Họa sỹ Lê Huy Trấp: "Tôi sẽ vẫn tiếp tục vẽ về Bác"

19/05/2014 19:59

(Baonghean) - Gương mặt già nua, mái tóc đã bạc trắng, giọng nói đã run và không còn linh hoạt, nhưng phía sau tất cả vẻ bề ngoài ấy là một trí óc minh mẫn, một nỗi đam mê với nghề vẽ. Ông là họa sỹ Lê Huy Trấp, người chuyên vẽ tranh Bác Hồ.

Tranh bột màu  “Xây dựng đất nước ta  đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Tranh bột màu “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Sinh năm 1929 tại huyện Nghi Lộc, họa sỹ Lê Huy Trấp lớn lên trong một gia đình có truyền thống hội họa. Họa sỹ Lê Huy Miến, người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu ở Việt Nam, là em ruột của ông nội họa sỹ Lê Huy Trấp. Người anh em họ của ông cũng là họa sỹ có tiếng, đó là Lê Huy Tiếp. Ông nói: “Thật không gì hạnh phúc hơn khi được lớn lên trong một môi trường như thế, khi bên cạnh mình những người thân yêu cũng có thể chia sẻ kiến thức và quan điểm về nghệ thuật”.

Họa sỹ Lê Huy Trấp
Họa sỹ Lê Huy Trấp

Khi Lê Huy Trấp còn nhỏ, ông Lê Huy Miến đã bị mù do bị quân Pháp tiêm thuốc. Tuy vậy, thi thoảng người ông họ vẫn trò chuyện với cháu về hội họa. Những bức sơn dầu của ông Miến khiến cậu bé Trấp thấy tò mò, ngạc nhiên bởi lẽ cả một thế giới đầy màu sắc sinh động đã được diễn tả trên một tấm vải nhỏ bé thế kia. Cậu bé cứ ngẩn người xem tranh và mơ ước ngày nào đó mình cũng sẽ sáng tạo được cả một thế giới như thế.

Năm 1954, ước mơ của Lê Huy Trấp đã thành sự thực khi thi đỗ rồi ra Hà Nội học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chuyên ngành Đồ họa. Năm 1959 ông ra trường, về công tác tại Tổng Công ty Xuất nhập khẩu tác phẩm thuộc Bộ Ngoại thương, làm 2 năm ở bộ phận thiết kế quảng cáo. Sau đó ông học tiếp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, đến năm 1964 ra trường, về Sở Văn hóa Hà Nội làm thiết kế sân khấu trong Đoàn Ca múa kịch Hà Nội. Năm 1983 ông về công tác tại Văn phòng của Hội Mỹ thuật Việt Nam cho đến khi về hưu vào năm 1993.

Họa sỹ Lê Huy Trấp cho biết, từ thời còn học phổ thông ông đã vẽ chân dung Bác Hồ. Một trong những bức tranh vẽ Bác đẹp nhất của ông ngày ấy đã được thầy hiệu trưởng treo trang trọng trong phòng làm việc của mình. Mỗi lần vào phòng hiệu trưởng, Lê Huy Trấp lại ngước lên nhìn bức vẽ ấy và cảm thấy ấm áp trong lòng. Với tất cả sự ngưỡng mộ, ông đã vẽ bức này khi hình dung về Bác qua những tấm ảnh, những câu chuyện. Mặc dù chưa được trực tiếp gặp Người, nhưng nỗi xúc động sâu xa trước hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu đã giúp ông có được những nét vẽ khá tài tình ấy.

Thế rồi ông được gặp Bác Hồ thật, thậm chí được gặp tới hai lần. “Đó là một vinh dự lớn cho tôi. Bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn không thể quên cái cảm xúc của ngày hôm đó”, Lê Huy Trấp rưng rưng kể lại. Lần đầu tiên gặp Bác, lúc ấy Lê Huy Trấp đang học đại học, Bác đến thăm trường. Tất cả sinh viên háo hức đón Bác ở cổng chính, nhưng cuối cùng Bác lại vào qua cổng phụ, bởi Bác muốn ghé thăm nhà bếp, khu vệ sinh trước khi vào thăm lớp. Họa sỹ Lê Huy Trấp nhớ lại: “Sinh viên chúng tôi òa lên vừa khóc vừa cười khi gặp Bác. Ấn tượng lần gặp ấy đã làm đọng lại trong tôi những cảm xúc mạnh mẽ, tốt đẹp. Tôi thấy Bác là người có tác phong rất nhanh nhẹn, tháo vát. Ở Bác toát lên vẻ gì đó khác người”.

Năm 1969, tin Bác Hồ mất đã làm thổn thức trái tim của mọi người con đất Việt. Với Lê Huy Trấp, đây là một mất mát quá lớn lao, nhất là sau khi đã được gặp Bác và lưu luyến mãi với hình ảnh của Người. Người họa sỹ đã vẽ bức đầu tiên về Bác Hồ kể từ ngày học mỹ thuật, đánh dấu sự chuyển hướng về đề tài Bác Hồ. Từ đây, Lê Huy Trấp say sưa vẽ Bác, bởi với ông, đây là một cách để tưởng nhớ Người, một cách để yêu kính và biết ơn, một cách để hướng trái tim mình về phía ánh sáng.

Năm 1970, đoàn nghệ sỹ Việt Nam do họa sỹ Lê Quốc Lộc làm trưởng đoàn đã tham dự một triển lãm tranh tại La Habana, Cu Ba. Bức tranh “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (bột màu) của Lê Huy Trấp vẽ nhân dịp kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh Hồ Chủ Tịch được chọn tham dự. Triển lãm xong, Fidel Castro đã yêu cầu in tác phẩm này thành nhiều bản. Sau đó, hai họa sỹ Cu Ba được cử sang Việt Nam để giúp Bộ Văn hóa Việt Nam trong kỹ thuật in lưới và tặng Bộ Văn hóa một số phiên bản bức tranh này.

Nhiều bức tranh vẽ Bác khác của Lê Huy Trấp cũng nhận được sự yêu mến của công chúng yêu nghệ thuật như bức “Bác Hồ ở Paris” (bột màu), “Tổ quốc và Bác” (bột màu), “Bác Hồ câu cá” (bút kim), “Bác Hồ bên suối Lênin” (bút kim), “Ngục trung nhật ký” (bột màu), “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (bột màu), “Việt Nam Hồ Chí Minh” (thuốc nước), “Bác Hồ với báo Le Paria” (thuốc nước).

Dù là tranh bột màu, thuốc nước, bút kim hay là tranh áp phích, các bức vẽ của Lê Huy Trấp vẫn gợi ra được một chân dung chân thực, sắc nét về Bác Hồ. Ông vẽ Bác ở nhiều góc độ, nhiều thời kỳ với những sắc thái khác nhau: khi thì trẻ trung, rắn rỏi, cương nghị như trong bức “Ngục trung nhật ký”, khi thì hiền hậu, giản dị như trong bức “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, lúc tươi tắn, rạng ngời như trong bức “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, lúc lại thư thái, an nhiên như trong bức “Bác Hồ câu cá”… Trên tất cả, tranh của Lê Huy Trấp đã nắm bắt được thần thái con người Bác, đã vẽ không chỉ hình dáng bề ngoài mà còn tả được vẻ đẹp tinh thần, tâm hồn của vị lãnh tụ kính yêu.

Với thành công của mình, họa sỹ Lê Huy Trấp đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng về mỹ thuật: Giải thưởng chính thức về đề tài Hồ Chí Minh; Giải B và Giải C 10 năm triển lãm đồ họa toàn quốc (1975 – 1985); Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật Hà Nội năm 1968 (Giải B), năm 1972 (Giải A), năm 2001 (tặng thưởng); Giải thưởng tranh cổ động năm 1970 và 2005 (giải A), năm 1995 (Giải B), năm 2000 (Giải C), năm 2001 (tặng thưởng); Giải Khuyến khích của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995; Tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật khu vực I (Hà Nội) năm 2002; Tặng thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2004. Ông cũng được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Lao động, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa – Thông tin. Nhưng với ông, vinh dự nhất là khi người ta nói tới những họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ, là người ta nhắc đến ông cùng những tên tuổi như cố họa sỹ Diệp Minh Châu; họa sỹ Dương Bích Liên, họa sỹ Đỗ Năm, Nguyễn Văn Phúc, Trần Mai, họa sỹ, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Trần Thức...

Khi được hỏi có cảm nghĩ gì về cả một đời sáng tạo hội họa của mình, họa sỹ Lê Huy Trấp xúc động nói: “Tôi tự hào được sinh ra trên quê hương của Bác. Cả cuộc đời lao động nghệ thuật của mình, tôi chỉ có một mong muốn lớn nhất là lưu giữ lại hình ảnh cao cả của Người. Tôi đã vin vào điều đó để sống, để sáng tạo. Đến giờ, có thể nói tôi rất hạnh phúc bởi đã được gặp Bác, được Bác truyền cho tình yêu và nhiệt huyết với nghệ thuật. Nếu có thêm nhiều thời gian nữa trên đời này, tôi sẽ vẫn tiếp tục vẽ về Bác”.

Bài ảnh: Thùy Vinh

Mới nhất
x
Họa sỹ Lê Huy Trấp: "Tôi sẽ vẫn tiếp tục vẽ về Bác"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO