Cảnh báo chiêu lừa chiếm đoạt tài khoản Facebook người khác để kêu gọi từ thiện
(Baonghean.vn) - Đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm tới là những người có uy tín, đã lớn tuổi để chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi đăng bài kêu gọi từ thiện.
Tối 24/7, thầy Trần Vũ Bảo (74 tuổi, trú TP Vinh), tá hỏa khi liên tiếp nhận được điện thoại của nhiều học trò, người thân về bài đăng kêu gọi từ thiện của ông trên Facebook cá nhân. Thầy Bảo là cựu giáo viên của một trường cấp 3 ở TP Vinh, trên Facebook cá nhân của ông có rất nhiều người theo dõi, đặc biệt là các thế hệ học trò.
“Đến lúc nhận được điện thoại thì tôi mới biết là tài khoản Facebook của tôi đã bị hack, nhưng vì già rồi, không thạo công nghệ lắm chẳng biết phải làm thế nào cả”, thầy Bảo nói.
Sau khi chiếm đoạt được tài khoản Facebook thầy Bảo, những kẻ lừa đảo đã đăng bài kêu gọi từ thiện. Bài viết này đã bịa ra một trường hợp về người cháu thầy Bảo ở Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò), “bị mắc bệnh u não tuyến yên khổng lồ, chưa từng có ở Việt Nam”. “Khối u xâm lấn đến rất nhiều não bộ, chèn ép các dây thần kinh khiến cháu luôn ở trong tình trạng đau đớn với các triệu chứng đau nhức đầu, hai mắt…”, nội dung bài đăng viết. Trong khi trên thực tế, thầy Bảo không hề có người cháu nào có tên như vậy.
Ngoài ra, trong bài đăng này còn được đính kèm thêm các hình ảnh với chú thích là nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch ở bệnh viện, nhằm đánh vào lòng thương của nhiều người. Cuối bài đăng là số tài khoản để kêu gọi từ thiện….
Do tin tưởng thầy Bảo, chỉ sau ít phút, nhiều người đã lập tức chuyển tiền vào số tài khoản này mà không điện thoại xác minh với chủ nhân Facebook. “Những ai bình luận cảnh báo việc tôi bị mạo danh ngay dưới bài đăng liền bị chúng xóa hết. Tôi phải điện thoại nhờ nhiều bạn bè, người thân đăng bài cảnh báo tài khoản Facebook tôi đã bị hack để hy vọng mọi người biết và không chuyển tiền. Việc bị mạo danh như thế này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của tôi”, thầy Bảo nói và cho hay, hiện nay thầy đã nhờ người lấy lại được tài khoản Facebook của mình.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là chiêu lừa đảo mới trên mạng xã hội. Đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm tới thường là bậc lớn tuổi, có uy tín và có nhiều người theo dõi trên Facebook. Nhà thơ Lăng Hồng Quang – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng là một trong những nạn nhân của chiêu trò này.
Ông Quang (80 tuổi) cho biết, cách đây không lâu, ông cũng bị chiếm đoạt tài khoản Facebook rồi bị mạo danh đăng bài kêu gọi từ thiện. “Chúng dùng tài khoản Facebook của tôi rồi bịa ra câu chuyện một trường hợp bị tai nạn giao thông, với những lời lẽ rất thương tâm kèm theo hình ảnh. Bên dưới là số tài khoản ngân hàng để lừa mọi người gửi tiền vào”, ông Quang kể và cho hay, vì tin tưởng ông nên đã không ít bạn bè trên Facebook của ông gửi tiền vào tài khoản của những kẻ lừa đảo.
“Theo tôi được biết thì chiêu lừa với thủ đoạn tinh vi này hiện nay rất phổ biến. Vì vậy, tôi kêu gọi mọi người khi đọc được những bài viết kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội cần phải cảnh giác”, ông Lăng Hồng Quang nói.
Trong thông báo về chiến dịch phòng chống lừa đảo trực tuyến mới đây, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, không gian mạng Việt Nam đang tồn tại ba nhóm lừa đảo chính, gồm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp.
Các hình thức lừa đảo online được thực hiện bằng nhiều kịch bản khác nhau và ngày càng tinh vi. Trong đó, người lao động, nhân viên văn phòng là mục tiêu bị dẫn dụ của 19 hình thức lừa đảo, người cao tuổi là 15 hình thức; trẻ em 3 và sinh viên/thanh niên là 13 hình thức.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
24 chiêu lừa đảo trên mạng gồm:
1. Lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”.
2. Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice.
3. Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao.
4. Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công.
5. Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu.
6. Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí.
7. Thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng.
8. Cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen,...
9. Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (BHXH, ngân hàng...).
10. Lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo.
11. Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp.
12. Lừa đảo tuyển CTV online.
13. Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo.
14. Giả danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo.
15. Rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
16. Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng.
17. Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng.
18. Lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa.
19. Lừa đảo lấy cắp Telegram OTP.
20. Lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI.
21. Lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook.
22. Lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng.
23. Rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo bẩn trên Facebook.
24. Lừa đảo cho số đánh đề.