Ho khan dùng thuốc gì?
Trường hợp ho khan không xác định rõ nguyên nhân hoặc điều trị mà không hết ho thì việc dùng thuốc giảm ho là cần thiết.
Ho khan (ho không có đờm) có thể do hít phải vật lạ (thức ăn) hoặc khói thuốc gây kích thích, hoặc có thể do họng, phế quản bị kích thích khi cảm lạnh thông thường hoặc là triệu chứng của một bệnh: hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản.
Đối với trường hợp ho khan là triệu chứng của một bệnh nào đó cần phải điều trị nguyên nhân gây bệnh. Một số người sử dụng các thuốc ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây ho khan, khi ngừng thuốc sẽ hết ho.
Trường hợp ho khan không xác định rõ nguyên nhân hoặc điều trị nguyên nhân gây bệnh mà không hết ho thì việc dùng thuốc giảm ho là cần thiết.
Các thuốc thường dùng:
- Dextromethophan: Là thuốc giảm ho có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não, được dùng giảm ho do kích thích nhẹ ở phế quản và họng như cảm lạnh thông thường hoặc hít phải các chất kích thích, đặc biệt có hiệu quả trong điều trị ho khan mạn tính. Thuốc có độc tính thấp nhưng nếu dùng với liều cao có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương.
- Codein (thuốc trị ho dẫn xuất á phiện): Có tác dụng làm giảm ho trong các trường hợp ho khan nhẹ. Tuy nhiên codein không đủ hiệu lực để giảm ho trong các trường hợp ho nặng. Ngoài ra, codein còn có tác dụng giảm đau trong trường hợp đau nhẹ và vừa. Tác dụng phụ hay gặp khi dùng thuốc là táo bón (do thuốc làm giảm nhu động ruột, cần dùng thêm thuốc nhuận tràng), an thần và lệ thuộc thuốc.
- Các thuốc phối hợp (atussin, decolsin, rhumenol...): Ngoài các hoạt chất làm giảm ho như dextromethophan, các thuốc này còn có thêm thành phần kháng histamin, chất làm giảm ngạt mũi. Vì thế chỉ dùng các thuốc này khi ho có kèm theo hiện tượng ngạt mũi.
- Thuốc ngậm giảm ho: Với loại thuốc này cần kiểm tra thành phần đường có trong thuốc khi dùng (đặc biệt ở bệnh nhân tiểu đường).
Ngoài ra có thể dùng điều trị hỗ trợ bằng các thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như các loại si rô trị ho.
Theo Sức khỏe & Đời sống - NT