Hòa mình vào đất mẹ yêu thương!

14/10/2013 19:26

(Baonghean) - Ngày 13/10/2013 sẽ trở thành một ngày vô cùng đặc biệt trong lịch sử dân tộc ta - ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp tịnh giấc ngàn thu tại đỉnh núi Rồng (Quảng Trạch, Quảng Bình). Người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh về an giấc ngàn thu trên đất mẹ Quảng Bình! Mang theo dòng cảm xúc tiếc thương, hàng trăm ngàn người dân từ khắp mọi miền trong và ngoài nước đã theo dấu chân Người, về với mảnh đất Quảng Bình thuần hậu, tha thiết mong được gần Người trong những khoảnh khắc cuối cùng…

Đón Người vào đất Mẹ

Trái với lệ thường, từ 5h sáng, Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đã bừng tỉnh trong những thanh âm chộn rộn của phố phường. Từng dòng xe mang biển số các tỉnh, biển số ngoại giao, biển số nước bạn Lào… cùng dòng xe của người dân địa phương, nối đuôi nhau tiến về phía Cảng hàng không Đồng Hới, hướng về huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) - địa điểm sẽ diễn ra Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lịch trình và thời gian di chuyển của chuyên cơ đặc biệt chở linh cữu Đại tướng mang số hiệu VN103 xuất phát từ Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) được người dân Quảng Bình cập nhật từng phút qua làn sóng radio. Người Quảng Bình ngóng chờ vị tướng vĩ đại của mảnh đất quê hương mình, họ bảo nhau là “đi tiễn Bác Giáp”, “đi đưa Bác thêm một đoạn đường”… Chao ôi! Là những con người mộc mạc của mảnh đất cằn cát trắng, thẳm trong tim họ, vị tướng kiệt xuất của nhân loại thế kỷ XX là danh từ quá xa vời! Với họ, Đại tướng muôn đời giản dị là người con của xứ Quảng. Người sinh ra ở đây, thuở thiếu thời với biết bao kỷ niệm êm đềm nơi đây, thì đến những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, xứ Quảng nặng tình nặng nghĩa sẽ mở lòng đón Người vào đất Mẹ yêu thương.

Không biết là ngẫu nhiên hay hữu ý mà cung đường đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng từ Cảng hàng không Đồng Hới về đến núi Rồng, Quảng Trạch bấy lâu nay vẫn được người dân nơi đây tấm tắc là cung đường đẹp nhất Quảng Bình. Đẹp bởi phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, đẹp bởi lịch sử kiệt xuất gắn liền với bước chân dựng nghiệp của những danh tướng, danh nhân như Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Nguyên Hãn, Lê Thánh Tông, Đào Duy Từ, Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân… đến Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan… Ngày nay, cung đường ấy còn được nhân thêm vẻ đẹp khi đi qua địa phận các xã đều là những xã anh hùng. Hơn 70 km từ Cảng hàng không Đồng Hới đến núi Rồng, Quảng Trạch đã chật kín người từ sáng sớm, không ai bảo ai, một quang cảnh trật tự và nghiêm trang lan tỏa. Có cả những gia đình 3 thế hệ cùng hòa vào dòng người đông đúc, lại có cả những thương binh, chân đeo nạng gỗ, chậm chạp nhích từng bước một… Dưới cái nắng gắt đặc trưng của miền Trung, tịnh không một tiếng thở than, không một lời kêu mệt. Bà Nguyễn Thị Viêm (61 tuổi), được người con trai chở từ Hải Lăng (Quảng Trị) ra đến đèo Lý Hòa (Quảng Bình), tạm dừng chân nghỉ ngơi tại một quán nước ven đường, đưa tấm ảnh Đại tướng cất sâu trong túi xách ra vuốt cho thẳng nếp. Tấm ảnh được cắt ra từ trang nhất một tờ báo từ năm 1975 vẫn được bà giữ gìn cẩn thận. Lặng người khi nhìn tấm ảnh Đại tướng, bà xúc động tâm sự: “Hàng năm, dù bận đến đâu, tôi vẫn bảo con cháu sắp xếp thời gian đưa tôi ra thăm Nhà lưu niệm Đại tướng. Năm nay dự định ngày 22/12 sẽ đi thì đột ngột Đại tướng qua đời. Bàng hoàng xót xa lắm! Thế hệ chúng tôi biết ơn Đại tướng nhiều lắm, thương Người không nói hết lời!”

Cảm động nhất là sự có mặt của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai. 30 cựu chiến binh đã theo suốt lịch trình tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những ngày đầu tiên: Kính viếng Người ở ngôi nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), đến Nhà tang lễ Quốc gia số 5, Lê Thánh Tông, về với Nhà lưu niệm Đại tướng tại làng An Xá, và bây giờ, hòa vào dòng người có mặt tại Quốc lộ 1A đoạn qua xã Bố Trạch (Quảng Bình) để tiễn đưa Người lần cuối. Cựu chiến binh Trần Trọng Dương - đại diện cho hội tâm sự: “Nếu như không thực hiện được hành trình này thì chúng tôi ân hận suốt đời. Trong thời kỳ bom đạn chiến tranh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là anh hùng trong lòng chúng tôi, là thần tượng không ai thay thế được. 30 người của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai tha thiết muốn gần Người trong những giây phút thiêng liêng này!”

Một đôi bạn trẻ đặc biệt thu hút nhiều sự chú ý khi chạy xe máy từ Sài Gòn ra Quảng Bình để tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bạn Trần Lê Trung và Nguyễn Nữ Huyền Trang bắt đầu hành trình của mình từ ngày 7/10, thay nhau tay lái trên suốt dặm đường hơn 800 km, ngày đi, đêm nghỉ, mong đến Quảng Bình kịp thời điểm diễn ra Lễ an táng Đại tướng. Khi chúng tôi tìm gặp, đôi bạn trẻ đang gặp chút trục trặc trên đường đi khi chiếc xe máy bỗng dưng bất trị! Gạt vội giọt mồ hôi giữa trưa nắng chang chang, đôi bạn trẻ vẫn khẳng định vượt khó, quyết tâm đi đến cùng, không phải để chứng tỏ điều gì mà chỉ muốn tỏ tấm lòng tri ân đến vị đại tướng kiệt xuất của dân tộc. “Em là một người yêu lịch sử và rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thế hệ trẻ chúng em hoàn toàn không vô tâm trước lịch sử và những con người đã làm nên lịch sử ấy. Em đã không ngăn được xúc cảm mạnh mẽ khi nghe tin Đại tướng từ trần và quyết định cùng bạn Trang đến đây kính viếng anh linh Đại tướng” - bạn Trung chia sẻ.

Lễ rước linh cữu Đại tướng về nơi an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình). Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Lễ rước linh cữu Đại tướng về nơi an táng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Bình). Ảnh: Trần Duy Ngoãn

11h42 phút, thông tin chiếc chuyên cơ đặc biệt đưa linh cữu Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng đã về đến Cảng hàng không Đồng Hới được biển người chia sẻ cho nhau. Từng phút, từng giây chờ đợi tưởng như bất tận. .. 12h50 phút, toàn bộ đoàn xe tang lễ đã ra đến Quốc lộ 1A, hàng vạn người dân không hẹn mà đồng thanh gọi tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi thoáng thấy bóng chiếc linh xa chở Người. Những tiếng khóc nối nhau, những bàn tay chới với, những mái đầu bạc xen mái đầu xanh gục xuống thổn thức. Có tiếng một cụ già nấc nghẹn: “Người về với Quảng Bình thật đây rồi, Người ơi!”. Đoàn xe tang lễ tiến rất chậm, rất chậm trong nỗi niềm tiếc thương vô bờ bến của nhân dân. Bên kia là tiếng sóng biển rì rào…

Đúng 16h, tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổ chức trọng thể. Tham dự Lễ an táng có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đồng chí Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tướng lĩnh lực lượng vũ trang và các tổ chức quốc tế... Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Lễ Quốc tang, đã đọc lời tiễn biệt cuối cùng đối với đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 16 giờ 20 phút, tiếng nhạc Hồn tử sỹ vang lên, linh cữu vị Đại tướng huyền thoại đã được đội tiêu binh kính cẩn đặt xuống huyệt mộ. Giây phút đó, trái tim hàng vạn, hàng triệu người dân đất Việt dường như vỡ vụn! Trong không khí tiếc thương, đồng chí Chủ tịch nước, đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Ban Lễ tang nhà nước và gia đình... đã bỏ những nắm đất đầu tiên xuống huyệt mộ để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cát bụi lại trở về với cát bụi… Thân xác hữu hạn nhưng linh khí là vô hình, Người về với Đất Mẹ quê hương nhưng trong tâm tưởng của hàng triệu người dân, hình bóng và những kỷ niệm đẹp về Người sẽ còn sống mãi.

Tấm lòng người dân Nghệ An với đại tướng

Sáng 13/10, không gian ở mọi miền đất nước tĩnh lặng. Từ sáng sớm, mọi người đã tập hợp đông đủ tại điểm công cộng, nơi có bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tưởng niệm, tiễn đưa người con ưu tú về với đất mẹ. Ở thủ đô Hà Nội, Ban Lễ tang Trung ương trang trọng tổ chức Lễ Truy điệu Đại tướng theo nghi thức Quốc tang. Ở tỉnh Nghệ An, trong ngày tiễn biệt Đại tướng, hàng triệu người dân cũng đã có những việc làm, ghi ơn, tưởng nhớ tiếc thương về vị tướng, suốt cuộc đời vì nước, vì dân.

Dòng người đưa tiễn Đại tướng về Vũng Chùa - Đảo Yến.  Ảnh: Thành Duy
Dòng người đưa tiễn Đại tướng về Vũng Chùa - Đảo Yến. Ảnh: Thành Duy

Ông Nguyễn Văn Bình, một cựu chiến binh, ở khối 6, phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh dậy từ 3 giờ sáng, áo mũ đồng phục, huân chương, huy hiệu chỉnh tề. Đánh thức vợ con dậy và cùng dự, ông Bình dâng lễ, đặt lên bàn thờ gia đình những cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi thành kính thắp lên nén hương thơm. Lễ thành, ông Bình ngồi nghe lại những bài hát tưởng niệm về một thời hoa lửa chưa xa… 5 giờ 30 sáng, ông đi gọi người đồng đội cũ cùng lên phường. Hơn 6 giờ sáng, dòng người lặng lẽ tiến vào hội trường UBND phường, đưa tiễn người anh cả, vị tướng tài ba. Không khí nghiêm trang bao trùm khuôn viên hội trường trong lúc chờ Lễ Truy điệu. Đúng 7 giờ, không ai bảo ai, mọi ánh mắt đều hướng đến màn hình lớn đặt trên sân khấu để theo dõi truyền hình trực tiếp Lễ Truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Nhà Tang lễ Quốc gia Hà Nội. Hình ảnh dòng người tiễn đưa khiến nhiều người có mặt tại hội trường nức nở. Dâng nhành hoa cúc trắng tiễn biệt Đại tướng lần cuối, ông Bình xúc động nghẹn ngào: “Đại tướng muôn năm. Anh Văn sẽ sống mãi trong trái tim chúng tôi…”. Sau khi dự lễ tưởng niệm, truy điệu Đại tướng tại trụ sở phường, ông Dương Văn Chuyên, Khối trưởng khối 2, phường Trường Thi xúc động cho biết: “Những ngày qua, ông cùng đoàn cán bộ của phường đã hành hương vào Lệ Thủy - Quảng Bình thăm viếng Đại tướng ngay tại quê hương của Người. Những tình cảm tiếc thương Đại tướng được nhân dân trong khối biến đau thương thành hành động, quyên góp được 20 triệu đồng và 100 bộ quần áo mới về Thị xã Hoàng Mai ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt…”.

Đúng 7h sáng qua, khắp nơi trên địa bàn tỉnh đã tổ chức tưởng niệm, theo dõi Lễ Truy điệu và di quan Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng. Từ sáng sớm, toàn thể Ban Biên tập, cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An đã tập trung tại hội trường lớn, trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm, truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong niềm tiếc thương vô hạn, biên tập viên Thanh Phúc cho biết: “Những ngày qua, Báo Nghệ An nhận được rất nhiều bài viết, thơ, văn của cán bộ, nhân dân khắp mọi miền gửi về với nội dung ca ngợi tấm gương vì nước, vì dân của Đại tướng. Có nhiều trang viết còn đọng lại những giọt nước mắt, thấm đẫm tình cảm thiêng liêng đối với Đại tướng. “Nhân dân cả nước đau đớn biết rằng dân tộc Việt Nam đã mất đi một chỗ dựa tinh thần khó có ai thay thế được. Vì thế, khi ông mất, cả dân tộc đã xích lại gần nhau hơn, nắm chặt tay nhau trong đoàn kết, yêu thương… ”.

Tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hôm qua, dòng người vẫn nối dài như không ngừng nghỉ vào viếng Đại tướng. Dòng người có cả em nhỏ, cụ già, những giáo viên, rồi cả những cựu chiến binh mang trên mình vết thương vẫn cố gắng được đứng trước bàn thờ nghi ngút khói hương để nói lời tiễn biệt Đại tướng. Em Nguyễn Hoàng Phúc, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Hồng Sơn ôm trên tay bức ảnh Đại tướng thành kính tiến về bàn thờ dâng lên nén nhang, đôi mắt đỏ hoe, bùi ngùi ghi vào sổ tang: “Cháu chào Bác Giáp, mong bác được yên nghỉ nơi suối vàng, chúng cháu sẽ cố gắng chăm ngoan, học giỏi để không phụ lòng mong mỏi của Bác”. Chị Nguyễn Thị Thanh buôn bán tại chợ Vinh trân trọng nâng chiếc băng tang từ tay tình nguyện viên, nức nở nói: “Đợi mãi từ hôm qua giờ mới được vào thắp hương cho cụ, cụ ra đi mang theo tình thương yêu vô vàn của tất cả người dân Việt Nam, thật xúc động và tự hào khi được đứng trước ban thờ cụ”.

Hàng vạn người đưa tiễn Đại tướng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Thành Duy
Hàng vạn người đưa tiễn Đại tướng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Thành Duy

Ở xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương – quê hương của phu nhân Đại tướng, ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Lễ tưởng niệm Đại tướng đã được diễn ra suốt hơn hai ngày qua tại Hội trường xã. Rất đông người dân Thanh Xuân đã đến đây cũng như vào nhà thờ học Đặng, nhà tưởng niệm cụ Đặng Thai Mai thắp hương để tưởng nhớ vị Đại tướng của nhân dân, người con rể hiếu nghĩa của quê hương… Ở xã nghèo Yên Tĩnh, huyện miền núi Tương Dương, sáng sớm nay, người dân 9 bản của xã đã tề tựu, tập trung về trụ sở UBND xã - điểm đặt bàn thờ và tổ chức Lễ Truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp để theo dõi chương trình tường thuật trực tiếp qua Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như thắp nén tâm hương tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng. Ông Lương Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Yên Tĩnh cho biết: Nghe tin Bác Giáp mất, Đảng ủy xã đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Hai ngày trước thì tổ chức treo cờ rũ tại trụ sở UBND xã, ngã ba, ngã tư đường cũng như tại nhà văn hóa cộng đồng các xóm. Hôm qua, xã cử người ra Ban Chỉ huy Quân sự huyện xin di ảnh Bác Giáp về để lập bàn thờ, cúng bác. Bác Giáp – người học trò của Bác Hồ, người có công với nước, người con của bản làng, ai cũng thương lắm… Còn ông Kha Văn Nghệ, người cao tuổi xóm Pa Tý thì cho hay: Tôi theo dõi ti vi chỉ với tâm niệm nhìn thấy linh cữu của Đại tướng. Nhìn thấy mọi người cũng như mình đều yêu thương Đại tướng mà cứ nghẹn lại nơi cổ họng. Bác Giáp vừa vĩ đại vừa gần gũi nên cảm thấy đau đớn như mất đi người thân ruột thịt.

Trong ngày tiễn đưa Đại tướng về cõi trường xuân, nhiều người dân Nghệ An đã thành lập thêm những đoàn để về với Vũng Chùa – Đảo Yến, Quảng Bình – nơi Đại tướng yên nghỉ. 3 giờ sáng, Anh Nguyễn Văn Hòa, 30 tuổi, huyện Hưng Nguyên đã có mặt tại Thành phố Vinh, lên xe cùng nhiều người khác hành quân vào Quảng Bình. Trước giờ xuất phát, Anh Hòa tâm sự: Tôi mong ngóng từng giờ để về Quảng Bình viếng Đại tướng. Mong rằng, qua chuyến đi sẽ giúp tôi và một số bạn bè khác hiểu thêm về lý tưởng vì độc lập, vì hòa bình cho dân tộc để phấn đấu và cống hiến. Hòa khe khẽ ngâm : “Chúng con lớn lên sau chiến tranh/ Chỉ biết Điện Biên như huyền thoại/ Nhưng con hiểu một trái tim vĩ đại/ Sống mãi cùng dân tộc Việt Nam/… Người vẫn là một tâm hồn vĩ đại/ Cho con tự hào mình là người Việt Nam”.

Có mặt trong dòng người bất tận đến tiễn đưa Người tại núi Rồng chiều qua, rất nhiều người khi được hỏi đã không thể nói với chúng tôi bất cứ điều gì, chỉ có những giọt nước mắt cứ thế lăn dài. Lễ an táng đã kết thúc nhưng hàng vạn người vẫn còn nấn ná không nỡ rời xa, muốn gần Người thêm chút nữa, Đại tướng ơi…! Bịn rịn và tiếc thương một nhân cách lớn của dân tộc, một người con trung hiếu của Tổ quốc Việt Nam. Xin dâng một nén tâm hương, kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Người, Đại tướng ơi!

Nhóm PV

Hòa mình vào đất mẹ yêu thương!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO