Hỗ trợ vùng miền núi khó khăn: Bài 1- "Thổi gió" cho vùng đất khó

16/10/2014 20:05

(Baonghean) - Có thể nói, từ hạ tầng giao thông đến các công trình phúc lợi, từng mái nhà đến từng cây trồng, vật nuôi..., các chính sách, chương trình hỗ trợ về với bản làng như luồng gió mát lành làm đổi thay miền gian khó. Đã có nhiều gia đình, nhiều bản làng nhờ sự giúp đỡ ấy mà xóa tên khỏi diện đói nghèo...

Công trình nước sinh hoạt tạ chảy tại bản Hạt Tà Vén được đầu tư bằng nguồn vốn 135/CP.
Công trình nước sinh hoạt tạ chảy tại bản Hạt Tà Vén được đầu tư bằng nguồn vốn 135/CP.

Những chính sách hợp lòng dân

Trong vòng hơn 10 năm qua, Đảng, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn mang tính nhân văn cao, hợp với lòng dân, đã giúp cho đồng bào các dân tộc cải thiện về tinh thần và vật chất. Ngày 20/7/2004, Chính phủ ra Quyết định số 134 (gọi tắt là Chương trình 134/CP) về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho những hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Mục tiêu chính sách của Chương trình 134 là đảm bảo mỗi hộ dân tộc thiểu số có tối thiểu 0,5 ha đất nương rẫy, hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước 1 vụ, hoặc 0,15 ha đất lúa nước 2 vụ để sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo mỗi hộ dân tộc thiểu số nông thôn có tối thiểu 200m2 đất ở; trợ cấp cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở, hoặc nhà ở tạm bợ để họ xây nhà. Nhà nước trợ cấp 0,5 tấn xi măng cho mỗi hộ dân tộc thiểu số để xây dựng bể nước mưa, hoặc cấp 300.000 đồng để đào giếng, hoặc tạo nước sinh hoạt đối với các hộ dân tộc thiểu số sống phân tán tại vùng cao, núi đá, khu vực khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Đối với các thôn, bản có từ 50% số hộ dân tộc thiểu số trở lên, Trung ương sẽ trợ cấp 100% kinh phí công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Đối với các thôn bản có từ 20% đến dưới 50% số hộ là người dân tộc thiểu số, sẽ cấp 50% kinh phí xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung...

Cuối năm 2007, Chính phủ có Quyết định số 135/CP về việc hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn về phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho các hộ dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công cộng địa phương: điện, trường học, trạm y tế, nước sạch; nâng cao đời sống văn hóa. Giai đoạn I của Chương trình 135/CP được thực hiện từ năm 1998 đến 2006, giai đoạn II, từ 2006 đến 2010. Hiện đang thực hiện giai đoạn III, từ năm 2012 đến 2015.

Đặc biệt, ngày 12 tháng 12/2008, Chính phủ ra Quyết định số 167/CP về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Theo đó, những hộ nghèo chưa có nhà ở, hoặc đã có nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở. Mỗi hộ được Trung ương hỗ trợ 6 triệu đồng, ngoài ra các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách Trung ương hỗ trợ và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở. Bên cạnh đó, các hộ này còn được vay vốn ngân hàng 8 triệu đồng, với lãi suất 3% năm (vay trong thời hạn 10 năm).

LTS: Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vùng đồng bào đặc biệt khó khăn, mục tiêu chính để giúp đồng bào thoát nghèo. Từ những chính sách và sự trợ giúp thiết thực ấy, bộ mặt vùng cao đã có nhiều đổi mới, nhiều hộ dân nhờ “điểm tựa” ấy biết vươn lên thoát nghèo một cách đáng khâm phục. Song, bên cạnh đó, không ít hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách của Nhà nước để mặc nhiên hưởng lợi, phấn đấu để được… hộ nghèo. Cá biệt, có những địa phương cũng cố “chạy” cho bằng được bản nghèo, xã nghèo để được hưởng lợi từ nguồn đầu tư, hỗ trợ của nhà nước. Làm thế nào để chính sách hỗ trợ cho vùng khó thực sự phát huy được tác dụng tốt đẹp, đầy nhân văn, là câu hỏi cần sớm lời giải đáp.

Gần đây nhất, ngày 27/12/2008, Chính phủ có Nghị quyết 30a về việc hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững dành cho 62 huyện nghèo trên cả nước, trong đó Nghệ An có 3 huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, huy động các nguồn lực của xã hội, nhằm khai thác tiềm năng của từng địa phương trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, nhằm phát triển theo hướng hàng hóa, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, đảm bảo đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phù hợp với đặc điểm của từng huyện. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng...

Bản làng không ngừng đổi mới

Những chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đã góp phần làm thay đổi diện mạo thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm. Trình độ dân trí và năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp xã được nâng lên. Tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào các dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa. Các công trình phúc lợi tại thôn bản được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu về khám chữa bệnh cho người dân, học tập của con em. Khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Có thể thấy, những chủ trương, chính sách đầu tư trực tiếp cho vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, là “xương sống” dành cho đồng bào dân tộc, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư.

Bản biên giới Hạt Tà Vén, xã Keng Đu (Kỳ Sơn), là nơi cư trú của gần 121 hộ (573 khẩu) đồng bào dân tộc Khơ mú. Những năm gần đây, đời sống mọi mặt của đồng bào Khơ mú ở Hạt Tà Vén đã nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt thôn bản có nhiều khởi sắc. Phần lớn các hộ trong bản đã được lợp mái tôn, hoặc tấm pro xi măng, phần lớn bằng sự đầu tư hỗ trợ thông qua các chính sách của Nhà nước (Chương trình 167 và 135/CP). Bà con dân bản đoàn kết, giúp đỡ nhau khi trong bản có gia đình làm nhà mới. Từ đắp nền, vận chuyển vật liệu đến dựng nhà, lợp mái là dân bản giúp nhau ngày công. Bản Hạt Tà Vén còn được đầu tư bằng nguồn vốn 135/CP, xây dựng công trình nước sinh hoạt cộng đồng, phát huy hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con từ nhiều năm nay. Vừa qua, bằng nguồn vốn của Chương trình 135/CP mở rộng con đường nối từ trung tâm xã vào bản, dài hơn 5 km, tạo thuận lợi cho bà con đi lại giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế. Kinh tế ổn định, văn hóa xã hội ngày càng phát triển theo hướng tích cực, lành mạnh. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội đã được bà con Hạt Tà Vén đẩy lùi.

Đồng bào người Thái ở vùng bản Đình gồm 3 bản Liên Đình, Trung Đình và Nam Đình, xã Chi Khê (Con Cuông) rất phấn khởi khi được nhà nước đầu tư 5 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Chương trình 135/CP và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, để xây dựng tuyến đường liên thôn có tổng chiều dài 2.045m, mặt đường rộng 8m. Từ ngày có đường liên thôn, một hộ gia đình ở bản Liên Đình đã sắm ô tô tải để phục vụ nhu cầu của bà con dân bản. Tỷ lệ hộ nghèo ở bản Nam Đình trong 2 năm trở lại đây đã giảm mạnh. Hiện cả bản 120 hộ dân bàn chỉ còn lại 6 hộ nghèo.

Trên địa bàn này có một công trình nước sạch được đầu tư từ hơn 10 năm về trước. Trong quá trình sử dụng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, đến nay công trình vẫn phát huy hiệu quả. Những năm gần đây, thông qua Chương trình 167/CP, hàng chục gia đình xóa được mái nhà tranh tre, làm được nhà kiên cố. Năm 2012, bản được đầu tư xây dựng 1 nhà văn hóa tương đối kiên cố với trang thiết bị nghe nhìn khá đầy đủ, bà con đã yên tâm hơn mỗi khi làng bản có hội họp.

Làm đơn rút khỏi hộ nghèo

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã kịp thời động viên, giúp đỡ để người nghèo, hộ nghèo có “điểm tựa” thoát nghèo. Có thể xem đó là sự quan tâm, sẻ chia, nhưng còn có ý nghĩa “kích cầu” để bà con cố gắng vươn lên sau một thời gian được sự cưu mang, hỗ trợ của Nhà nước, có nhiều hộ từ nghèo đói vươn lên khá, đã tự nguyện viết đơn xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông là ví dụ điển hình. Người đầu tiên làm đơn rút khỏi hộ nghèo là cụ Lưu Đình Ấn, bản Thạch Tiến. Cụ Ấn bị u bàng quang, dân bản bầu chọn là hộ nghèo hồi cuối năm 2011. Đến tháng 3/2012, qua cơn nguy kịch, cụ bàn với vợ và làm đơn rút khỏi danh sách hộ nghèo, vì mình đã bớt khó khăn. Cụ Ấn là bệnh binh 2/3, thương binh hạng 4/4, mang trong mình chất độc da cam. Cụ có 3 người con, thì người con đầu và con út mang di chứng chất độc đioxin.

Tiếp đó là chị Lô Thị Hương, ở bản Đồng Tâm, xã Thạch Ngàn, viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, vào ngày 7/11/2012. Đầu năm 2012, chị Hương được dân bản bầu là hộ nghèo theo tiêu chuẩn. Sau 10 tháng phấn đấu, cùng với sự giúp đỡ của chi hội Phụ nữ, đời sống của gia đình chị ngày càng ổn định, chị tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đáng khâm phục, là chồng chị qua đời, một mình chị nuôi 4 người con. Ngoài 4 sào ruộng, chị còn chăn nuôi lợn thịt, mỗi năm 2 lứa, xuất chuồng 1,2 tấn lợn thịt.

Ở bản Đồng Tâm, ngoài chị Hương, còn có một số gia đình cũng làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trong năm 2012. Với một xã thuộc diện khó khăn nhất huyện Con Cuông, đời sống của người dân thiếu thốn đủ bề, thì “chuyện thật như bịa” này là “sự kiện” hiếm thấy. Với họ, một suy nghĩ rất đáng trân trọng là trong thôn, bản còn nhiều hộ khó khăn, vất vả hơn mình nhiều, mình còn trẻ khỏe, mà nhận hộ nghèo mãi, khó coi lắm. Mình không thể ngồi trông chờ, ỉ lại nhà nước mãi. Suy nghĩ và hành động của họ cần có sự động viên, cổ vũ của các cấp chính quyền!

Có thể nói rằng, những chương trình, nghị quyết về chính sách hỗ trợ vùng miền núi khó khăn của nhà nước trong nhiều năm qua, đã làm “đòn bẩy” cho đồng bào các dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, diện mạo thôn bản ngày càng đổi mới. Tuy nhiên vẫn còn không ít gia đình lợi dụng sự cưu mang, hỗ trợ của nhà nước, từ đó không chịu vươn lên thoát nghèo, cứ hưởng lợi từ chính sách một cách vô cảm!

X. Hoàng - Vi Chôồng

Mới nhất
x
Hỗ trợ vùng miền núi khó khăn: Bài 1- "Thổi gió" cho vùng đất khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO