Cha ông có câu: “Cần cù bù thông minh”. Có thể nói đây là một lời răn dạy cực kỳ khéo léo không chỉ về mặt thông điệp mà cả phần ngữ nghĩa. Đúng rồi, cần cù chỉ có thể “bù” cho thông minh thôi chứ không thể thay thế nó. Thông minh và cần cù là những thành tố góp phần tạo nên sự hoàn hảo của cuộc sống. Thật tệ nếu thiếu vắng sự cần cù nhưng sẽ là thảm họa nếu sự sáng tạo bị tuyệt chủng.
Chuyện kể rằng:
Có một người nghèo luôn than trách về số phận hẩm hiu của mình. Anh ta thường xuyên thắc mắc vì sao mình vất vả lắm mới có miếng cơm để ăn, manh áo để mặc. Không những thế, có khi khó khăn trắc trở thì đến cơm cũng không có mà ăn, áo rách vẫn phải mặc. Trong khi đó, có những người vẫn ăn sung mặc sướng chả phải lo nghĩ gì. Người này đã thỉnh cầu Thượng đế tới giúp để giải đáp nỗi oan khuất của mình. Trước mặt Thượng đế, người nghèo khóc lóc kể lể về những cơ cực hàng ngày, làm việc mệt tưởng chết nhưng vẫn chỉ đủ ăn từng bữa mà không có của để dành.
Sau một hồi kể lể, người nghèo than thở: “Con thấy đời thật bất công, tại sao lại có những kẻ giàu sang, không cần chân lấm tay bùn vẫn ung dung hưởng thụ còn người nghèo như chúng con làm việc cật lực quanh năm suốt tháng vẫn không thể được như họ?”.
Thượng đế mỉm cười và hỏi: “Vậy theo con như thế nào mới là công bằng?”
Người nghèo nhanh nhảu đáp: “Dạ, con muốn Ngài để người nghèo và người giàu cùng có xuất phát điểm như nhau để xem họ sống ra sao. Nếu sau một thời gian người giàu vẫn giàu thì con sẽ không còn gì để phàn nàn nữa ạ”. Thượng đế gật đầu và nói: “Được rồi!”. Sau đó, Thượng đế biến cho một người giàu trở nên nghèo khổ và cùng xuất phát điểm với người nghèo. Mỗi người tới một ngọn núi để tìm kế sinh nhai. Núi có mỏ than nên hàng ngày hai người cùng nhau khai thác than đem ra chợ bán đổi lấy tiền. Sau một năm sẽ xem kết quả ra sao.
Hai người cùng nhau đào than. Người nghèo rất chăm chỉ làm việc và chẳng mấy chốc đào được một xe than đầy, chở ra chợ bán lấy tiền. Anh lấy số tiền đó mua đồ ăn thật ngon mang về cho vợ và con cùng hưởng. Mọi thứ cải thiện trông thấy. Người nghèo cảm thấy công việc có chút vất vả mà thu nhập rất ổn định. Cuộc sống trở nên đẹp đẽ và đáng yêu hơn.
Người giàu không làm chăm chỉ được như vậy, đào than mới chỉ một lát đã thấy mệt và toát hết mồ hôi. Đến chiều muộn mới đào xong được nửa xe than, anh ta cũng đem ra chợ bán lấy tiền. Tuy nhiên anh ta chỉ đủ mua một ít bánh mỳ.
Sang ngày hôm sau, người nghèo lại cật lực đào xới than, còn người giàu đi ra chợ. Một lát sau anh ta trở về với hai người đàn ông rất khỏe mạnh, đang thất nghiệp và đi làm thuê để kiếm tiền. Hai người kia tới mỏ than, không ai bảo ai cật lực đào bới, người giàu chỉ đứng và chỉ đạo họ làm việc. Chỉ trong buổi sáng, người giàu đã có hai xe than đầy. Anh lại mang ra chợ bán đổi lấy tiền và thuê thêm nhân công. Cứ thế số than người giàu khai thác ngày một nhiều, trừ đi tiền trả cho người làm thuê cũng còn khá lắm.
Một năm trôi qua nhanh chóng và người nghèo vẫn vậy, hàng ngày mua được đồ ăn ngon, rượu ngọt nhưng không dành dụm được gì. Ngược lại người kia đã trở nên giàu có, sở hữu trong tay một đội nhân công khỏe mạnh để hàng ngày khai thác rất nhiều than chở ra chợ bán, thu về bội tiền. Đến đây, người nghèo không còn gì để phàn nàn nữa.
Thành công không chỉ nằm ở việc bạn dốc hết sức vào công việc nào đó, mà là cách bạn dốc sức như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Tỷ phú Bill Gates từng nói rằng: “Sinh ra trong nghèo đói không phải là tội của bạn; nhưng nếu chết trong nghèo đói thì đó hoàn toàn là lỗi của bạn”.
Thế đấy, bản tính siêng năng cần cù là thứ vô cùng quan trọng trên đời này nhưng sáng tạo mới là thứ làm thay đổi thế giới. Nếu không có sáng tạo thì chúng ta không thể có động cơ hơi nước, không có động cơ đốt trong và cũng không thể có động cơ phản lực. Nếu không có sáng tạo thì thế giới không thể có những đại công trường, đại nhà máy, những tập đoàn sản xuất kinh doanh khổng lồ. Nếu không có sáng tạo chúng ta đã không biết gì về công nghệ thông tin, chúng ta không có internet và tất nhiên là không thể có mạng xã hội để tám chuyện mỗi ngày. Sáng tạo là thứ năng lượng đặc biệt nhất mà đấng tối cao đã ban tặng và gửi gắm cho loài người với sứ mệnh làm thay đổi thế giới.
Sáng tạo là một trong những trạng thái hoạt động đặc biệt của trí não nhằm tìm ra cái mới ưu việt hơn. Các nhà khoa học cho rằng: Sáng tạo là sản phẩm của bán cầu đại não phải, nó ngược lại với tư duy logic của bán cầu đại não trái. Ngược lại với sáng tạo là sự sao chép rập khuôn, máy móc, bảo thủ. Sáng tạo có thể hiện diện mọi lúc mọi nơi. Trong khoa học thì đó là những thành tựu nghiên cứu tiến tới ứng dụng. Trong lao động sản xuất thì đó có thể là những cải tiến kỹ thuật, những sáng kiến kinh nghiệm. Trong học tập thì đó có thể là cách giải một bài toán hay. Thậm chí ngay trong bóng đá, sáng tạo có khi xuất hiện ngay cả trong… một đường chuyền. Ở đâu cũng có thể có sáng tạo và ai cũng có cơ hội sáng tạo nếu chịu khó và đam mê tìm tòi.
Sáng tạo là tài nguyên vô giá dạng tiềm năng và sáng tạo cần một môi trường lành mạnh để kích hoạt nó. Sáng tạo cần được ươm mầm từ ấu thơ và nó là thứ rất nên được nuôi cấy được chăm sóc trong các học đường. Thật tệ khi cô giáo ra đề: Hãy trình bày suy nghĩ của em… nhưng khi chấm bài thì cố lại chấm theo… suy nghĩ của cô. Trong trường hợp này thì sự sáng tạo bị hắt hủi và bạc đãi. Còn nhớ cách đây chưa lâu, cư dân mạng chuyền tay nhau bài văn tả bà ngoại bị điểm kém vì “lạc đề”! Với cô giáo thì bà ngoại cứ phải là áo nâu, lưng còng, phải nhai trầu bỏm bẻm và ngồi bên cửa sổ đan áo xâu kim. Trong lúc “bà ngoại thời nay của em” thì mặt hoa da phấn nõn nà, phóng xe máy như bay đi… tập gym! Học lịch sử thì phải nhớ cho kỳ hết các sự kiện, học địa lý thì phải biết vẽ cho được cái bản đồ…
Nói về sự khuôn mẫu, có lần nhà văn Bùi Ngọc Phúc bày tỏ: “Lạm dụng văn mẫu sẽ bị triệt tiêu sáng tạo, không có kĩ năng làm bài, ỉ lại thụ động khi học và làm văn, lười suy nghĩ…”. Albert Einstein từng nói: “Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong sự diễn đạt và tri thức sáng tạo”.
Sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo, kết thúc sáng tạo đồng nghĩa với kết thúc thế giới. Sáng tạo là chìa khóa vạn năng của cuộc sống. Sáng tạo là bổn phận của mọi sinh linh đang tồn tại trên thế giới này. Nếu có thể hãy sáng tạo từ những việc nhỏ nhất.
Nếu không có sáng tạo thì thế giới mãi chỉ là những con người cặm cụi đào than chở ra chợ bán mà thôi. À, nếu không có sáng tạo làm gì có chiếc xe chở than, làm gì có chợ mà bán. Đúng rồi, nếu không có sáng tạo thì đến nay con người vẫn đang ở thời kỳ… hái lượm!