Hòa hợp trong khuôn khổ pháp luật để cùng lo cho con người!
Baonghean) - 1. Có một quan niệm rất phổ biến: Trong mỗi con người có hai phần, thể xác và linh hồn. Có lẽ vì thế mà nhiều người đã quan niệm: Sống gửi - thác về. Đồng bào lương nói về là về với tổ tiên, tức là về với cội nguồn đã sinh ra mình. Đồng bào theo đạo Phật nói về là về với cõi Phật, với Phật Tổ Như lai. Đồng bào theo đạo Thiên chúa nói về là về với Đức Chúa trời (Đức Chúa Jesu), về với nước Chúa.
Điểm chung của những quan niệm ấy chỉ ra rằng: Lo cho con người phải đồng thời lo về thể xác lẫn linh hồn. Lo cho con người phải vừa lo khi sống lẫn khi thác, vừa lo cho con người ở trần gian - trần thế lẫn lo cho con người nơi “về” nào đó.
Lịch sử loài người là sự song hành của những cuộc cách mạng kế tiếp nhau: từ cách mạng của những người nô lệ, nông nô, nông dân, tư sản, vô sản để đi đến sự giải phóng con người ngày một sâu rộng hơn và triệt để hơn với sự ra đời, truyền bá các tôn giáo khác nhau: Đa thần giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo... Dẫu là phương cách nào, cách mạng hay tôn giáo, dẫu rất khác nhau về nhiều phương diện nhưng lại gặp nhau ở tính mục đích cuối cùng: Lo cho con người!
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí nước ngoài đã nói đại ý: Đức Khổng tử, Đức Phật, Đức Chúa, Thánh Găng-đi, Các Mác sống ở các thời khác nhau. Song, nếu các vị ấy sống cùng thời với nhau thì chắc chắn các vị ấy sẽ sống rất hòa hợp. Sở dĩ Người nói như vậy là vì các vị ấy tuy có nhiều điểm khác nhau, sống ở các thời khác nhau nhưng lại cùng có một điểm chung: Cùng lo cho hạnh phúc của con người. Chính điểm chung ấy là cơ sở, nền tảng, điều kiện để các vị ấy (nếu sống cùng thời) sẽ rất hòa hợp.
Các vị ấy sống hòa hợp được với nhau, có nghĩa cách mạng và tôn giáo với mục đích chung là lo cho con người thì hoàn toàn có thể hòa hợp với nhau, vấn đề là ở chỗ: Phải lấy mục đích chung để đến với nhau, hỗ trợ nhau, cùng nhau lo cho con người, qua đó mà hòa hợp.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân ta làm cách mạng để giành lại độc lập cho đất nước, từ đó để đi tiếp đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta đã nói: Tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người còn nói: Tôi hiến dâng cuộc đời tôi cho dân tộc tôi. Ham muốn tột bậc của Người, sự dâng hiến của Người cũng chính là ham muốn, sự dâng hiến của Đảng cho đất nước, cho dân tộc, cho nhân dân, cho mọi con người Việt Nam. Từ ngày đầu thành lập đến khi giành được chính quyền cho đến nay, Cách mạng Việt Nam, Nhà nước Việt Nam luôn lấy việc chăm lo cho con người trên trần thế cả vật chất và tinh thần là mục đích tối thượng lẫn mục đích cuối cùng. Ngoài mục đích này, Đảng và Nhà nước ta không có bất cứ lợi ích riêng tư nào. Bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta là thế và mãi là như thế.
Tổ tiên người Việt dạy các thế hệ cháu con phải biết tu thân, tích đức để khi “về” không hổ thẹn với tổ tiên. Đạo lý và truyền thống cùng với các nghi lễ thờ cúng tổ tiên là như thế.
Đức Phật răn dạy các thế hệ con người phải kiềm chế dục vọng để thêm nhiều việc thiện, điều thiện, bớt đi càng nhiều việc ác, điều ác, từ đó khi “về” với cõi Phật thì linh hồn được siêu thoát.
Đức Chúa Jesu răn dạy các thế hệ con người sống vị tha, thân ái trong tình thương, từ đó mà “về” được với Chúa trên Thiên đường.
Giáo lý và các nghi lễ tôn giáo của Phật giáo, Thiên Chúa giáo là như thế. Vậy là từ đạo thờ tổ tiên, đến đạo thờ Đức Phật, đạo thờ Đức Chúa đều là lo cho con người khi con người đã tạ thế, khi linh hồn con người đã rời khỏi trần gian để “về”.
Sự “phân công” tự nhiên, mặc nhiên như thế, nên “công vụ” và “mục vụ” có những việc khác nhau, thậm chí rất khác nhau nhưng chỉ có một mục đích chung: Lo cho con người. Tại sao, cứ đem cái khác nhau để nhìn nhau, để dẫn đến xung khắc, mà không đem cái mục đích chung để mà hòa hợp với nhau?
3. Bây giờ xin nói cái cụ thể. Nhân dân bầu ra những cá nhân nào đó nắm giữ vị trí này, vị trí khác trong chính quyền, trong bộ máy nhà nước. Với họ và qua họ để chăm lo cho con người trên trần thế. Còn giáo hội thì đào tạo rồi bổ nhiệm vị này, vị kia nắm giữ chức vị này, chức vị khác trong tổ chức của giáo hội. Với họ, qua họ để chăn dắt con chiên, giáo hóa Phật tử tức là để lo con người khi rời trần thế.
Các vị chức sắc trong chính quyền, cũng như các vị chức sắc trong tôn giáo công việc cụ thể khác nhau. Song thảy đều gánh vác một trách nhiệm chung: Lo cho con người cả phần thể xác lẫn linh hồn, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc gia.
Muốn hoàn thành 100% chức phận và chức trách của mình, các vị chức sắc chính quyền, các vị chức sắc tôn giáo phải dựa vào nhau, phải cộng sự với nhau, phải giúp nhau, tức là phải hòa hợp với nhau, coi việc của “chức sắc” kia cũng là việc của mình, việc cho mình, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Khi thi hành công vụ, các chức sắc chính quyền nhân danh Nhà nước, nhân danh chế độ; khi thi hành “mục vụ”, các chức sắc tôn giáo nhân danh Đức Phật, Đức Chúa, nhân danh giáo hội. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, mọi sự nhân danh đều phải trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc gia, nếu không, sự nhân danh ấy chỉ là mạo danh mà thôi. Sự mạo danh sẽ hủy hoại niềm tin lẫn đức tin thánh thiện.
Cùng lo cho con người mà trực tiếp ở đây là cùng lo cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam, thì sự hòa hợp và tuân thủ luật pháp Việt Nam là điều đương nhiên, không phải bàn cãi. Mỗi cá nhân, dù là nhân danh điều gì, cái gì đi chăng nữa nếu có những việc làm, hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Trương Công Anh