thôn có 150 hộ, 668 nhân khẩu, trong đó có 49 hộ với 277 nhân khẩu theo đạo Công giáo (hơn 30% dân số thôn). Trước năm 2021, toàn bộ khu vui chơi, giải trí của người dân trong thôn là một sân vận động có diện tích 30m² nằm trên một quả đồi ở độ cao 15m. Đầu năm 2021, nhận thấy nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân ngày một cao, mong muốn về hoàn thiện thiết chế văn hóa của người dân ngày càng cấp thiết, nắm bắt thời cơ, Chi ủy thôn 4, xã Tường Sơn đã xin ý kiến của Đảng ủy xã, họp Chi bộ ra Nghị quyết vận động xây dựng khu thiết chế văn hóa của thôn, theo đó mở rộng và hạ độ cao sân bóng xuống 5m so với nền cũ, dự trù kinh phí 150 triệu đồng.
Từ sự vận động tích cực và gương mẫu đi đầu của các cán bộ, đảng viên trong thôn, các hộ dân đã đóng góp vượt chỉ tiêu hơn 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, Ban công tác Mặt trận thôn cũng kết nối, kêu gọi con em xa quê ủng hộ hơn 100 triệu đồng. Với tổng kinh phí huy động hơn 480 triệu đồng, thôn đã san ủi đồi để xây dựng sân vận động mới.
Trong quá trình thi công, nhân dân tham gia 3 đợt lao động, mỗi đợt từ 120-150 ngày công. Sau khi triển khai làm sân vận động, Ban cán sự thôn tiếp tục vận động người dân đóng góp làm đường lên sân; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng; ủng hộ ghế đá và bồn nước.
Ông Nguyễn Tất Quý – Thôn trưởng thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn)
Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa
Không chỉ ở cấp thôn, xóm, nhiều địa phương cấp xã cũng đã đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả việc huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, phát huy thiết chế văn hóa – thể thao. Xã Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu) - một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2016 - Đảng ủy xã đã ban hành đề án “Xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn xã Quỳnh Thạch giai đoạn 2016 - 2021 và những năm tiếp theo”.
Để thực hiện hiệu quả đề án, xã đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng về chủ trương, đề án đến tận cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thông qua hệ thống truyền thanh của xã, các thôn, qua hội nghị các chi bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, từ đó làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng về việc xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn.
Nhờ đó, xã đã xây dựng được nhà văn hóa đa chức năng với tổng diện tích sử dụng 350 m2, trong đó hội trường có 350 chỗ ngồi. Ở cấp xóm, trên địa bàn xã có 13/13 xóm có nhà văn hóa, trong đó có 4 nhà văn hóa được xây mới từ năm 2021 đến nay. Tất cả các thôn cũng đã xây dựng được khuôn viên sân thể thao có diện tích từ 500m2, trở lên, được lắp đặt các thiết bị thể thao ngoài trời.
“Nhờ có hệ thống thiết chế văn hóa của xã, của thôn nên các phong trào văn hóa – văn nghệ diễn ra sôi nổi từ xã đến thôn. Hiện nay, xã đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa kêu gọi các nguồn lực đầu tư để xây dựng nhà thi đấu thể thao đa năng của xã”, ông Nguyễn Sỹ Lực - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết.
Còn ở xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương) – xã miền núi thuộc khu vực II của huyện Thanh Chương hiện có 7 xóm (giảm 6 xóm sau sáp nhập), 1.737 hộ với hơn 7.000 nhân khẩu, theo ông Nguyễn Hoàng Hưng – Chủ tịch UBND xã, cũng như nhiều địa phương khác sau sáp nhập thôn xóm, các nhà văn hóa cũ hầu hết đều chật hẹp, các sân chơi thể thao cũng hạn chế. Do đó, để xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn, ngoài sự hỗ trợ từ các chính sách của cấp trên, xã đã chủ trương huy động các nguồn xã hội hóa để nâng cấp nhà văn hóa, sân vận động.
Đến nay, 7/7 xóm của xã Thanh Tiên đã đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa nông thôn mới, trong đó 3/7 xóm đã tiến hành xây mới nhà văn hóa từ nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Trong khuôn viên nhà văn hóa các xóm đều có sân thể thao, dụng cụ thể thao phục vụ vui chơi giải trí ngoài trời dành cho người già và trẻ em từ nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp. Hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn phù hợp với mọi lứa tuổi, góp phần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Đã có nhiều kết quả như đã nêu trên, nhưng theo ông Bùi Công Vinh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, nhìn chung, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao đạt chuẩn còn hạn chế, nhất các địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân để xây dựng và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở. Chỉ khi phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân mới có thể phát triển văn hóa, thể thao theo hướng xã hội hóa một cách bền vững.
Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao