Hồ sơ hạt nhân Iran sắp có chuyển biến?

Hoàng Bách 24/02/2021 08:14

(Baonghean.vn) - Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa đạt được một thỏa thuận với Cộng hòa Hồi giáo Iran, theo đó sẽ cho phép các thanh sát viên của họ tiếp tục tiếp cận để thẩm tra và giám sát hoạt động hạt nhân tại nước này trong thời gian 3 tháng tới. “Tin vui” trên được kỳ vọng sẽ đặt những viên gạch tạo nền móng để Washington và Tehran khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân.

Giải pháp tạm thời

Theo hãng tin CNN, hôm 21/2 vừa qua, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã tiết lộ rằng, cơ quan này cùng Tehran đã đạt được “bản ghi nhớ kỹ thuật” tạm thời. Đây được cho là kết quả trực tiếp có được ngay sau chuyến thăm của ông Grossi đến Iran, trong bối cảnh nền Cộng hòa Hồi giáo trước đó đã phát đi tín hiệu về những kế hoạch thu hẹp phạm vi hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân toàn cầu.

Cần lưu ý rằng, chỉ mới tuần trước, Iran đã thông báo, nước này muốn ngừng thực thi giao thức bổ sung của IAEA, tức sẽ hạn chế số lượng các cơ sở mà các thanh sát viên trong lĩnh vực hạt nhân được tiếp cận để tìm hiểu, xem xét kỹ lưỡng, cũng như thời điểm họ có thể tiếp cận các địa điểm này. Một khi tuyên bố này chính thức có hiệu lực, chắc chắn các chuyên gia sẽ gặp khó hơn trong việc định đoạt liệu rằng Tehran có đang tìm cách để phát triển vũ khí hạt nhân hay không.

Người đứng đầu IAEA Rafael Grossi. Ảnh: AFP
Người đứng đầu IAEA Rafael Grossi. Ảnh: AFP

Bởi vậy, như ông Grossi phân tích, bản thỏa thuận tạm thời đạt được hôm Chủ nhật sẽ giúp giảm bớt tác động từ việc Iran rút khỏi giao thức bổ sung. Nhân vật này cho biết thêm: “Nội dung mà chúng tôi đi đến thống nhất là những điều khả thi, có ích trong việc thu hẹp khoảng cách hiện nay, cứu vãn tình hình”.

Theo hé lộ từ Tổng Giám đốc IAEA, một trong những điểm quan trọng trong thỏa thuận đôi bên vừa qua, là số lượng thanh sát viên quốc tế được ở lại Iran vẫn giữ nguyên, song quyền tiếp cận của họ đối với các cơ sở hạt nhân sẽ hạn chế hơn, và họ sẽ không được phép tiến hành các cuộc “thanh tra nhanh” vào giờ chót như trước nữa. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tạm thời: “Đây không phải là sự thay thế cho những gì chúng ta từng có. Đây là một phương án tạm thời, cho phép chúng ta tiếp tục bảo đảm với thế giới về những gì đang diễn ra tại đó, với hy vọng rằng chúng ta có thể trở lại với một bức tranh đầy đủ hơn”.

Ngày một xa rời thỏa thuận

Từ thành công vang dội của bản thỏa thuận lịch sử Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1, đội ngũ giám sát của IAEA đã được trao nhiều quyền hạn thanh sát. Còn với Iran, dù bấy nay đều khẳng định rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ các mục đích hòa bình, nhưng trước thái độ hoài nghi từ cộng đồng quốc tế, họ đã nhất trí ký vào bản thỏa thuận JCPOA đứng ra dàn xếp đôi bên, yêu cầu Iran hạn chế chương trình hạt nhân, không phát triển vũ khí hạt nhân, để đổi lấy việc được nới lỏng trừng phạt.

Song như dư luận được chứng kiến, “bước ngoặt” trong hồ sơ nóng này phải kể đến khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố xem bản thỏa thuận năm 2015 là quá rộng rãi, hào phóng với Tehran và rút Washington khỏi mối ràng buộc vào năm 2018. Đáp trả, Iran đã dần thu hẹp phạm vi các cam kết của nước này theo bản thỏa thuận. Trong đó, đáng chú ý bao gồm việc làm giàu urani, nguyên liệu cần thiết trong chế tạo bom hạt nhân, ở các cấp độ cao hơn ngưỡng đã thống nhất.

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei cho biết Tehran có thể tăng cấp độ làm giàu urani. Ảnh: DW
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Khamenei cho biết Tehran có thể tăng cấp độ làm giàu urani. Ảnh: DW

Mới đây, hồi tháng 1, Iran tuyên bố trở lại làm giàu urani lên mức độ 20%, vượt xa so với mức trần 3,67% quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015. Nhưng chưa dừng lại ở đó, đến ngày 22/2, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei tuyên bố nước này còn có thể đi xa hơn nữa, làm giàu urani lên tới 60% nếu cần thiết để phát triển các công nghệ mới. Trên trang cá nhân Twitter, ông Khamenei viết: “Iran không theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng việc làm giàu hạt nhân cũng sẽ không bị hạn chế ở mức độ 20%. Iran sẽ làm giàu urani tới cấp độ cần thiết đối với đất nước”.

Trong tuyên bố bổ sung đăng trên trang web của mình, nhà lãnh đạo tối cao Khamenei còn cho biết, Tehran có thể cần phát triển công nghệ chẳng hạn như các hệ thống đẩy hạt nhân để cung cấp năng lượng cho tàu biển. Ông nói thêm: “Việc làm giàu sẽ tăng theo các nhu cầu đất nước đòi hỏi, chẳng hạn với một máy đẩy hạt nhân hay các công trình khác chúng tôi có thể cần phải tăng cấp độ làm giàu lên 60%”. Những con số trên, tuy chưa chạm tới mức làm giàu 90% trở lên - được xem là cấp độ vũ khí, nhưng cũng đủ để các cường quốc quan tâm đứng ngồi không yên về vấn đề Iran.

Thế bế tắc khó hóa giải

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố Washington sẵn lòng tổ chức các cuộc đàm phán cùng Tehran và các bên khác tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, thậm chí trước cả khi một trong hai bên có bất cứ hành động cụ thể nào nhằm cứu vãn hoặc quay trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Một số quan điểm cho rằng, đây là tín hiệu khá tích cực nếu so với tình cảnh bế tắc trước đó, khi Mỹ và Iran cùng kiên quyết yêu cầu đối phương phải quay trở lại tuân thủ thỏa thuận trước. Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố Mỹ phải nhận lấy trách nhiệm khi là bên lựa chọn rời bỏ thỏa thuận trước: “Mỹ cần thể hiện thiện chí quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân của họ. Mỹ hiện không tham gia thỏa thuận hạt nhân và đó là vì họ tự quyết định rút khỏi, chứ không thực hiện các lộ trình sẵn có trong phạm vi thỏa thuận hạt nhân”.

Thỏa thuận tạm thời giữa Iran với IAEA cho phép các thanh sát viên tiếp tục công việc tại Iran trong 3 tháng tới. Ảnh: ISNA
Thỏa thuận tạm thời giữa Iran với IAEA cho phép các thanh sát viên tiếp tục công việc tại Iran trong 3 tháng tới. Ảnh: ISNA

Ở phía bên kia, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ lại tỏ ra thận trọng, nhấn mạnh rằng việc họ sẵn lòng ngồi lại cùng các đối tác và Iran không phải là sự nhượng bộ, thậm chí cũng không phải khởi đầu cho các cuộc đàm phán hạt nhân. Thay vào đó, nó đơn thuần chỉ là bước ngoại giao đầu tiên để xem xét nên làm thế nào để bắt đầu thảo luận các vấn đề quan trọng. Một quan chức cấp cao của Bộ này đã chia sẻ với truyền thông: “Cho tới khi chúng tôi ngồi xuống và đàm phán, thì sẽ chẳng có điều gì xảy ra cả. Nó không có nghĩa là khi chúng tôi ngồi xuống, đàm phán, thì chúng tôi sẽ thành công, nhưng chúng tôi biết chắc rằng nếu không tiến hành bước ấy, tình hình đơn giản là sẽ chuyển từ xấu thành xấu hơn”.

Chiều hướng quan điểm này cũng được Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden đề cập công khai hồi tuần trước, khi cho biết rằng các quan chức Mỹ đặc biệt quan ngại về việc Iran quyết định từ chối hợp tác với IAEA và trước hết Iran phải ngừng xa rời với việc tuân thủ thỏa thuận, thì mới có khả năng xuất hiện đường hướng về mặt ngoại giao.

“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu. Sẽ có nhiều việc phải làm, sẽ cần đến chiến thuật ngoại giao cứng rắn, sáng suốt, và cuối cùng Iran sẽ cần phải quyết định họ sẵn sàng thực hiện các bước theo yêu cầu để bảo đảm và chứng minh với thế giới, rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ phục vụ các mục đích hòa bình”, Sullivan cho hay./.

Mới nhất
x
Hồ sơ hạt nhân Iran sắp có chuyển biến?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO