Hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp: Chủ thể không mặn mà
(Baonghean) - Theo Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2013, mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng quyết định này có hiệu lực, các khóa học nghề cho lao động thất nghiệp vẫn chưa tạo được sức hút...
Lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. |
Tại Phòng Bảo hiểm Thất nghiệp của Trung tâm Giới thiệu việc làm (trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) có rất đông người lao động đến đăng ký thất nghiệp. Bên cạnh hướng dẫn các thủ tục cần thiết, các cán bộ của phòng còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề cho người lao động. Thế nhưng, theo quan sát của chúng tôi, đa số lao động đến đây đều thờ ơ về vấn đề này. Chị Nguyễn Thị Hà (SN 1988) ở xã Trung Sơn (Đô Lương) cho biết, trước đây, chị làm việc cho một công ty sản xuất giày thể thao ở TP. Hồ Chí Minh được 4 năm. Năm nay, do công ty cắt giảm lao động nên chị phải nghỉ việc từ đầu tháng 3/2014.
Chị Hà cho biết: “Em đã đóng đủ 3 năm bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên chỉ muốn lấy tiền trợ cấp để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Sắp tới, em có ý định về quê mở cửa hàng tạp hóa nên việc học nghề không cần thiết, vì vừa tốn thời gian lẫn tiền bạc. Hơn nữa, mức hỗ trợ học nghề 600.000 đồng/người/tháng như hiện nay không thấm vào đâu, so với chi phí ăn uống, đi lại”. Còn anh Lê Văn Thế (SN 1974) ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) vừa nghỉ việc từ tháng 2/2014 sau 5 năm làm việc cho một công ty giày da ở Đồng Nai. Vừa điền vào mẫu khai để hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh Thế cho biết: “Là lao động chính trong gia đình, vợ làm nông nghiệp với 3 con nhỏ nên tôi cần tìm ngay công việc để có kinh phí trang trải cuộc sống. Vừa được học nghề vừa được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng rất ý nghĩa, nhưng học xong vẫn thất nghiệp thì thà lấy tiền trợ cấp và đi làm thuê thời vụ còn hơn”.
Trao đổi về vấn đề này, bà Lâm Thị Quế - Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp cho biết: “Ngoài trợ cấp thất nghiệp, mục tiêu đặt ra của chính sách BHTN là sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường lao động bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề. Do đó, từ năm 2013, cùng với chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp, chính sách hỗ trợ học nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp được triển khai với mức hỗ trợ 300.000 đồng/tháng (bằng mức chi phí học nghề trình độ sơ cấp). Tuy nhiên, trong 3 năm (2010 - 2012), số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.785 người với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp 57 tỷ 113 triệu đồng nhưng không có ai đăng ký học nghề.
Phải đến năm 2013, trong số 7.359 người hưởng trợ cấp thất nghiệp mới có 50 người đăng ký học nghề. Cụ thể, tháng 8/2013, có 25 người tham gia khóa học may dân dụng - công nghiệp và tháng 12/2013, có 25 người học nghề sửa chữa xe máy, mỗi khóa học diễn ra trong 3 tháng. Trong 4 tháng đầu năm 2014, dù được hưởng mức hỗ trợ mới, nhưng trong số gần 2.500 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, mới có 12 người có nhu cầu học nghề và chúng tôi cũng không chắc chắn được trong số này sẽ có bao nhiêu người tham gia học nghề”.
Ông Hồ Văn Hùng – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: “Trong lúc công tác dạy nghề đang gặp khó khăn, Nhà nước tăng mức hỗ trợ là một sự khích lệ lớn đối với Trung tâm và người lao động. Sau khi có Quyết định 55 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã tăng cường cán bộ tư vấn trực tiếp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề. Bên cạnh đó, chúng tôi đã liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để người lao động có thể tiếp cận với các lớp đào tạo nghề phù hợp với trình độ, năng lực của người lao động, như: nấu ăn, sửa chữa xe máy, vi tính, may công nghiệp... Tuy vậy, công tác dạy nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn là bài toán nan giải. Thực tế, mức hỗ trợ trên mới chỉ phù hợp với một số nghề như: nấu ăn, trồng trọt, chăn nuôi…
So với một số nghề có chi phí cao như lái xe, cơ khí thì mức hỗ trợ này còn khá thấp, dẫn đến khó thu hút học viên. Ví như trong năm 2014 này, chúng tôi có ý định liên kết với trường Cao đẳng nghề Việt - Đức để đào tạo nghề lái xe nhưng chi phí của một khóa học lái xe 3 tháng là 4,7 triệu đồng, nghĩa là lao động tham gia học nghề phải tự chi trả 1,7 triệu đồng. Hơn nữa, với các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp thì chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc. Nếu muốn nâng cao kỹ năng làm việc, người lao động phải bỏ thêm chi phí để học các khóa trung cấp hoặc cao đẳng nghề. Trong khi, đại đa số lao động đến đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%), đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền trợ cấp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống thì lấy đâu ra để tái đầu tư cho kỹ năng làm việc!?
Do vậy, tâm lý chung của họ là dành thời gian làm các công việc không chính thức khác để duy trì cuộc sống trong khi tìm được việc làm mới. Mặt khác, theo quy định, kinh phí hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp không trao trực tiếp cho người lao động mà được chi trả cho các cơ sở dạy nghề thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội bằng hình thức chuyển khoản hàng tháng, thủ tục phức tạp nên các cơ sở dạy nghề cũng không mặn mà trong việc tiếp nhận lao động thất nghiệp vào học nghề”. Còn anh Trần Ngọc Quang (SN 1980) ở xã Nghi Trường (Nghi Lộc) cho biết thêm: “Tôi đã làm cho 3 công ty ở miền Nam và khi mới được nhận vào, tôi cũng đều phải trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn của công ty mới có thể làm việc. Do vậy, tôi thấy việc học nghề là thiếu thực tế, không cần thiết”.
Bà Hồ Thị Châu Loan – Trưởng phòng Đào tạo nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) bày tỏ quan điểm: “Đa phần lao động đăng ký hưởng BHTN là lao động phổ thông, chính vì vậy dù có trải qua 3 hay 6 tháng học nghề họ cũng không thể trở thành lao động có tay nghề cao để xin được vào làm việc ở một nơi có mức lương cao hơn. Do đó, vấn đề mấu chốt ở đây là tạo việc làm và bảo vệ việc làm bền vững cho họ. Ngoài ra, để khuyến khích lao động thất nghiệp học nghề, thiết nghĩ không nên quy định cứng mức hỗ trợ mà nên quy định hỗ trợ theo khung thời gian học, theo nhóm ngành nghề. Mặt khác, việc đào tạo phải có có sự gắn kết hơn nữa giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên, tránh lãng phí kinh phí của nhà nước cũng như nguồn lực lao động như hiện nay”.
Mai Anh